Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các công ty công nghệ Mỹ sẽ bị trả đũa ra sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các công ty công nghệ Mỹ sẽ bị trả đũa ra sao?

Thiện Khang

(TBKTSG Online) – Việc chính phủ Mỹ dồn dập ban hành các lệnh cấm nhắm vào các tập đoạn công nghệ Trung Quốc như Tencent, Bytedance không đơn giản chỉ vì lý do bảo vệ thông tin cá nhân người dùng. Đế chế ngầm của các công ty Trung Quốc len lỏi khắp nơi đã khiến phương Tây thật sự e ngại và tìm cách ngăn chận.

'Vòi bạch tuộc' Tencent trong tầm ngắm chính phủ Mỹ

Chính phủ Mỹ mở rộng cuộc chiến trên mặt trận công nghệ để đánh vào các doanh nghiệp vốn là xương sống của nền công nghệ Trung Quốc. Ngày 7-8, Tổng thống Donald Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp với nội dung kể từ ngày 20-9-2020 trở đi, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải chấm dứt mọi giao dịch thương mại với hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc ByteDance và Tencent.

Nội dung sắc lệnh cũng cấm hoạt động ở Mỹ hai ứng dụng quan trọng nhất – và cũng là “con gà đẻ trứng vàng” – của hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc này là TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent. Giới công nghệ quốc tế nhận định rằng lệnh cấm ứng dụng nhắn tin WeChat sẽ mở màn cho các động thái tiếp theo nhắm vào tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc.

Tencent thành lập năm 1998, hiện là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới và có thế lực hùng mạnh nhất nhì tại Trung Quốc. Trị giá trên thị trường chứng khoáng của Tencent là 680 tỉ đô la Mỹ (gấp 10 lần ByteDance và gấp đôi Netflix của Mỹ).

Con 'bạch tuột công nghệ' này cũng vươn vòi ra thế giới với số vốn đầu tư khá lớn và đóng vai trò là một trong những nhà đầu tư quan trọng trên thế giới. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, Tencent đã chi ra số vốn đầu tư lên đến 60 tỉ USD chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ của các doanh nghiệp phương Tây.

Chưa dừng lại ở đó, Tencent còn bỏ vốn vào các mạng âm nhạc Spotify (Thụy Điển), ứng dụng nhắn tin đa phương tiện Snapchat của Snap (Mỹ), góp vốn sản xuất vào các hãng điện ảnh lớn của Mỹ (các phim bom tấn như ‘Wonder Woman’, ‘Venom’, ‘Terminator: Dark Fate’ và siêu phẩm sắp ra mắt ‘Top Gun: Maverick’ đều có vốn góp khá lớn của Tencent). Tencent cũng đã mua lại diễn đàn mạng Reddit nổi tiếng của Mỹ và cũng đã đầu tư vào doanh nghiệp  dịch vụ mua sắm Afterpay của Úc.

Có lẽ ít ai biết rằng Tencent nắm quyền chi phối khá lớn trên thị trường video game thế giới với việc sở hữu 100% hãng sản xuất Riot Games (với trò chơi League of Legends – Liên minh huyền thoại), nắm 80% cổ phiếu của hãng Supercell (với trò chơi Clash of Clans), nắm 40% cổ phiếu của hãng Epic Games (với trò chơi Fortnite và ứng dụng thiết kế game Unreal Engine). Các hãng thiết kế game nổi tiếng như Bluehole, Blizzard, Ubisoft, và PlatinumGames đều có vốn góp của Tencent.

Nếu chỉ tính về mặt doanh thu video game thì Tencent là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh này và cũng là nhà phát hành chủ lực của nhiều video game rất được ưa chuộng trên thế giới. Giới chơi game quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán điện tử vì có thể WeChat Pay sẽ không được dùng trong các trò chơi do các hãng Mỹ sản xuất.

Không chỉ ngăn chận những chiếc vòi bạch tuộc của Tencent, chính phủ Mỹ còn đi xa hơn. Hồi tháng 5 năm nay, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ phải chứng minh được rằng họ hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của một chính phủ nước ngoài.

Yêu cầu này rõ ràng là muốn cắt đứt nguồn vốn đầu tư từ Mỹ rót vào các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của Trung Quốc thông qua thị trương chứng khoán. 

Trung Quốc có đủ sức ăn miếng trả miếng?

Tuy Tencent sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai sau ngày 20-9-2020, nhưng các doanh nghiệp lớn của Mỹ, điển hình là Apple, sẽ cũng chịu “tai bay vạ gió” không nhỏ. Bởi, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ iPhone lớn nhất của Apple và hãng này cũng đã xác định WeChat là ứng dụng rất quan trọng trên thị trường Hoa Lục.

Nếu chấp hành lệnh của chính phủ Mỹ thì Apple sẽ phải gỡ bỏ Tik Tok và WeChat ra khỏi App Store dành cho thị trường Trung Quốc. Với việc người dân Hoa Lục không còn được dùng WeChat thì điều này còn tệ hại hơn việc người dùng phương Tây xài smartphone của Huawei nên không được phép truy cập Play Store của Google.

Chắc chắn là mảng kinh doanh kinh doanh iPhone ở Trung Quốc của Apple sẽ sụt giảm nghiêm trọng sau khi lệnh cấm có hiệu lực. Đối với dân Trung Quốc, mua iPhone mà không có WeChat chẳng khác nào mua một “cục gạch” với giá trên trời.

Không chỉ ảnh hưởng đến giới công nghệ Mỹ, làng thể thao Mỹ cũng sẽ là “nạn nhân” vì năm rồi, Tencent đã ký hợp đồng mua bản quyền truyền hình các trận đấu trong khuôn khổ giải Bóng rổ NBA để phát ở Trung Quốc. Bản hợp đồng này trị giá 1,5 tỉ USD và có thời hạn năm năm.

Khi Tencent không được làm ăn ở Mỹ, NBA sẽ phải nổ lực tìm kiếm một khoản thu mới trị giá 300 triệu đô la/năm để bù vào khoản thất thu từ Tencent, một điều không hề dễ trong thời buổi kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. 

Các doanh nghiệp Mỹ có bán hàng trực tiếp cho người dùng Trung Quốc và chấp nhận thanh thanh toán bằng WeChat Pay cũng sẽ phải yêu cầu khách hàng chuyển sang hình thức thanh toán khác sau ngày 20-9-2020.

Đồng thời, các doanh nghiệp Mỹ cũng phải ngưng đăng lên WeChat những quảng cáo sản phẩm hướng đến đối tượng người dùng Trung Quốc. Những điều này sẽ làm các doanh nghiệp Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ ở Trung Hoa lục địa.

Tổng hợp từ The Verge, CNN, Reuters, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới