Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các công ty công nghệ Trung Quốc lặng lẽ cắt giảm xuất khẩu sang Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty công nghệ Trung Quốc đang âm thầm tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu các lô hàng sang Nga do chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nhà cung cấp, bất chấp Bắc Kinh kêu gọi chống đối sự o ép của nước ngoài.

Tháng trước, SZ DJI Technology, nhà sản xuất máy bay không người lái (drone) hàng đầu của Trung Quốc, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh ở cả Nga lẫn Ukraine. Ảnh: AFP

Theo các nguồn thạo tin, một số công ty công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang cắt giảm hàng bán sang Nga, nơi họ thống trị thị trường ở nhiều dòng sản phẩm, mà không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào.

Những công ty này bao gồm hãng máy tính Lenovo, nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị công nghệ Xiaomi. Trái ngược với nhiều công ty phương Tây, họ tránh đưa ra những tuyên bố công khai để bày tỏ thái độ với cuộc chiến của Nga ở Ukraine hoặc tình hình hoạt động kinh doanh của họ ở Nga.

Tháng trước, SZ DJI Technology, nhà sản xuất máy bay không người lái (drone) hàng đầu của Trung Quốc, đã có động thái bất thường khi thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh ở cả Nga lẫn Ukraine để chờ đánh giá việc tuân thủ các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu của Mỹ và các đồng minh.

Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sang Nga đã giảm mạnh trong tháng 3 so với tháng 2, với máy tính xách tay giảm hơn 40%, điện thoại thông minh giảm gần 2/3 và xuất khẩu các trạm cơ sở viễn thông giảm 98%, theo dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc.

Thương mại của Trung Quốc với phần lớn thế giới cũng bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa liên quan đến Covid-19 ở Thượng Hải, nơi sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu ra toàn cầu.

Hàng loạt công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga sau làn sóng trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu trên diện rộng do Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga. Mỹ đã đe dọa trừng phạt các công ty Trung Quốc không tuân theo các lệnh trừng phạt này.

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các đồng minh đã cắt giảm hơn 50% hoạt động nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao của Nga, đồng thời khiến Nga thiếu hụt chip bán dẫn và chật vật tìm kiếm linh kiện cho các hàng hóa quốc phòng. Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times hồi tháng 3, bà Raimondo cảnh báo các công ty Trung Quốc sẽ bị phạt nếu họ không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga.

Theo các nguồn tin, các hãng chip lớn của Mỹ đang ép buộc khách hàng, bao gồm các công ty Trung Quốc, tuân thủ các quy định hạn chế xuất khẩu và đảm bảo chip bán dẫn của họ không nằm trong hàng hóa của bên thứ ba được vận chuyển đến Nga.

Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc thừa nhận các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động thương mại của Trung Quốc với Nga, nhưng kêu gọi các công ty “không phục tùng sự ép buộc từ bên ngoài”. Dữ liệu thương mại chính thức cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga giảm 27% về giá trị trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 3.

Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài, bao gồm các quy định có thể buộc các công ty Trung Quốc không tuân thủ các lệnh trừng phạt mà nước này cho là không hợp lý.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây bao gồm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn xuất khẩu hàng hóa liên quan đến quốc phòng sang Nga cũng như xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất bằng thiết bị, phần mềm hoặc thiết kế của các công ty Mỹ.

Steve Brazier, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường Canalys, cho biết nếu một công ty máy tính của Trung Quốc bị một nhà cung cấp chip chủ chốt cắt nguồn cung, “đó sẽ là một thảm họa”. Ông nói: “Bạn có thể hiểu tại sao họ (các công ty công nghệ Trung Quốc) có động cơ để tránh rơi vào tình thế như vậy”.

Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho biết dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đặt ra một số ngoại lệ đối với một số thiết bị điện tử tiêu dùng, nhưng chúng phải được xuất khẩu trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ hoặc người tiêu dùng ở Nga. Hầu hết các nhà cung cấp công nghệ lớn đều bán sản phẩm của họ thông qua các nhà phân phối thứ ba và các nhà bán lẻ tại nước sở tại.

Trong số các công ty Trung Quốc ngừng xuất khẩu hàng đến Nga có Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới và là nhà bán PC lớn thứ hai ở Nga, chỉ đứng sau HP.

Lenovo đã tạm dừng xuất khẩu các lô hàng sang Nga ngay sau khi cuộc xung đột Nga- Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt của nước ngoài bắt đầu có hiệu lực, theo các nhà cung cấp, công ty hậu cần và các hãng nghiên cứu thị trường theo dõi hoạt động xuất khẩu của Lenovo.

Xiaomi, hãng smartphone đứng thứ 2 ở Nga về doanh số vào năm ngoái, chỉ sau Samsung Electronics, cũng đã cắt giảm các lô hàng bán sang Nga. Một nhà phân phối trong khu vực cho biết Xiaomi đã không xuất khẩu lô hàng nào sang Nga trong những tuần gần đây.

Không phải tất cả các công ty Trung Quốc đều giấu giếm phản ứng của họ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tháng trước, SZ DJI Technology thông báo công khai rằng họ sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh ở Nga và Ukraine. SZ DJI Technology đã làm như vậy sau khi có các báo cáo về việc sử dụng drone của công ty này trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Người phát ngôn của DJI nói: “SZ DJI Technology phản đối mọi hành vi sử dụng drone của chúng tôi để gây hại và chúng tôi đang tạm ngừng bán hàng ở những nước này (Nga và Ukraine) để đảm bảo không có ai sử dụng drone của chúng tôi trong chiến sự”.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới