Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các công ty công nghệ Trung Quốc đổ xô đến Thung lũng Silicon

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các công ty công nghệ Trung Quốc đổ xô đến Thung lũng Silicon

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Bắc Kinh có thể đang mắc kẹt trong cuộc chiến công nghệ với Washington nhưng vì cần các tài năng và trình độ chuyên môn cao của nước Mỹ, các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện ở Thung lũng Silicon, thuộc khu vực vịnh San Francisco, bang California nơi tập trung nhiều thành phố như Palo Alto, Menlo Park, Cupertino, Santa Clara, Mountain View, Santa Clara, Sunnyvale…

“Chén Thánh” của Thung lũng Silicon

Trung Quốc xâm nhập Thung lũng Silicon để “câu” nhân tài

Các công ty công nghệ Trung Quốc đổ xô đến Thung lũng Silicon
Một số công ty công nghệ Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện ở TP. Menlo Park, bang California, nơi đặt trụ sở của Facebook. Ảnh: Getty

Đến Thung lũng Silicon “săn” nhân tài

Theo hãng tin CNN, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang thiết lập sự hiện diện dày đặc tại Thung lũng Silicon. Các trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Tencent và Công ty công nghệ Internet ByteDance của Trung Quốc chỉ cách Đại học Stanford, hạt Santa Clara, bang California một quãng đường đi bộ ngắn. Cách đó vài dặm về hướng đông, nằm bên đường cao tốc 101 là các văn phòng của Alibaba, Baidu và Didi Chuxing.

Các công ty công nghệ này đang thống lĩnh thị trường công nghệ ở Trung Quốc, nơi họ đã thúc đẩy sáng tạo về mạng xã hội, mua sắm trực tuyến và xe tự lái. Song sự hiện diện của họ ở Thung lũng Silicon cho thấy rõ rằng các ông lớn công nghệ của Trung Quốc vẫn rất cần trình độ chuyên môn của Mỹ để duy trì sức cạnh tranh.

“Các công ty công nghệ Mỹ vẫn dẫn trước các công ty công nghệ Trung Quốc. Không thể nói các công ty của Trung Quốc không có thế mạnh về sáng tạo nhưng trong trường hợp bạn muốn chuyên môn công nghệ tốt nhất, bạn phải đến Mỹ”, James Lewis, Giám đốc Chương trình chính sách công nghệ ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định.

Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ trong một thập kỷ tới. Nước này đã lên kế hoạch đầu tư hàng trăm tỉ đô la cho các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái và siêu máy tính.
Song đội ngũ tài năng công nghệ xuất sắc ở Trung Quốc có số lượng thấp hơn ở Mỹ, nơi vẫn thu hút các kỹ sư và các doanh nghiệp tham vọng từ khắp nơi trên thế giới.

Bằng cách tập trung sự hiện diện ở Thung lũng Silicon, các công ty dễ dàng tiếp cận các sinh viên tốt nghiệp và nhà nghiên cứu tài năng từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Stanford và Viện Công nghệ California. Nhờ chính sách lương bổng ngày càng cải thiện, họ cũng đang có ưu thế cạnh tranh nhân tài tốt hơn so với các đối thủ công nghệ Mỹ như Google, Facebook và Uber.

Dưới đây là một số nỗ lực thâm nhập vào trung tâm công nghệ nước Mỹ của một số công ty lớn nhất Trung Quốc.

Alibaba

Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đang có lực lượng nhân sự 350 người ở 3 văn phòng tại Thung lũng Silicon. Alibaba khai trương văn phòng đầu tiên tại TP. Santa Clara, bang California vào năm 2000.
Sứ mệnh chính của văn phòng này là thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Văn phòng thứ hai của Alibaba đặt tại TP. San Mateo, bang California, tập trung vào nỗ lực phát triển kinh doanh và công nghệ cho mảng kinh doanh điện toán đám mây và Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Ant Financial, công ty con của Alibaba.

Alipay đang dần được các doanh nghiệp bán lẻ và khách sạn ở Mỹ đón nhận khi họ nhìn thấy triển vọng từ số lượng du khách đến Mỹ tăng lên qua mỗi năm.

Trong năm nay, Alibaba mở rộng sự hiện diện ở khu vực vịnh San Francisco với việc khai trương một phòng thí nghiệm ở TP. Sunnyvale, nơi đặt trụ sở của Yahoo. Phòng thí nghiệm này có nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là một phần của kế hoạch chi tiêu 15 tỉ đô la của Alibaba nhằm thiết lập các cơ sở nghiên cứu về các công nghệ mới nổi ở nhiều thành phố trên toàn cầu.

Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc gồm Alibaba, ByteDance, Baidu, Didi Chuxing và Tencent đều đã có mặt tại Thung lũng Silicon. Ảnh: CNN

ByteDance

Công ty công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, là một trong những công ty lớn và gây chú ý nhất tại Trung Quốc vào thời điểm hiện tại.

Ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok và ứng dụng đọc tin Toutiao của công ty này đang phát triển mạnh mẽ nhờ các thuật toán dự báo dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Toutiao nằm trong số những công ty khởi nghiệp có mức định giá cao nhất thế giới. Trong vòng gọi vốn hồi tháng 11, công ty này được định giá đến 75 tỉ đô la.

Không giống như các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, nền tảng mạng xã hội của ByteDance đang gây thu hút ở Mỹ. TikTok là ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên kho ứng dụng App Store ở Mỹ hồi tháng 10.

ByteDance đã thành lập một văn phòng ở TP. Menlo Park, bang California, nơi đặt trụ sở của Facebook. Chiến lược kinh doanh của ByteDance xoay quanh nỗ lực sử dụng trí tuệ nhân tạo để mang lại cho người dùng những video ngắn và những bản tin mà họ muốn xem. Đội ngũ hơn 50 người của ByteDance ở Thung lũng Silicon tập trung phát triển các tính năng có thể triển khai nhanh chóng trên nhiều ứng dụng của ByteDance

Baidu

Baidu, công ty tìm kiếm internet hàng đầu của Trung Quốc, đang đầu tư mạnh mẽ vào mảng trí tuệ nhân tạo. Baidu đã mở văn phòng đầu tiên tại Sunnyvale vào năm 2011 và khai trương thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn ở đây vào năm ngoái. Baidu sử dụng khoảng 200 nhân sự ở Thung lũng Silicon để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân cho xe tự lái, robot… đồng thời nghiên cứu các lĩnh vực như thị giác máy tính, khai thác dữ liệu, học máy. Baidu là một trong những công ty đầu tiên xin cấp giấy phép thử nghiệm xe tự lái ở bang California và được chấp thuận vào tháng 9-2016.

Didi Chuxing

Didi Chuxing, hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, đã buộc Uber phải rút khỏi nước này vào năm 2016 sau một cuộc chiến đầy tốn kém để giành khách hàng.

Được định giá 56 tỉ đô la, Didi Chuxing giờ đây đang thách thức Uber ở nhiều thị trường trên thế giới. Năm ngoái, hãng gọi xe này khai trương phòng thí nghiệm có tên gọi Didi Labs ở TP. Mountain View, sát với khu trụ sở rộng lớn của Google. Đội ngũ hơn 100 nhân sự của Didi Labs đang phát triển các sản phẩm và công nghệ an toàn cho các chi nhánh của DiDi Chuxing ở Brazil, Mexico, Úc và Nhật Bản. Cũng giống như Baidu, Didi Chuxing cũng đã được cấp phép thử nghiệm xe tự lái ở California.

Tencent

Tencent, một ông lớn về mạng xã hội và game ở Trung Quốc, là một trong những công ty Internet đầu tiên của Trung Quốc thiết lập sự hiện diện ở Thung lũng Silicon. Năm 2007, công ty mở văn phòng ở TP. Palo Alto thuộc khu vực vịnh San Francisco.

Tencent là nhà đầu tư lớn ở các công ty công nghệ khác của Mỹ gồm hãng xe điện Tesla và công ty công nghệ Snap, sở hữu ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Snapchat.

Tencent được đồn đoán là sẽ xây dựng một cơ sở mới ở Palo Alto với sức chứa 250 nhân viên. Ngoài các nỗ lực phát triển game di động, các dịch vụ điện toán đám mây, đội ngũ của Tencent ở Thung lũng Silicon đang chuẩn bị nghiên cứu và phát triển xe tự lái

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới