Các công ty đa quốc gia chuẩn bị tình huống đồng euro sụp đổ
Phúc Minh
![]() |
Các công ty đa quốc gia chuẩn bị cho đồng euro sụp đổ |
(TBKTSG Online) – Mặc dù các nhà chức trách châu Âu đang nỗ lực tìm đối sách giải cứu khu vực đồng euro (eurozone) nhưng các công ty đa quốc gia đã nghiên cứu kế hoạch dự phòng ứng phó với khả năng eurozone giải thể.
Tự bảo vệ
Tờ Financial Times sau khi phỏng vấn hàng chục giám đốc điều hành công ty đa quốc gia cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng các lãnh đạo chính trị của châu Âu sẽ không thể kiềm chế sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ. Họ thấy cần bảo vệ doanh nghiệp khỏi tác động của cuộc khủng hoảng.
Chủ tịch Diageo Europe, ông Andrew Morgan, ngày 29-11 cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nghĩ về tình trạng tan rã của eurozone. Nếu phát sinh nhiều sự thay đổi xung quanh đồng euro, chúng tôi phải xử lý vấn đề trong những tình huống hoàn toàn khác nhau như thế nào. Khi một số nước rút khỏi eurozone sẽ khiến đồng euro mất giá, làm cho sản phẩm nhập khẩu trở nên đắt đỏ".
Trong khi đó, nhà sản xuất insulin hàng đầu thế giới Novo Nordisk (Hà Lan) đang xem xét chiến lược giá mới sau khi đồng euro sụp đổ. Giám đốc tài chính Jesper Brandgaard nói với Reuters: "Thật khó để làm kế hoạch chi tiết lúc này nhưng nếu đồng euro đột ngột sụp đổ, chúng tôi phải suy nghĩ về chiến lược giá mới, đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt ra vấn đề này và chủ đề đang ngày càng nổi bật".
Ngày 23-11, 14/20 nhà kinh tế được Reuters khảo sát cho biết đồng tiền chung châu Âu không thể tiếp tục tồn tại trong chế độ hiện hành. Hiện nay, các công ty châu Âu ngoài eurozone và các đối tác của 17 nước eurozone đang tích cực phát triển kế hoạch dự phòng. Dự kiến, các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, năng lượng và hàng tiêu dùng là những ngành công nghiệp dễ bị ảnh hưởng khi eurozone tan rã.
Một số tổ chức phi tài chính bắt đầu tiết kiệm tiền mặt trong khi số liệu của các ngân hàng trung ương cho thấy tiền gửi của doanh nghiệp vào các nền kinh tế eurozone yếu ớt đang giảm. Siemens đã thành lập ngân hàng riêng. Trong khi đó, BMW, Daimler, Volkswagen và các công ty khác gửi tiền vào các ngân hàng trung ương an toàn nhất châu Âu.
Một số công ty khác đang nghiên cứu sự tan rã của eurozone sẽ gây ra hậu quả pháp lý gì cho hợp đồng thương mại và thỏa thuận cho vay của các công ty đa quốc gia.
Thắt chặt tín dụng ảnh hưởng doanh nghiệp
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng sâu sắc, lan rộng ngoài phạm vi của ngành ngân hàng châu Âu, làm xói mòn nền kinh tế thực của châu Âu, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Từ các hãng hàng không đến các công ty sản xuất gần như đều cảm thấy áp lực khi ngành ngân hàng châu Âu giảm các khoản cho vay để tổng số vốn được tăng cường trong bảng cân đối kế toán.
Các nhà đầu tư xem các ngân hàng lớn của châu Âu như liên kết yếu nhất trong chuỗi tài chính toàn cầu vì các ngân hàng này nắm giữ một số lượng lớn trái phiếu chính phủ của các nước có mức nợ cao như Ý và Tây Ban Nha.
Thị trường tiền tệ Mỹ đang đóng cửa với các ngân hàng châu Âu, buộc các ngân hàng châu Âu phải cải thiện tiêu chuẩn cho vay. Đồng thời, các cơ quan quản lý tài chính châu Âu cũng yêu cầu các ngân hàng tăng thêm vốn dự phòng cho mỗi đô la Mỹ cho vay khiến nhiều ngân hàng phải giảm bớt khoản cho vay.
Tờ The New York Times dẫn lời nhà phân tích Alex Roever của JP Morgan nhận định: "Các ngân hàng lớn nhất châu Âu không thể cung cấp cho vay tín chấp sẽ cản trở sự phát triển kinh tế và hỗ trợ suy thoái".
Air France là điển hình phụ thuộc cao vào vốn của ngân hàng, 15% tiền mua máy bay của Air France được hai ngân hàng Paribas và Societe Generale tài trợ. Trong khi đó, hãng hàng không Emirates đang chuyển sang hệ thống tài chính Hồi giáo cũng như các thị trường mới nổi để bù đắp tác động của việc thắt chặt cho vay của các ngân hàng châu Âu.
Suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến ngành công nghiệp vận tải biển đã nhìn thấy rõ. Theo thống kê của các công đoàn địa phương, các thành phố cảng Hamburg, Kiel, Rostock… của Đức có hơn 5.000 công nhân bến tàu mất việc làm.
Ngay cả các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng cảm nhận được tác động của suy thoái kinh tế châu Âu. Ông Jacky Xu của công ty Yong Kang Wanyu tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho tờ The New York Times biết trong mùa thu này, đơn đặt hàng xe tay ga, ván trượt và đồ chơi trẻ em từ châu Âu đã giảm từ 20% -30%.
(tổng hợp FTChinese, Wallstreetcn)