Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các công ty nước ngoài sa lầy ở Nga

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các công ty nước ngoài sa lầy ở Nga

Minh Đức

Các công ty nước ngoài sa lầy ở Nga
Cửa hàng MacDonald’s ở quảng trường Pushkin, Moscow, là cửa hàng McDonald’s đông thứ 2 trên thế giới. Ảnh: MCCHRONICLES.BLOGSPOT

(TBKTSG) – Những căng thẳng địa chính trị âm ỉ của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang khiến cho việc làm ăn của các công ty phương Tây ở Nga trở nên bất ổn.

Mắc kẹt trên cát

Chị Sanat Parmanova tạt vào cửa hàng McDonald’s gần quảng trường nổi tiếng Pushkin ở thủ đô Moscow để ăn tối. Chị ngạc nhiên khi thấy cảnh cửa đóng then cài. Cửa hàng này từng là một trong những địa điểm đông nhất của McDonald’s trên toàn thế giới. Vai Parmanova rũ xuống vì thất vọng. “Đó là vì chính trị”, chị quả quyết.

Cửa hàng McDonald’s ở quảng trường Pushkin từng là biểu tượng của sự tan băng thời chiến tranh lạnh. Đây là cửa hàng đầu tiên mà McDonald’s mở ở Liên bang Xô Viết vào năm 1990.

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail S. Gorbachev từng ca ngợi cửa hàng này, cho rằng sự xuất hiện của nó “đã chứng minh rằng quan hệ kinh tế mới giữa nước ta và phần còn lại của thế giới là có thể”. “Các chú hề vui vẻ, những tấm hình bánh kẹp Big Mac, màu sắc, đồ trang trí độc đáo và sự sạch sẽ lý tưởng trong và xung quanh các nhà hàng, những nụ cười chào đón và dịch vụ tiện ích… tất cả khiến cho sự nổi tiếng của món bánh mì kẹp là xứng đáng” – ông Gorbachev viết trong tựa đề một cuốn hồi ký của George Cohon, người đưa McDonald’s đến Nga.

Nhưng tháng 8 vừa qua, McDonald’s ở quảng trường Pushkin đã trở thành một trong bốn cửa hàng bị chính quyền Nga đóng cửa với lý do “vi phạm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh”.
Mới đây, các thanh tra y tế với sổ sách, ống nghiệm và bông gạc cũng đã bất ngờ tới kiểm tra một cửa hàng McDonald’s khác ở phía Tây Bắc thủ đô Moscow. Sau đó, họ nhanh chóng kiến nghị về việc cấm cửa hàng này bán một số loại đồ ăn trên khắp nước Nga.

Các hành vi vi phạm được cho là: lượng calo ở trong bánh kẹp pho mát, bánh kẹp nhân cá, kem dâu và một số đồ ăn khác không trùng khớp với số lượng niêm yết trên những tờ giấy lót khay.

Việc kiểm tra các nhà hàng của McDonald’s diễn ra chỉ vài ngày sau khi Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ công bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga vì cáo buộc Moscow hỗ trợ lực lương ly khai ở miền Đông Ukraine.

Cùng lúc đó, các quan chức y tế tại một khu vực miền núi xa xôi ở Nga cũng dọa cấm bán các sản phẩm đồ uống Jack Daniels do phát hiện phụ gia nguy hiểm trong rượu mật ong.

Các công ty đa quốc gia đã đầu tư hàng tỉ đô la vào Nga trong những năm gần đây, đặt cược vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nước này. Nhưng tình hình chính trị hiện nay đã tác động tới triển vọng đó.

Nhiều công ty lớn như Volkswagen, Ford, Adidas và Carlsberg đã đổ lỗi cho Nga làm giảm doanh thu toàn cầu.

Sau khi trải qua 200 cuộc thanh tra trong những tháng gần đây, cuối tháng 10 vừa qua, McDonald’s báo cáo doanh thu quí giảm mạnh nhất kể từ năm 2002.

Các chuyên gia đã gọi tình thế của nhiều công ty nước ngoài ở Nga giống như bị sa lầy trên cát, càng cố gắng di chuyển để tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây thì càng bị lún sâu bởi những đòn trả đũa của Nga.

Tịch thu tài sản?

Khi Hoa Kỳ và châu Âu bắt đầu vòng trừng phạt đầu tiên, Visa và MasterCard đã cắt dịch vụ đối với một số ngân hàng Nga bị cấm giao dịch với các công ty Mỹ.

Điện Kremlin lập tức trả đũa bằng cách thông qua một đạo luật buộc Visa và MasterCard hoặc là phải tăng dự trữ bắt buộc hoặc phải di dời hệ thống xử lý thanh toán của họ sang Nga.

Visa và MasterCard đe dọa rút khỏi Nga chứ không chấp thuận tăng dự trữ bắt buộc và cho biết nếu chuyển một số hoạt động sang Nga thì sẽ cần nhiều thời gian hơn thời hạn mà Nga cho phép. Hôm 23-10 vừa qua, các công ty này đã được nới lỏng hạn chót đến năm sau để đáp ứng các yêu cầu của chính quyền Nga.

Nhiều công ty nước ngoài đã phải sắp xếp lại nhân viên hoặc trả tiền để các nhân viên của mình ra đi. Một số công ty khác đang cố gắng lạng lách để vừa phù hợp với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến các đối tác Nga của họ.

Chẳng hạn Công ty Schlumberger đã rút các nhân viên Mỹ và châu Âu khỏi Nga nhưng vẫn duy trì một lực lượng lao động để đối phó với các công ty dầu mỏ của Nga.

Công ty Exxon thì tìm cách né tránh những rắc rối tiềm năng có thể xảy ra với đối tác Nga, công ty dầu khí nhà nước Rosneft, bằng cách giành được giấy miễn trừ của Chính phủ Mỹ, cho phép Exxon tiếp tục khoan thăm dò ở ngoài khơi Bắc Băng Dương.

Nhưng cũng có những trường hợp các công ty không có cách nào xoay xở được. Tháng 9 vừa qua, Nga đã ban hành dự luật giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty truyền thông. Kết quả là các công ty Condé Nast và Hearst buộc phải bán cổ phần chi phối trong các công ty ở Nga cho đến năm 2016.

Walt Disney cũng phải bán bớt cổ phần của kênh Disney ở Nga

Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Quốc hội Nga hiện đang xem xét thông qua một đạo luật cho phép chính phủ tịch thu tài sản sở hữu nước ngoài – một đạo luật gây hoang mang đến nỗi làm sụt giảm chứng khoán toàn cầu trong tháng 9. Các cơ quan lập pháp Nga đã hoàn thành vòng đầu tiên trong số ba vòng để thông qua một dự luật theo luật định.

Nếu luật này có hiệu lực, ngay cả các công ty Mỹ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt vẫn ở tình thế khó xử.

PepsiCo, công ty Mỹ đang sử dụng 30.000 người dân địa phương, hiện đang được cho là hưởng lợi từ việc Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu và Hoa Kỳ. PepsiCo sản xuất và đóng chai hầu hết các sản phẩm của mình tại địa phương, trong khi các đối thủ cạnh tranh phải dừng lại ở biên giới.

Chúng tôi sản xuất trên toàn nước Nga, và gần như tất cả các sản phẩm bán tại Nga được thực hiện ở Nga” Pepsi cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, những tài sản này cũng sẽ trở thành “yếu huyệt” của Pepsi nếu Nga thông qua đạo luật nói trên. Pepsi đã rót vào Nga 9 tỉ đô la.

Trường hợp của Pepsi lại không giúp gì được cho McDonald’s.

Hiện giờ, đa số thành phần trong một chiếc Big Mac – gồm thịt bò, nước sốt đặc biệt, rau diếp, pho mát, dưa chua, hành tây và bánh hạt mè… đều có nguồn gốc từ Nga.

Một số nhà hàng McDonald’s đã mở cửa trở lại sau khi bị kiểm tra và công ty này có thể phản bác lại một số lệnh cấm bán thực phẩm. Nhưng tình trạng kiểm tra và cấm đoán liên tục đó cũng tác động tới nhận thức người tiêu dùng.

Một cuộc thăm dò gần đây của tổ chức Public Opinion Foundation cho thấy 49% người Nga muốn McDonald’s đóng cửa ở Nga vì phục vụ thực phẩm không lành mạnh, chèn ép nhà hàng địa phương, hoặc là một phản ứng để đáp lại lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Nhưng cũng có nhiều người Nga không bằng lòng với cách hành xử này. Chị Svetlana Fomina, một khách hàng quen thuộc của McDonald’s, bình luận: “Chính trị và kinh doanh không nên lẫn lộn”.

Theo The New York Times

CNN ngừng phát sóng ở Nga

CNN, kênh truyền hình do Time Warner Inc. sở hữu, vừa thông báo sẽ ngừng phát sóng ở Nga vào thứ Hai tới, với lý do giới hạn của các quy định mới đối với các hãng truyền thông nước ngoài tại đây.

Theo hãng tin Bloomberg, vào tháng 10, Tổng thống Vladimir Putin “đã ký thông qua luật yêu cầu truyền thông Nga có chủ sở hữu nước ngoài phải giảm tỷ lệ sở hữu không phải của Nga xuống 20% vào cuối năm 2016”.

Trong thông báo về quyết định này do Turner Broadcasting International của Time Warner gửi đi, hãng này giải thích là do họ đang cân nhắc những lựa chọn phát sóng và phân phối thông tin ở Nga sau những thay đổi về mặt pháp lý về truyền thông. Và trong lúc xem xét, Turner Broadcasting International ngưng các hoạt động phân phối hiện tại cho đến khi có quyết định.

Thông báo này cũng thêm rằng, công ty sẽ ngưng phát sóng vào cuối năm nay, nhưng hy vọng sẽ sớm trở lại thị trường Nga một ngày nào đó, và sẽ thông báo cho các đối tác về các dự định của mình.

Cũng như MacDonald’s đã đến Nga từ đầu những năm 1990, sự kiện CNN phát sóng tại Nga cũng từng là biểu tượng của sự kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh. Việc kênh truyền hình này ngừng phát sóng lập tức gây sốc và cả những hoài tưởng. Tờ USA Today trích lời Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ ở Nga, trên trang cá nhân của ông này: “Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên chúng tôi có thể xem CNN ở Liên Xô cũ. Nay thời gian lại quay ngược trở về trước đó…”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới