Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các doanh nghiệp chờ giải ngân vốn mua cá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các doanh nghiệp chờ giải ngân vốn mua cá

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, Tiền Giang-Ảnh: HỒNG VĂN.

(TBKTSG Online) – Các tỉnh ĐBSCL hiện đã lập xong danh sách doanh nghiệp đang chờ vay vốn ngân hàng để mua lượng tồn đọng cá tra, cá ba sa đến kỳ thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được.

Tính đến sáng ngày 4-6, tỉnh An Giang đã chọn được hai doanh nghiệp là Agifish và Nam Việt với tổng vốn đề nghị là 450 tỉ đồng; Cần Thơ vừa chốt lại danh sách bảy doanh nghiệp với tổng nhu cầu vốn 550 tỉ đồng. Các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre và Hậu Giang… cũng đã có danh sách các doanh nghiệp được chọn và đang chờ thủ tục từ phía ngân hàng.              

“Chúng tôi đang làm thủ tục để vay vốn. Tuy nhiên, với tình hình này thì có thể nói mới tháo gỡ được vấn đề nguồn vốn, nhưng về lãi suất dự kiến mà doanh nghiệp phải trả sẽ khá cao – theo mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay”, ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Agifish cho biết.

Do đó, theo ông Huấn, chắc chắn các doanh nghiệp được chọn sẽ căn cứ vào khả năng chế biến, công suất kho trữ và hợp đồng xuất khẩu… để xin giải ngân nhỏ giọt từ phía ngân hàng nhằm tránh tình trạng sản phẩm ứ đọng cũng như không phải mất tiền lãi vay cho phần vốn chưa sử dụng tới.              

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Giám đốc Tài chính của Công ty Nam Việt cũng cho rằng, việc cần phải làm sắp tới là cố gắng tranh thủ về đầu ra. Theo thống kê sơ bộ, giá xuất cá bình quân trong 5 tháng đầu năm 2008 chỉ là 2,33 đô la Mỹ/ki lô gam – thấp hơn giá bình quân hồi năm 2007 khoảng 0,37 đô la Mỹ/ki lô gam. Với mức giá này thì doanh nghiệp chế biến thu lợi nhuận rất thấp.           

Ông Nhứt cho rằng vẫn chưa có thể dự đoán lượng cá còn tồn đọng ở ĐBSCL sẽ được giải tỏa hết trong thời gian bao lâu.            

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 120.000 tấn cá tra đã đến lứa thu hoạch mà người nuôi không tiêu thụ được. Phía doanh nghiệp cho rằng, chủ trương siết chặt tín dụng từ các ngân hàng từ mấy tháng nay khiến họ khan hiếm tiền mặt và đành ngưng hoặc chỉ thu mua cá nhỏ giọt.

Hiện nay, giá thu mua chỉ ở mức 13.600- 13.800 đồng/ki lô gam- thấp hơn giá thành ít nhất khoảng 1.000 đồng/ki lô gam, nhưng cũng hiếm doanh nghiệp nào thu mua. Do đó, người nuôi cá ở khu vực này đã thiệt hại hàng trăm tỉ đồng do thua lỗ, phải chi thêm tiền thức ăn lưu cá lại ao… Nhiều diện tích ao cá đã bỏ hoang vì người nuôi hết vốn hoặc không dám mạo hiểm đầu tư tiếp.             

Tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vào ngày 1-6, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo ngành ngân hàng chuẩn bị 257 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ ngành sản xuất, chế biến cá da trơn và yêu cầu các địa phương gửi ngay danh sách các doanh nghiệp được chọn để nhận vốn thu mua cá.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới