Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các dự án hạ tầng giao thông thi công trở lại sau khi gỡ vướng về mặt bằng

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh hạ tầng giao thông TPHCM mới chỉ đạt được 35% theo quy hoạch, ngành giao thông đang từng bước đề xuất, triển khai các dự án để góp phần hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Theo đó, từ nay đến cuối năm, nhiều dự án hiện rơi vào cảnh đình trệ nhiều năm vì thiếu mặt bằng, cơ chế huy động vốn, đang được đốc thúc để khởi công, tiếp tục thi công và hoàn thiện.

Giao thông TPHCM mới chỉ đạt 35% quy hoạch

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 568 năm 2013, TPHCM có có 6 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ, 3 tuyến vành đai, 5 đường trên cao, 8 tuyến đường sắt, 8 tuyến metro, 6 tuyến buýt nhanh, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là 1 trong 6 tuyến cao tốc nằm trong quy hoạch về giao thông của TPHCM, hiện đang quá tải và được đề xuất mở rộng thêm làn. Ảnh: MH

Cụ thể, 6 tuyến cao tốc gồm TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; TPHCM – Mộc Bài; Bến Lức – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu và TPHCM – Trung Lương với tổng chiều dài khoảng 353 km, quy mô từ 6-8 làn xe.

5 tuyến quốc lộ gồm quốc lộ 1; 1K; 13, 22 và 50 với tổng chiều dài trên địa bàn thành phố khoảng hơn 106 km, quy mô đường cấp I, II từ 8-12 làn xe.

3 tuyến vành đai, tổng chiều dài các đường vành đai khoảng 351 km, đoạn trên địa bàn thành phố dài hơn 117 km; quy mô đường phố chính đô thị (8-10 làn xe) và đường cao tốc (6-8 làn).

5 tuyến đường trên cao, tổng chiều dài hơn 70 km, quy mô 4 làn xe; 8 tuyến đường sắt quốc gia tổng chiều dài 697 km.

8 tuyến đường sắt đô thị, chiều dài 172 km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail), chiều dài 56 km và 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT), chiều dài 95 km.

Metro số 1_Minh Hoàng
Tiến độ toàn dự án metro số 1 đạt được hơn 91%, đã được chạy thử và dự kiến quí 4-2023 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, tuyến xe buýt nhanh chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ được Sở GTVT đề xuất dùng xe điện để vận hành. Ảnh: MH

Đánh giá về tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển giao thông trong hội thảo hồi tháng 8 năm nay, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, nhìn nhận giao thông thành phố mới chỉ đạt khoảng 35% so với quy hoạch. Lý do hạ tầng giao thông còn phát triển chậm là do thiếu cơ chế huy động các loại hình vốn ngoài ngân sách.

Theo ông Lâm, các dự án giao thông tại TPHCM như cao tốc mới chỉ hoàn thành được 2 trong 6 tuyến, hệ thống đường vành đai 2 và 3 vẫn đang chờ xây dựng, khép kín. Ngoài ra, một số dự án khác như metro, BRT cũng đang được đầu tư, chờ hoàn thiện; một số dự án giao thông khác vẫn đang chờ nghiên cứu, chờ bố trí vốn.

Theo quy hoạch TPHCM có 102 nút giao, hiện đã xây dựng 29/102 nút giao thông, đạt tỷ lệ khoảng 28%. Vừa qua, Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM chấp thuận đầu tư 16 nút giao thông trên địa bàn trong giai đoạn 2022-2025. Ảnh: MH

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cao tốc và cửa ngõ thành phố

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), nhiệm vụ của sở trong thời gian tới là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công 29 dự án trọng tâm của thành phố, đặc biệt là các dự án cao tốc và cửa ngõ.

Thời gian tới, nhiều dự án sẽ được bàn giao mặt bằng để thi công trở lại gồm cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức).

Cầu Vàm sát 2 (Cần Giờ); đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ – Tân Quý (quận Bình Tân); cải tạo đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng hòa (quận Tân Bình).

Cầu thủ Thiêm 2_Minh Hoàng
Hồi cuối tháng 4, cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của TPHCM, đã được thông xe sau 7 năm xây dựng. Ảnh: Minh Hoàng

Đây đều là những dự án đã phải tạm dừng thi công do chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Mới đây, cầu Long Kiểng, dự án được TPHCM phê duyệt đầu tư từ 2001, bắt đầu thi công năm 2018, dừng thi công do vướng mặt bằng từ cuối năm 2019, đến nay, đã được bàn giao 100% mặt bằng để thi công và sẽ thông xe vào cuối năm 2023.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban giao thông), nhận định rằng việc giải phóng mặt bằng cho dự án là vấn đề rất khó khăn bởi phải điều chỉnh lại phương án, trình lại hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, công tác kiểm đếm cho dự án.

“Ban đã làm việc với lãnh đạo, ban bồi thường cho từng dự án. Hiện thành phố đã lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng do Sở Tài nguyên Môi trường làm tổ trưởng, các đơn vị liên quan sẽ họp với nhau hằng tuần để tập trung tháo gỡ khó khăn”, ông Phúc thông tin.

Theo ông Phúc, việc thủ tục được rút ngắn, hệ số giá đất được điều chỉnh sát với giá thị trường giúp công tác giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh hơn so với trước đây.

Cầu Long Kiểng sau khi xây xong 7 mố trụ cầu, đạt khoảng 40% khối lượng công trình đã tạm dừng thì đến nay đã được bàn giao 100% mặt bằng để tiếp tục thi công. Ảnh: MH

Về các dự án chuẩn bị khởi công, tháng 12 này, Ban giao thông sẽ đồng loạt khởi công 3 dự án gồm xây dựng nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức), xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng hòa nối với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

Nút giao An Phú dự kiến mở rộng trong năm nay và hoàn thành năm 2025, cùng thời điểm hoàn thành mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Lê Vũ

Theo đánh giá của ngành giao thông, các dự án cửa ngõ này giúp giải quyết ùn tắc giao thông quanh khu vực nút giao cửa ngõ phía đông của TPHCM. Đồng thời, tăng tính kết nối giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây và tuyến cao tốc, vành đai. Đặc biệt là giúp giảm kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh các tuyến đường ven sân bay thường xuyên ách tắc.

29 dự án giao thông trọng điểm của TPHCM trong năm 2022 với tổng mức đầu tư 243.204 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, ODA, phương thức đối tác công tư (PPP).Nhóm dự án chuẩn bị đầu tư gồm 10 công trình gồm cầu Cần Giờ (huyện Nhà Bè và Cần Giờ), cầu Thủ Thiêm 4 (thànhphố Thủ Đức và quận 7), cụm cảng trung chuyển cảng IDC Long Bình, 3 dự án đoạn 1, 2, 4 khép kín vành đai 2 (thànhphố Thủ Đức), đường nối đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc TPHCM – Trung Lương (huyện Bình Chánh), đường cao tốc Mộc Bài – TPHCM và 2 dự án đường vành đai 3, 4.Nhóm dự án đang thi công gồm 13 công trình như đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm, nâng cấp đường Lương Định Của, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, nút giao Mỹ Thủy (thành phố Thủ Đức), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Phước Long, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân)…Nhóm dự án khởi công mới có 6 công trình gồm xây dựng nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức), mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), dự án phát triển giao thông xanh TPHCM, metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dự án kết nối xe buýt với metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới