Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các giải pháp tái cơ cấu kinh tế còn thiếu gắn kết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các giải pháp tái cơ cấu kinh tế còn thiếu gắn kết

Chiến Thắng

Các giải pháp tái cơ cấu kinh tế còn thiếu gắn kết
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một phần trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Chiều 21-5, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội Đề án tổng thế tái cơ cấu kinh tế với 12 nhóm giải pháp. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá các nhóm giải pháp này chưa có sự gắn kết với nhau.

>>Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%

Vừa cấp bách, vừa lâu dài

Báo cáo được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội, nêu rõ: ”Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án kiến nghị 12 nhóm giải pháp, trong đó các giải pháp cơ bản bao gồm: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển; Tái cơ cấu thị trường tài chính; Nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư nhà nước; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển nhằm tăng nhanh hàm lượng khoa học, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh; Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn.

Ông dẫn chứng: “Tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được; nhiều doanh nghiệp yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động; một số địa phương có thể phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với những phí tổn không nhỏ…”.

Chưa gắn kết

Đánh giá thẩm tra về Đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau.

Ủy ban Kinh tế đề xuất, để khắc phục hạn chế mang tính hệ thống của thị trường tài chính, cần có đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp.

Cụ thể: Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; Phát triển song song cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, giảm dần việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng; Nâng cao vai trò, vị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là Ngân hàng Trung ương, từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ủy ban cũng đề nghị đề án làm rõ với nguồn lực có hạn hiện nay, cần ưu tiên đầu tư công vào lĩnh vực nào? Đối với trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế mà DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao.

Cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện chương trình thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước để từ đó có chính sách tiếp theo cho phù hợp như: Ban hành Luật quản lý việc sử dụng vốn nhà nước vào mục đích đầu tư, kinh doanh tại các DNNN. Cải cách hệ thống quản trị đối với các DNNN và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tương đối độc lập và được trao đầy đủ thẩm quyền.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới