Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các hãng công nghệ Trung Quốc đối mặt với các chấn chỉnh mới từ ngày 1-7

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà phân tích đang theo dõi những xoay xở của Alibaba, Tencent và các tập đoàn công nghệ khác trước các đợt sóng chấn chỉnh mới. Từ ngày 1-7, các hãng công nghệ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng nề hơn khi những sửa đổi trong luật chống độc quyền có hiệu lực. Đây là những sửa đổi đầu tiên kể từ khi luật này có hiệu lực từ năm 2008.

Các hãng đại công nghệ Trung Quốc sẽ đối diện án phạt tiền tăng năm lần và có thể bị truy tố hình sự kể từ ngày 1-7 sắp tới khi luật chống độc quyền sửa đổi có hiệu lực. Ảnh: Reuters

Dù luật sửa đổi đã được thông qua hôm 24-6 nhưng đến nay những sửa đổi này vẫn chưa được công bố đầy đủ. Tuy nhiên, dựa trên dự thảo được công bố hồi tháng 10 năm ngoái, các nhà phân tích nói rằng “các hãng công nghệ sẽ khó xoay xở hơn dù rằng hồi tháng 4 nhà chức trách có những dấu hiệu nới lỏng các đợt chấn chỉnh đối với các hãng công nghệ”.

Tiền phạt tăng 5 lần, đối diện án hình sự

Dự thảo sửa đổi đưa thêm các từ “khuyến khích đổi mới” vào điều đầu tiên của luật chống độc quyền. Điều 10 mới nêu rõ “các nhà điều hành kinh doanh không được loại trừ hoặc hạn chế cạnh tranh bằng cách lạm dụng dữ liệu, thuật toán, công nghệ, lợi thế vốn cũng như các quy tắc nền tảng”. Cách diễn đạt này dường như nhắm vào các hãng công nghệ lớn gây áp lực lên các đối thủ nhỏ hơn và các đối thủ mới nổi.

Theo luật sửa đổi, “phần lớn các hành vi phản cạnh tranh của các nhà cung cấp nền tảng có thể được pháp luật điều chỉnh”, theo lời ông Jiao Haitao, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Trong một kịch bản có thể xảy ra, các hãng đại công nghệ dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý nếu họ buộc các nhà bán hàng (vendor hay merchant) chỉ được hoạt động duy nhất trên nền tảng của họ.

Alibaba đã phải đối mặt với áp lực pháp lý về mối quan hệ với các nhà bán hàng. Tháng 4 năm ngoái, Alibaba đã bị phạt 18,2 tỉ nhân dân tệ (2,7 tỉ đô la) vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Các sửa đổi luật chống độc quyền sẽ tăng các hình phạt như vậy. Đối với các vi phạm nghiêm trọng với mức độ ảnh hưởng trên diện rộng, tiền phạt có thể gấp đôi đến gấp năm lần số tiền thông thường. Các hãng công nghệ có thể bị truy cứu và buộc tội hình sự.

Các sửa đổi sẽ làm tăng đáng kể tiền phạt đối với các công ty không báo cáo việc mua bán và sáp nhập (M&A) cho cơ quan quản lý. Mức phạt ban đầu tối đa 500.000 nhân dân tệ đã được bãi bỏ vì quá thấp để ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn. Trong trường hợp việc không tiết lộ gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh, mức phạt cao nhất sẽ tương đương 10% doanh thu của năm trước. Ngay cả khi việc không báo cáo được phát hiện là không gây tổn hại đến cạnh tranh, mức phạt vẫn được nâng lên gấp 10 lần, lên 5 triệu nhân dân tệ.

Alibaba, cùng với Tencent Holdings, Baidu và Didi, đã bị phạt vào năm ngoái vì không sớm thông báo các thương vụ M&A.

Theo luật chống độc quyền sửa đổi, các cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với các thương vụ M&A liên quan đến phúc lợi công cộng, tài chính, khoa học và công nghệ và truyền thông. Alibaba và những gã khổng lồ công nghệ khác đã chuyển sang lĩnh vực tài chính và truyền thông, và điều này đã khiến chính phủ lo ngại.

Khi trấn áp các đối thủ công nghệ nặng ký, Bắc Kinh tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một phần trong sáng kiến ​​”thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Doanh nghiệp có thị phần giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định sẽ được miễn các quy định về chống độc quyền và được phép đặt giá bán lại nếu thông lệ đó không gây tổn hại đến cạnh tranh.

“Luật sửa đổi có quyền hạn mạnh mẽ hơn sẽ hạn chế lợi nhuận từ cạnh tranh bất bình đẳng mà các hãng công nghệ đang theo đuổi. Đây là tiền đề để đạt được thịnh vượng chung”, Sun Jin, giáo sư luật tại Đại học Vũ Hán, phát biểu.

Theo truyền thông Trung Quốc, tiền phạt do vi phạm luật chống độc quyền đã tăng lên 23,5 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021 từ 400 triệu nhân dân tệ vào năm 2020.

Trung Quốc đã có những động thái sửa đổi luật chống độc quyền vào khoảng năm 2018, và nhà chức trách không có dấu hiệu sẽ “dễ chịu” hơn với các hãng công nghệ.

Một quan chức cấp cao của chính quyền tỉnh cho biết: “Để vượt qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số hạn chế đối với các gã khổng lồ internet có thể được nới lỏng, nhưng chỉ ở một mức độ hạn chế. Chính sách tổng thể của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc kiểm soát những gã khổng lồ internet sẽ tiếp tục theo hướng đó”.

Bà Trudy Dai – một trong những học trò của Jack Ma trước đây – được xem là nhà lãnh đạo mới sáng giá của Alibaba. Ảnh: GeekWire

Gương mặt mới của Alibaba

Gần bốn năm sau khi nhà sáng lập Jack Ma tuyên bố nghỉ hưu, bà Trudy Dai – một trong những thành viên ban đầu, người hiện nắm quyền điều hành một hãng con thuộc Alibaba – sẽ là chìa khóa cho tương lai của tập đoàn.

Một người trong cuộc nói với Nikkei Asia rằng: “Các nhà quản lý phụ trách hoạt động hàng ngày đang được thay thế lần lượt”. Người này tỏ vẻ ngạc nhiên với tốc độ cải tổ ở Alibaba.

Một báo cáo lan truyền trên mạng mùa xuân này nói rằng Alibaba có kế hoạch sa thải 80.000 nhân sự, tương đương 30% biên chế. Alibaba cho biết nội dung bài báo đã được phóng đại, nhưng không phủ nhận các kế hoạch tái cấu trúc công ty. Các nguồn tin cho biết Alibaba đã bị đẩy vào “ngõ hẹp” và phải tiến hành một cuộc cải tổ lớn.

Số liệu chứng minh điều này. Công bố thu nhập của Alibaba vào tháng 5 cho quí đầu tiên, trong đó công ty này lỗ ròng 16,2 tỉ nhân dân tệ (2,5 tỉ đô la), gấp ba lần mức lỗ mà công ty đã báo cáo trong cùng kỳ năm 2021. Giá trị thị trường của tập đoàn đã giảm xuống khoảng 250 tỉ đô la từ mức đỉnh hơn 800 tỉ hồi tháng 10-2020.

Ở đỉnh cao thành công, Alibaba đã kiểm soát hơn một nửa thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc và gần một nửa thị trường thanh toán qua điện thoại thông minh. Hệ sinh thái của hãng mở rộng nhanh chóng thông qua các thương vụ mua lại. Nhưng vận may của công ty bắt đầu đi xuống từ tháng 10-2020 sau một tuyên bố “đầy thách thức với nhà chức trách của Jack Ma”. Các đợt trấn áp đổ xuống liền sau đó: thương vụ IPO lớn của chi nhánh tài chính Ant bị dời lại vô hạn định, các đợt thanh sát nhắm vào Alibaba được tăng cường độ.

Nhưng thật ra, Alibaba đã gặp vấn nạn khác đe dọa đà tăng trưởng ngay cả trước khi Jack Ma bị vạ miệng: nỗ lực kết hợp các cửa hàng truyền thống vào hệ sinh thái của Alibaba.

Chủ tịch kiêm CEO Daniel Zhang bắt đầu thúc đẩy chiến lược “bán lẻ mới” nhằm xóa bỏ rào cản giữa các cửa hàng trực tuyến và ngoại tuyến bắt đầu từ khoảng năm 2016, trước khi ông trở thành người thừa kế của Ma.

Zhang thực hiện dồn dập các thương vụ M&A. Năm 2015, Alibaba đã rót 28,3 tỉ nhân dân tệ vào hãng bán lẻ Suning.com. Hai năm sau, tập đoàn đã đầu tư thêm 19,8 tỉ đô la Hồng Kông (2,5 tỉ đô la Mỹ) vào một cửa hàng bách hóa lớn hai. Tiếp theo là thương vụ mua lại dịch vụ giao đồ ăn Ele.me vào năm 2018 với giá hơn 9,5 tỉ đô la. Theo chuyên gia nghiên cứu IT Juzi, Alibaba đã chi hơn 300 tỉ nhân dân tệ cho các thương vụ mua lại trong giai đoạn 2015 – 2018. Và đó chỉ là con số của các thương vụ được công khai.

Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch M&A đã không tạo ra được sự hợp tác với bán lẻ trực tuyến và tiếp tục gây lỗ. Việc cắt giảm việc làm chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp này.

Alibaba đã hy vọng tạo ra một nguồn doanh thu mới để chia nhỏ rủi ro của tập đoàn trong khi mảng kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ và sự gia tăng của các đối thủ cạnh tranh đang tạo sức ép lớn trước khi Alibaba có thể giảm phụ thuộc vào bán lẻ trực tuyến.

Các cải cách mới cũng không buông tha “đại công thần” như Zhang. Bà Dai lên thay thế Zhang với tư cách là người đứng đầu chi nhánh thương mại điện tử chính của Alibaba hồi cuối tháng 4. Zhang tiếp quản công việc của Jack Ma khi Ma tuyên bố nghỉ hưu, còn bà Dai lại là chuyện “thay ngựa giữa dòng”. Nhiều người suy đoán rằng bà không chỉ được giao trọng trách vực dậy hoạt động kinh doanh cốt lõi trước đây của Alibaba mà còn có khả năng trở thành người kế nhiệm của Zhang.

Dai là một trong những học trò theo học tiếng Anh với Ma ngày trước. Bà được mô tả là “cứng rắn ở nơi làm việc nhưng thích đối thoại, thường đi ăn tối và uống rượu với đồng nghiệp”.

Chủ nghĩa bè phái là một phần trong văn hóa của Alibaba vì Ma muốn các bộ phận cạnh tranh với nhau. Điều này tốt trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của công ty, nhưng đã kìm hãm quá trình giao tiếp nội bộ và trở thành nguồn gốc của xung đột.

Các thành viên của một bộ phận bán lẻ trực tuyến được yêu cầu gửi báo cáo dài 10.000 từ vào mỗi thứ Sáu. “Đó là công việc vô nghĩa do sếp của chúng tôi áp đặt, người muốn làm hài lòng các quản lý cấp cao”, một nhân viên nói. Những người quản lý như vậy đang bị loại bỏ dưới thời bà Dai, người được giao nhiệm vụ hồi sinh hoạt động kinh doanh và tổ chức của Alibaba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới