Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các hãng dược lớn không mặn mà làm vaccin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các hãng dược lớn không mặn mà làm vaccin

Nguyễn Vũ

(TBKTSG) – Trước nỗi lo lắng của toàn thế giới về dịch Covid-19, những tưởng các hãng dược lớn sẽ hăm hở đua tranh tìm cách sản xuất một loại vaccin phòng ngừa bệnh này để sớm tung ra thị trường, nhưng theo nhiều báo, họ không mặn mà lắm.

Độc quyền vaccin corona thuộc về ai?

Sẽ sớm có thuốc trị virus corona?

Các hãng dược lớn không mặn mà làm vaccin
Nhiều hãng dược lớn như Merck’s Sharp & Dohme tỏ ra không mặn mà với việc sản xuất vaccin ngừa dịch Covid-19.

Tờ New York Times trích ý kiến của một số chuyên gia dịch tễ, đối với việc sản xuất vaccin, các hãng dược lớn thường quan ngại hai điểm: lợi nhuận và trách nhiệm khi xảy ra sự cố vaccin; chính hai yếu tố này làm các hãng dược ngần ngại không đẩy mạnh việc sản xuất vaccin mỗi khi có dịch như Covid-19.

Báo dẫn trường hợp năm 1976 khi xảy ra cúm lợn, Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình tiêm chủng cho 45 triệu người dân Mỹ. Thế nhưng trong nhiều tháng liền, bốn hãng dược lớn gồm Merck’s Sharp & Dohme, Merrell, Wyeth và Parke-Davis không chịu bán cho Chính phủ Mỹ 100 triệu liều vaccin họ đã sản xuất chừng nào họ chưa được giải trừ mọi trách nhiệm liên quan đến việc chủng ngừa và được hứa hẹn một mức lợi nhuận nhất định.

Chính phủ Mỹ lo sợ dịch cúm sẽ lây lan mạnh vì con virus lúc đó có nhiều đặc điểm giống virus cúm gây đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Cuối cùng, họ đành nhận lãnh trách nhiệm bồi thường nếu chích ngừa có sự cố và phải hứa hẹn một khoản lãi thích đáng cho các hãng dược. Trong khi các hãng dược kiếm được nhiều triệu đô la, Bộ Tư pháp Mỹ phải đau đầu lo giải quyết 4.000 vụ kiện do chích ngừa bị sự cố, con số bồi thường cho các nạn nhân lên đến 100 triệu đô la.

Hậu quả là trong nhiều thập niên sau đó, chính phủ liên bang Mỹ không còn đứng ra nhận trách nhiệm cho các chiến dịch chủng ngừa đại trà nữa. Chẳng hạn năm 2009, khi một chủng virus cúm mới bùng phát thành đại dịch, lây nhiễm đến 60 triệu dân Mỹ, gây ra gần 12.500 vụ tử vong, nhưng nước Mỹ không có bất kỳ chiến dịch chủng ngừa toàn quốc nào nữa. Thay vào đó, cơ quản quản lý dược phẩm và thực phẩm của Mỹ (FDA) chỉ phê chuẩn bốn loại vaccin có họ hàng bà con với các vaccin cúm trước đó; vaccin này tỏ ra hiệu quả với trẻ em nhưng ít tác dụng với người lớn.

Trong nhiều năm nay, Mỹ và các nước châu Âu dựa vào một nguồn lực tổng hợp gồm cả các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà hảo tâm và ngành dược để đối phó với những lần bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Vì thiếu một nơi làm đầu tàu phối hợp nên phản ứng thường chậm chạp như lần đối phó với dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi vào năm 2014-2015.

Năm 2017, một tổ chức mới ra đời nhằm thay đổi cách thế giới chung sức nghiên cứu phát triển vaccin để chống lại các dịch bệnh mới, tên là CEPI. Tổ chức này đóng trụ sở ở Na Uy, tiếp nhận danh sách các mầm bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới xác định là cần nghiên cứu tìm ra vaccin phòng ngừa nhưng các hãng dược tỏ ra không quan tâm. Lý do chính yếu là các dịch bệnh này bùng phát chủ yếu ở châu Phi và châu Á, nơi các hãng dược nghiên cứu và đi đến kết luận đầu tư làm vaccin không đem lại mức lợi nhuận mong muốn.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổ chức CEPI đã huy động được ba phần tư nguồn quỹ 1 tỉ đô la mà tổ chức này cho là cần có để tài trợ cho việc nghiên cứu cải tiến quy trình chế tạo vaccin nhằm rút ngắn thời gian cho ra đời vaccin mới mỗi khi có dịch bệnh mới. Nhật, Đức, Canada, Úc và Na Uy cũng như quỹ Wellcome Trust cùng quỹ Bill & Melinda Gates tặng tổng cộng 460 triệu đô la. Trong hai năm qua, CEPI dùng tiền đó để cấp cho những nghiên cứu về công nghệ sinh học có tiềm năng tạo đột phá trong sản xuất vaccin.

Thế nhưng cũng hai năm qua, báo chí đưa tin nhiều về việc CEPI không đạt được thỏa thuận với các hãng dược lớn đồng ý làm đối tác (vì các phòng thí nghiệm nghiên cứu tìm ra vaccin nhưng sản xuất quy mô lớn phải dựa vào các hãng dược). Các hãng dược cứ đòi phải đạt một mức lợi nhuận do họ ấn định, đồng thời đòi sở hữu bản quyền các nghiên cứu mà CEPI tài trợ.

Chuyện này đã từng xảy ra, như từ năm 1930 đến nay, Viện Y tế quốc gia của Mỹ tài trợ tổng cộng 900 tỉ đô la cho nhiều nghiên cứu mà cuối cùng rơi vào tay các hãng dược đăng ký bản quyền sản xuất thuốc có thương hiệu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhiều ý kiến cho rằng tất cả các nước đều phải có quyền như nhau khi tiếp cận các vaccin do CEPI tài trợ làm ra; quyền này bảo đảm cho các nước có thể mua được vaccin với giá phải chăng mỗi khi có dịch. Hợp đồng sản xuất quy mô lớn các vaccin này phải được xem xét và CEPI phải nắm bản quyền các nghiên cứu do CEPI bỏ tiền ra tài trợ.

Theo New York Times, các hãng dược có chân trong hội đồng tư vấn của CEPI gồm Johnson & Johnson, Pfizer, Takeda tìm cách đáp trả. Cuối cùng, CEPI cũng phải chịu thua, đưa ra một tuyên bố chính sách mơ hồ không còn bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng, tính minh bạch, trách nhiệm trước cộng đồng nữa. Trong thời gian qua, chúng ta nghe phòng thí nghiệm này viện nghiên cứu kia tìm ra vaccin cho Covid-19 – đó chỉ là các nơi nghiên cứu ban đầu; sau đó cần bàn tay của các hãng dược nhằm thử nghiệm vaccin, đo lường mức độ an toàn, rồi sản xuất quy mô lớn.

Tác giả bài báo, cũng là tác giả cuốn sách sắp xuất bản về ngành dược thế giới “Pharma: Greed, Lies and the Poisoning of America”, ông Gerald Posner cho rằng dịch Covid-19 là cơ hội cuối cùng cho các hãng dược chọn lựa giữa việc trở thành đối tác với nhiều nơi khác nỗ lực làm ra một loại vaccin có thể cứu sống sinh mạng hàng triệu người hay vẫn giữ nguyên quan điểm bảo vệ bí mật thương mại, tìm cách tăng lợi nhuận. 

Thuốc ung thư là món lãi nhất của các hãng dược

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y tế Mỹ (JAMA), loại thuốc đem về lợi nhuận cao nhất cho ngành dược là thuốc điều trị ung thư.

Năm 2018, loại thuốc này đã đem về cho các hãng dược tổng cộng 123,8 tỉ đô la; dự báo đến năm 2024, doanh số thuốc điều trị ung thư sẽ tăng gấp đôi, lên mức 236,6 tỉ đô la. Đây cũng là loại thuốc cần thời gian nghiên cứu dài nhất, mức đầu tư cao nhất.

Theo dõi 10 loại thuốc điều trị ung thư của các hãng dược có niêm yết trên thị trường chứng khoán, thời gian trung bình để phát triển một loại thuốc ung thư mới là 7,3 năm và mức đầu tư trung bình là 648 triệu đô la. Thế nhưng, lợi nhuận của loại thuốc này cũng thuộc loại kỷ lục, như chỉ tính riêng hai loại Keytruda (hãng Merck) và Humira (hãng AbbVie) doanh thu dự tính vào năm 2024 sẽ là 29 tỉ đô la. Trong khi đó doanh thu từ vaccin của các hãng dược trong năm 2018 chỉ là 30,5 tỉ đô la.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới