Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các hiệp hội đề xuất giao chỉ tiêu mở cửa hoạt động doanh nghiệp cho địa phương

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Y Tế đã hoàn thiện dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid 19″. Hướng dẫn này được cho là còn nhiều điểm phải bàn, trong khi cộng đồng doanh nghiệp nóng lòng mong muốn Chính phủ giao cho các địa phương chỉ tiêu duy trì/mở cửa hoạt động trở lại đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là chủ thể chống dịch, không phải đối tượng chịu sự quản lý

Bản hướng dẫn tạm thời về quy trình kiểm soát dịch Covid 19 do Bộ Y tế công bố tối ngày 26-9 đưa ra ba chỉ số bắt buộc với việc khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới.

(1) Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Hiện trên trang web của Bộ Y tế chỉ có thống kê chính thức về số lượng người trên 18 tuổi được tiêm vaccine, chưa có thống kê riêng cho đối tượng người trên 50 tuổi được tiêm đủ vaccine.

Doanh nghiệp phải là đối tượng chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất sau dịch, chứ không phải là đối tượng chịu sự quản lý – Ảnh: Lê Anh

(2) 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các huyện có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.

(3) Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh/thành phố trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4.

Kèm theo hướng dẫn này là hàng loạt các yêu cầu đánh giá về cấp độ dịch và các điều kiện áp dụng theo cấp độ.

Dự thảo hướng dẫn còn chưa được Chính phủ thông qua, tuy nhiên nhận thấy các điều kiện hướng dẫn ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế thích ứng với điều kiện sản xuất, kinh doanh mới, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV của Thủ tướng) ngay trong ngày 27-9 đã tổng hợp ý kiến góp ý của gần 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước xung quanh dự thảo này để tìm ba lối ra tốt nhất cho việc phục hồi sản xuất.

Các hiệp hội đề xuất những nguyên tắc đã được Thủ tướng chỉ đạo, công bố hoặc nhất trí tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 26-9 cần được ghi nhận chính thức tại tài liệu hướng dẫn nếu ban hành để làm “kim chỉ nam” cho việc xây dựng, áp dụng các chính sách ở các bộ, địa phương…

Nếu được áp dụng chính thức, hướng dẫn phải thay đổi mạnh mẽ nhận thức, cho phép doanh nghiệp/cụm doanh nghiệp trở thành các chủ thể tham gia vào công tác quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch thay vì chỉ là đối tượng “chịu sự quản lý” như thời gian trước đây. Trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, doanh nghiệp luôn phải duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn lực cho chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời điểm khó khăn nào thì yếu tố hợp tác công – tư là điều kiện then chốt để tập hợp sức mạnh, nguồn lực cho việc thích ứng an toàn.

Nhằm đảm bảo tính nhất quán, nghiêm minh trong thực thi các hướng dẫn, phải áp dụng nguyên tắc thực hiện quan trọng như áp dụng thống nhất và xuyên suốt nguyên tắc về hoạt động tập trung ngoài trời và trong nhà cho mọi loại hình ngành nghề và hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp cho phép số lượng tập trung nhiều hơn, thay vì tình trạng mỗi địa phương áp dụng một nguyên tắc khác nhau. Mặt khác, việc thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu ban hành) không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp.

Việc tăng cấp độ dịch không được đột ngột, chỉ thực hiện ít nhất 72 giờ sau khi thông báo.

Giao chỉ tiêu duy trì/mở cửa hoạt động doanh nghiệp cho từng địa phương

Để giải quyết triệt để tình trạng các địa phương chỉ tập trung truy vết, khoanh vùng dịch mà không quan tâm mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng giao trách nhiệm tại tài liệu hướng dẫn này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương (hoặc một số bộ đầu mối về kinh tế) nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao chỉ tiêu “duy trì/mở cửa hoạt động của doanh nghiệp” cho từng tỉnh, thành bên cạnh các chỉ số/chỉ tiêu khác về chống dịch.

Bên cạnh việc quy định các chỉ số, chỉ tiêu, biện pháp… các hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ giao bộ, ngành đầu mối phối hợp với các chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế nghiên cứu, tham mưu xây dựng khung đánh giá, giám sát quá trình thực thi để nhanh chóng phát hiện các thiếu sót, bất cập nhằm hiệu chỉnh quy định hoặc nhìn nhận được những nội dung thực sự hiệu quả để có thể đẩy mạnh.

Điều quan trọng là dự thảo của Bộ Y tế cần làm rõ tài liệu này có thay thế các Chỉ thị trước của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia (như Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg, 19/CT-TTg và Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG…) không; hoặc thay thế nội dung nào, nếu không sẽ dễ tạo nên tình trạng chồng chéo trong quy định, lúng túng trong thực thi.

Dự thảo cần làm rõ quyền đi lại, hoạt động của người đã tiêm đủ vaccine hay các F0 đã điều trị khỏi (sau 180 ngày) – có thể kèm theo các biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ cho cộng đồng, để phát huy giá trị của chiến dịch vaccine; tham khảo mô hình “thẻ xanh” mà các quốc gia khác đã áp dụng hoặc đánh giá, kế thừa các kinh nghiệm/cách làm tốt ngay ở trong nước. Ví dụ, bộ tiêu chí của TPHCM đã lấy ý kiến của các bộ, trong đó có Bộ Y tế, thì cách tiếp cận của TPHCM về thẻ xanh, thẻ vàng là phù hợp thông lệ quốc tế, cần được nhân rộng.

Mặt khác cần bổ sung vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong các tổ công tác, ban chỉ đạo phòng chống dịch để đảm bảo thực thi nghiêm túc việc phối hợp công – tư và cộng hợp nguồn lực các bên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới