Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các khu công nghiệp “khát” lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các khu công nghiệp “khát” lao động

Các công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận giờ tan ca – Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, từ đây đến cuối năm, 15 khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) của thành phố cần thêm khoảng 40.000 lao động.

Riêng trong quí 1, các KCX và KCN của TPHCM cần khoảng 10.000 lao động phổ thông và lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, Trung tâm giới thiệu việc làm của Hepza chỉ cung ứng được khoảng 3.700 lao động, do nguồn lao động hiện tại cực kỳ khan hiếm, bà Lê Thị Ngọc Liên, Phó giám đốc trung tâm, cho biết.

Hiện có khoảng 940 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCX và KCN, thu hút trên 250.000 lao động, trong đó có 70% đến từ các địa phương khác. “Mặc dù nhu cầu báo về từ các doanh nghiệp lên đến khoảng 40.000 lao động trong 3 quí còn lại, nhưng trung tâm của Hepza chỉ cung ứng được khoảng 10.000”, bà Liên nói.

Theo bà Liên, tình trạng khan hiếm lao động diễn ra ngày càng trầm trọng tại thành phố trong thời gian qua là do có sự chuyển dịch lao động từ thành phố ra các địa phương khác.

Đa phần công nhân làm việc tại các KCX, KCN hiện có mức thu nhập dao động từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/tháng. Trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao mỗi ngày, nhà lưu trú dành cho công nhân đợi mãi chưa thấy xây, cuộc sống công nhân lâu nay đã khó giờ lại càng khổ hơn. Nhiều dự án xây nhà lưu trú cho công nhân đã có từ rất lâu, nhưng đến giờ vẫn còn trên giấy.

Trong khi đó, nhiều địa phương lân cận như Bình Dương, Bình Thuận, Long An… lại đang “trải thảm đỏ” thu hút lao động khiến làn sóng chuyển dịch lao động từ thành phố ngược ra các tỉnh thành khác ngày càng sôi động.

Theo Hepza, đến cuối năm nay, sẽ có thêm khoảng 60 doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư tại các KCX và KCN thành phố đi vào hoạt động, đẩy nhu cầu lao động tăng thêm khoảng 50.000 lao động mỗi năm. Trong tình hình biến động lao động như hiện nay, đây quả là một bài toán khó cho các doanh nghiệp.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nhận định, ngay từ những năm đầu phát triển các KCX, KCN, thành phố đã thiếu sự quy hoạch cụ thể về ngành nghề đầu tư, bố trí cơ cấu lao động cho phù hợp với nhu cầu phát triển của một thành phố lớn. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp lại làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, lên kế hoạch mở rộng phát triển sản xuất, xây nhà máy trước rồi sau đó tính đến chuyện tuyển lao động, và cuối cùng rơi vào thế bị động về nguồn nhân lực như hiện nay là điều khó tránh khỏi.

Bà Liên cho biết thêm, từ đầu năm 2008 Hepza bắt đầu triển khai chương trình nghiên cứu về sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư tại các KCN, KCX của thành phố, khảo sát công nghệ các doanh nghiệp đang sử dụng trong sản xuất, từ đó có hướng tư vấn cho các doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại và ít thâm dụng lao động hơn. Sau khi kết thúc chương trình, Hepza cũng sẽ đề xuất với các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới