(KTSG) – Cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng đang đặt ra những thách thức lớn cho các ngân hàng trung ương trên thế giới. Ưu tiên ổn định hệ thống tài chính hay tiếp tục các nỗ lực tăng lãi suất để chống lạm phát, sẽ là câu hỏi hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách.
- Thị trường đặt cược Fed tạm dừng tăng lãi suất
- Chứng khoán Mỹ, vàng bị bán tháo sau cảnh báo tăng lãi suất từ Fed
Tâm lý hoài nghi về các đợt tăng lãi suất
Hồi năm 2006, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành một loạt các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, đưa lãi suất cơ bản từ 1% lên 5,25%, nhằm hạ nhiệt nền kinh tế đang bùng nổ. Thế nhưng, chỉ hai năm sau đó, các nỗ lực này đã kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Những gì tương tự cũng đang diễn ra khi kể từ năm ngoái đến nay Fed đã liên tục nâng lãi suất để ứng phó với tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Những động thái tương tự cũng được triển khai bởi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nhanh chóng thay đổi dự báo về các đợt tăng lãi suất sau khi một loạt sự cố xảy ra trong ngành ngân hàng, từ vụ sụp đổ của ba ngân hàng khu vực tại Mỹ, cho tới việc Credit Suisse – gã khổng lồ trong ngành ngân hàng thế giới của Thụy Sỹ, rơi vào khủng hoảng và bị đối thủ UBS mua lại.
Theo Bloomberg, những biến động trong ngành ngân hàng và thị trường vốn đang khiến tâm lý hoài nghi của giới đầu tư gia tăng và các ngân hàng trung ương ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra động thái chính sách tiếp theo. Lạm phát tại nhiều nước vẫn vượt xa mức mục tiêu, và một số dữ liệu kinh tế gần đây đều không đạt kết quả như dự kiến, đòi hỏi việc tiếp tục tăng lãi suất.
Ở chiều ngược lại, việc tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng trở nên trầm trọng hơn.
Điều đáng lo ngại là ở chỗ vẫn còn hàng trăm ngân hàng và công ty tài chính khác cũng có cách thức hoạt động tương đồng với những ngân hàng đã gặp khủng hoảng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn giá rẻ. Và những vụ việc tương tự hoàn toàn có thể tái diễn khi chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt.
Các ngân hàng trung ương có thể hành động thận trọng
ECB là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên đưa ra quyết định bằng một đợt tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách hôm thứ Năm tuần trước. Trong khi bày tỏ sự kiên định với kế hoạch ban đầu, Chủ tịch Christine Lagarde và các nhà hoạch định chính sách của ECB đã không đưa ra bất kỳ thông tin nào về mức lãi suất đỉnh dự kiến sẽ hướng tới. Các quan chức ECB chỉ cho biết, sẽ cố gắng đảm bảo cả hai nhiệm vụ: kiềm chế giá cả và duy trì sự ổn định tài chính.
Theo chuyên gia Eiko Sievert tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm Scope, động thái này phản ánh “quyết tâm kiềm chế áp lực lạm phát dai dẳng” của ECB. Tuy nhiên, ông vẫn dự báo tốc độ tăng lãi suất có thể sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay.
Chia sẻ quan điểm trên, Frederik Ducrozet, nhà kinh tế học tại Pictet Wealth Management nhận định, quyết định của ECB để ngỏ cho cả hai lựa chọn. Ông nói: “Nếu sự hoảng loạn giảm bớt, ECB có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian dài”. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng vẫn tiếp diễn, “ECB sẽ không ngần ngại can thiệp, nhanh chóng và mạnh dạn, nếu nhận thấy sự ổn định của hệ thống tài chính đang bị đe dọa”.
Những động thái thận trọng nhiều khả năng cũng sẽ được đưa ra bởi các ngân hàng trung ương lớn khác.
Thị trường trái phiếu hiện đã đặt cược vào khả năng mức lãi suất đỉnh của Fed, ECB, BoE hay các ngân hàng trung ương khác sẽ thấp hơn so với dự kiến hồi đầu tháng.
OECD kêu gọi tiếp tục tăng lãi suất
Trong một tuyên bố mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lại lên tiếng kêu gọi các ngân hàng trung ương cần tiếp tục thúc đẩy việc tăng lãi suất.
Trong báo cáo mới nhất về nền kinh tế thế giới được công bố vào thứ Sáu tuần trước (17-3), OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 từ mức 2,2% trong báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái lên 2,6%, đồng thời nhận định lạm phát toàn phần sẽ yếu hơn ở nhiều quốc gia.
Mặc dù vậy, OECD cũng cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn ở dưới mức xu hướng trong cả năm nay và năm tới, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức. Đáng chú ý là việc áp lực giá cả sẽ mạnh hơn so với dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng cao, lợi nhuận cao trong một số lĩnh vực, và sự thắt chặt của thị trường lao động.
Do vậy, theo chuyên gia Kinh tế trưởng Alvaro Pereira của OECD “Chính sách tiền tệ cần tiếp tục đóng vai trò hạn chế đà tăng giá cả, cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản được hạ thấp một cách bền vững. Việc tăng lãi suất hơn nữa vẫn là việc cần thiết ở nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”.
Các chuyên gia của OECD cũng nhấn mạnh rằng, cuộc chiến kiềm chế lạm phát của thế giới còn lâu mới khép lại, bất chấp những lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh và quá mạnh tay của các ngân hàng trung ương đã góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng.
OECD dự báo, mặc dù lạm phát có thể sẽ điều chỉnh “dần dần” trong năm nay và năm tới, nhưng nó có thể vẫn cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương cho đến nửa cuối năm 2024. Lạm phát cơ bản ở các nền kinh tế tiên tiến G20 được dự báo ở mức trung bình 4% trong năm 2023 và 2,5% vào năm 2024.
Cân bằng giữa ổn định tài chính và chống lạm phát
Với các ngân hàng trung ương, việc lựa chọn giữa ưu tiên ổn định hệ thống tài chính hay chống lạm phát vẫn sẽ là câu hỏi khó trong thời gian tới. Một số nhà quan sát thị trường lập luận rằng, một sự tạm dừng tăng lãi suất có thể khiến áp lực lạm phát cao gia tăng trở lại khi mà các dữ liệu gần đây cho thấy các nỗ lực kiềm chế giá cả của các ngân hàng trung ương vẫn chưa đạt được nhiều thành công như mong đợi. Ví dụ như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 vẫn tăng tới 6% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp ba lần mức mục tiêu 2% của Fed. Trên thị trường lao động, những dấu hiệu hạ nhiệt như hoạt động tuyển dụng giảm và tiền lương tăng chậm lại cũng chỉ mới xuất hiện.
Bob Schwartz, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Oxford Economics nhận định: “Mặc dù vấn đề của các ngân hàng chắc chắn là mối quan tâm hàng đầu vào lúc này, nhưng chúng tôi tin rằng đó không phải là vấn đề mang tính hệ thống mà chỉ là vấn đề thanh khoản mà Fed có thể giải quyết bằng các biện pháp khác”.
Tuy nhiên, Peter Orszag, Giám đốc điều hành tư vấn tài chính tại Ngân hàng đầu tư Lazard Ltd. Orszag, lại khuyến cáo các ngân hàng trung ương như Fed “nên hành động thật nhanh để ổn định tài chính trong ngắn hạn, sau đó tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát khi những căng thẳng hiện nay dần lắng dịu”. Theo ông Orszag, việc tăng lãi suất quá nhanh có thể phá vỡ mọi thứ, mà minh chứng rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng hiện nay trong ngành ngân hàng.
Ngay cả OECD cũng nhận định các ngân hàng trung ương nên thận trọng trong việc triển khai các hành động, vì sẽ rất khó để đánh giá chính xác được toàn bộ tác động của lãi suất cao. Việc tăng lãi suất quá nhanh trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nhiều hơn dự kiến ban đầu và có thể làm bộc lộ những rủi ro trong mô hình của một số tổ chức tài chính.
Các chính phủ cũng được khuyến cáo cần góp phần kiểm soát lạm phát bằng cách đảm bảo các chính sách tài khóa để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy vậy, các chính sách kích thích này nên được thực hiện một cách cẩn trọng thay vì ồ ạt trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp kích thích đối với những mục tiêu phù hợp và giảm mức hỗ trợ tổng thể đúng lúc sẽ giúp đảm bảo tính bền vững tài chính, duy trì các biện pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng và hạn chế làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng vào thời điểm lạm phát cao.
Nguồn: Bloomberg, Reuters, Financial Times, The Guardian, Barrons