Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương cùng ‘tuyên chiến’ chống tổn thất do Covid-19 gây ra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ngân hàng trung ương cùng ‘tuyên chiến’ chống tổn thất do Covid-19 gây ra

Chánh Tài

(TBKTSG) – Các ngân hàng trung ương lớn trên khắp thế giới phát đi các thông điệp khẳng định sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết để hạn chế tổn hại kinh tế do Covid-19 gây ra.

Chính sách kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào ứng phó của Trung Quốc với Covid-19

Ngân hàng trung ương các nước đổ xô gom vàng

Các ngân hàng trung ương cùng 'tuyên chiến' chống tổn thất do Covid-19 gây ra
Binh sĩ Hàn Quốc khử trùng tòa thị sảnh TP. Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Các thông điệp trấn an đó giúp thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu phục hồi với chỉ số Dow Jones tăng 1.293,96 điểm (5,09%), mức tăng kỷ lục về điểm số trong lịch sử sau một tuần tổn thất nặng nề trước các lo ngại về dịch Covid-19.

Song giới phân tích cảnh báo thị trường sẽ còn biến động vì cuộc giải cứu của các ngân hàng trung ương có thể chỉ tạo ra tác động ở mức hạn chế trong việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Các ngân hàng trung ương phát thông điệp mạnh mẽ

Ngày 3-3, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm về 0,5%, mức thấp kỷ lục mới. Thống đốc RBA Philip Lowe tuyên bố RBA sẵn sàng nới lỏng tiền tệ thêm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây tác động lớn đến nền kinh tế Úc, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và giáo dục.

Trong khi đó, Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), ngày 2-3, nói rằng BoJ sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến dịch Covid-19 và nỗ lực cung cấp thanh khoản dồi dào đồng thời bảo đảm sự ổn định ở các thị trường tài chính thông qua các hành động can thiệp thích hợp và mua tài sản.

Ngay sau đó, BoJ thông báo sẽ bơm 500 tỉ yen (4,62 tỉ đô la Mỹ) bằng cách mua trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, BoJ cũng chi 1 tỉ đô la Mỹ để mua các chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Đây là giá trị mua chứng chỉ quỹ ETF lớn nhất trong một ngày của BoJ từ trước đến nay.

Chương trình cho vay hỗ trợ trị giá 47.000 tỉ yen, được giới thiệu vào năm 2012, là một công cụ khác để BoJ bơm thanh khoản vào các ngành gặp khó khăn thông qua các ngân hàng thương mại.

Theo chương trình này, BoJ đang cung cấp các khoản vay với kỳ hạn lên đến 4 năm với lãi suất 0% dành cho các ngân hàng đang mở rộng cho vay.

Shuichi Ohsaki, nhà chiến lược lãi suất ở Công ty chứng khoán Merrill Lynch Japan Securities, dự báo trong thời gian tới, BoJ có thể hạ mức lãi suất cho vay của chương trình này từ 0% về -0,1%. Điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại có thể vay tiền từ BoJ và nhận được mức lãi suất 0,1%.

Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, cũng đưa ra thông điệp trấn an tương tự. Bà nói: “Cơn bùng phát dịch Covid-19 diễn biến nhanh, tạo ra các rủi ro cho triển vọng kinh tế và hoạt động của các thị trường tài chính. Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh này và những hệ lụy của nó đối với nền kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng tiến hành các biện pháp thích hợp và có trọng điểm khi cần thiết và tương ứng với các rủi ro liên quan”.

Tuy nhiên, ECB cho biết đang thẩm định xem liệu cú sốc tạm thời từ tác động kinh tế của dịch Covid-19 có chuyển thành cú sốc kéo dài, gây ra tác động lớn, dài hơn đối với nhu cầu và nguồn cung trong nền kinh tế hay không. ECB lưu ý rằng cho đến nay, Covid-19 chưa gây ra cú sốc lớn đến mức đó.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số Dow Jones tăng 1.293,96 điểm (5,09%), mức tăng kỷ lục về điểm số trong lịch sử. Ảnh: AP

Các thị trường đang dự báo ECB sẽ giảm lãi suất tiền gửi thêm 10 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 4 tới, đưa lãi suất từ mức -0,5% xuống mức -0,6%. Lãi suất tiền gửi âm có nghĩa là các ngân hàng thương mại ở châu Âu phải trả lãi nếu giữ tiền ở ECB và điều này sẽ khuyến khích họ đẩy mạnh cho vay.

Cũng vào hôm qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ra thông báo cho biết tiếp tục giám sát diễn biến dịch Covid-19 và tác động của nó đối với các nền kinh tế và hệ thống tài chính ở Anh cũng như trên toàn cầu. Thông báo nhấn mạnh BoE sẽ hợp tác với chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính ở Anh cũng như các đối tác quốc tế nhằm “bảo đảm tất cả biện pháp cần thiết sẽ được triển khai để bảo vệ tính ổn định tiền tệ và tài chính”.

Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng ở Công ty nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, nhận định BoE sẽ hạ lãi suất cơ bản từ mức 0,75% xuống còn 0,5% trong tháng này.

Hôm 28-2, Thống đốc BoE Mark Carney nói rằng Anh sẽ không thể tránh khỏi tác động kinh tế của dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát công bố hôm 2-3 cho thấy đà lây lan rộng toàn cầu của dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh với nhiều nhà máy ghi nhận nguồn cung linh kiện đang bị gián đoạn.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ra tuyên bố chung nhấn mạnh họ sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên ứng phó thảm họa nhân đạo và thách thức kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Tuyên bố nói rằng họ sẽ sử dụng các công cụ sẵn có ở mức tối đa có thể, bao gồm cho vay khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật.

Trong một diễn biến khác, ngày 3-3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất để cứu vãn nền kinh tế đang bị Covid-19 đe dọa nghiêm trọng. Quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) về mức 1-1,25% của Fed đã được Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông qua sau một cuộc họp từ xa qua video.

Nới lỏng định lượng không phải là giải pháp hiệu quả

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn hoài nghi mức độ hiệu quả chính sách mà các ngân hàng trung ương có thể tạo ra thực sự để giúp giảm nhẹ cú sốc của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế và thị trường trên toàn cầu.

“Chúng tôi kỳ vọng cuộc giải cứu chính sách sẽ đến sớm bởi việc các ngân hàng trung nới lỏng định lượng có thể chỉ tạo ra tác động ở mức hạn chế để ứng phó dạng cú sốc kinh tế thực sự này”, hai nhà phân tích Zach Pandl và Kamakshya Trivedi ở Ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng.

Người mua sắm vét sạch hàng thực phẩm tại một siêu thị của Costco ở Canada hôm 1-3. Ảnh: Twitter

Hussein Sayed, Giám đốc chiến lược thị trường ở Công ty môi giới ngoại hối FXTM, cho rằng dù Fed có đưa lãi suất về mức 0, ECB hạ lãi suất xuống sâu trong vùng âm và BoJ đẩy mạnh gói kích thích tiền tệ, các nỗ lực này sẽ không giúp ích nhiều trong việc khôi phục niềm tin của công chúng.

Theo Sayed, vấn đề ở đây không phải là tiếp cận nguồn tiền rẻ (lãi suất thấp) mà là cuộc khủng hoảng sức khỏe đang ngày càng lớn.

Ông nói: “Liệu các biện pháp nới lỏng định lượng này có khuyến khích bạn mua căn hộ mới, xe mới hay iPhone mới? Liệu bạn có cân nhắc mở rộng kinh doanh nhờ nguồn thanh khoản rẻ? Câu trả lời có khả năng cao là không”.

John Lonski, nhà kinh tế trưởng ở bộ phận nghiên cứu thị trường vốn của Công ty Moody's Analytics, cho rằng quyết định hạ lãi suất của Fed sẽ không phải là “liều thuốc” để ngăn chặn hiệu quả các tác động của dịch Covid-19.

Ông cho rằng Fed cần cải thiện sự tiếp cận vốn tài chính của các hộ gia đình, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đang gặp khó khăn về dòng tiền do dịch Covid-19.

Thị trường tài chính sẽ còn biến động mạnh cho đến khi các rủi ro liên quan đến dịch Covid-19 lắng dịu và đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ khó duy trì lâu, ông cho biết.

Hôm qua, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) công bố báo cáo dự báo dịch Covid-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể giảm sâu về mức 1,5%, tức giảm gần 50% so với mức dự báo tăng trưởng 2,9% mà tổ chức đưa ra hồi cuối năm ngoái.

Tại cuộc họp báo ở Paris (Pháp), Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, nói rằng các ngân hàng trung ương cần giảm chi phí cho vay và cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong trường hợp tăng trưởng kinh tế suy giảm sâu hơn. Tuy nhiên, bà nói các ngân hàng trung ương sẽ không đủ sức ngăn chặn các tác động lan tỏa từ dịch Covid-19 nếu thiếu hành động từ các chính phủ.

Bà cho rằng các chính phủ trên toàn cầu phải triển khai các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình đang bị ảnh hưởng bởi quyết định phong tỏa các thành phố hay hạn chế hoạt động kinh doanh.

Bà cũng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác toàn cầu để ứng phó cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 bằng cách dừng cuộc chiến thương mại, tức hủy bỏ tất cả các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa của nhau trong 2 năm qua.

Theo Reuters, Nikkei Asian Review, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới