Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương lúng túng trước sự bùng nổ của tiền ảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ngân hàng trung ương lúng túng trước sự bùng nổ của tiền ảo

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang loay hoay tìm phương án hợp lý để ứng xử với tiền ảo khi tổng giá trị thị trường này trên toàn cầu đã vượt 300 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu nhờ đồng bitcoin tăng giá gấp 10 lần trong năm nay, theo Reuters.

Các ngân hàng trung ương lúng túng trước sự bùng nổ của tiền ảo
Tiền ảo bitcoin đã tăng giá gấp 10 lần trong năm nay. Ảnh minh họa: Reuters

Thị trường tiền ảo phình lên 330 tỉ đô la

Đồng bitcoin lần đầu tiên bứt phá qua ngưỡng 10.000 đô la vào hôm 28-11 và vẫn đang giao dịch vững vàng trên mốc này tính đến chiều 29-11. Tổng giá trị của các đồng tiền ảo trên toàn cầu hiện nay đã đạt 330 tỉ đô la Mỹ, trong đó, bitcoin đóng góp hơn 180 tỉ đô la.

Nhiều ngân hàng trung ương vẫn xem cơn tăng giá phi mã của bitcoin và các đồng tiền ảo khác là một biểu hiện bong bóng. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại sự ảnh hưởng của chúng với hệ thống ngân hàng và nguồn cung tiền, làm suy yếu các chính sách tiền tệ mà họ sử dụng để kiểm soát lạm phát.

Đó là lý do tại sao một số ngân hàng trung ương ủng hộ ban hành các quy định kiểm soát tiền ảo. Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương khác đang cân nhắc liệu có nên phát hành tiền ảo riêng của họ hay không.

“Vấn đề với bitcoin là nó có thể dễ dàng nổ tung. Các ngân hàng trung ương có thể bị chỉ trích là không làm gì để ngăn chặn điều này. Vậy nên, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem liệu hoạt động ngân hàng liên quan đến giao dịch tiền ảo có cần quản lý chặt chẽ hơn nữa hay không”, ông Ewald Nowotny, một thành viên từ hội đồng điều hành của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nói với hãng tin Reuters hôm 28-11.

Thị trường tiền ảo toàn cầu có giá trị hơn 330 tỉ đô la nhưng con số này chỉ là một phần nhỏ so với tổng tài sản giá trị hàng ngàn tỉ đô la của Ngân hàng trung ương Nhật, Cục Dự trữ liên bang Mỹ hay ECB. Hôm 29-11, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Jon Cunliffe nói rằng quy mô của bitcoin chưa đủ lớn để gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

Bối rối với tiền ảo

Quan điểm của các ngân hàng trung ương trên thế giới đối với tiền ảo rất khác nhau, cho thấy họ vẫn đang bối rối trong chính sách đối với tiền ảo.

Hồi tháng 9, Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio nói rằng bitcoin là một dạng của bong bóng hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ 17 khi các nhà đầu cơ đẩy giá một số củ tulip hiếm lên đến 100.000 đô la Mỹ tính theo giá ngày nay.

Thống đốc Ngân hành trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn của tiền ảo. Bà khẳng định Nga sẽ không hợp pháp hóa tiền ảo và so sánh chúng với các mô hình kinh doanh đa cấp kim tự tháp vì giá của chúng chỉ tăng khi có thêm nhiều người tham gia giao dịch.

Hồi tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Pháp Francois Villeroy de Galhau cảnh báo nên thận trọng với bitcoin vì không có tổ chức nhà nước nào đứng sau chúng. Ông nói rằng trong lịch sử, các đồng tiền do tư nhân phát hành rốt cục đều thất bại thảm hại.

Ngân hàng trung ương Đức (DB) cũng thận trọng trước sự trỗi dậy của bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Vào tháng 9-2017, ông Carl-Ludwig Thiele, thành viên hội đồng điều hành của the DB, nói rằng bitcoin “giống như là một trò đầu cơ hơn là một hình thức thanh toán”.

Tương tự, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) không ủng hộ hợp pháp hóa tiền ảo vì cho rằng chúng có thể bị sử dụng làm kênh giao dịch rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, RBI đã thành lập nhóm nghiên cứu để xác định xem liệu những tiền ảo được các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu ủng hộ có thể được sự dụng như tiền tệ hợp pháp hay không.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hà Lan (DNB) đã mạnh dạn thử nghiệm tiền ảo. Cách đây hai năm, ngân hàng này đã phát hành một tiền ảo riêng có tên gọi DNBcoin nhưng chỉ lưu hành nội bộ để tìm hiểu cơ chế vận hành của chúng. Đánh giá về kết quả thử nghiệm, DNB cho biết công nghệ chuỗi khối của tiền ảo có thể áp dụng cho các giao dịch thanh toán tài chính phức tạp.

Ngân hành trung ương Nhật Bản chưa có kế hoạch phát hành tiền ảo riêng. Tuy nhiên, hồi tháng 4, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản ra quy định xem tiền ảo như là hình thức thanh toán hợp pháp. Nhật Bản là một trong những thị trường giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% khối lượng giao dịch toàn cầu.

Trung Quốc và Hàn Quốc đã cấm các công ty huy động vốn bằng phát hành tiền ảo. Nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn ủng hộ nghiên cứu và phát triển công nghệ chuỗi khối vì cho rằng nó có thể giúp cải thiện hiệu quả thanh toán. 

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Carolyn Wilkins cho rằng tiền ảo không phải là hình thức tiền tệ thực sự. Tuy nhiên, bà vẫn xem công nghệ chuỗi khối có triển vọng giúp hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả hơn.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương có trụ sở tại Thụy Sĩ nói rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới không thể phớt lờ cơn bùng nổ của tiền ảo vì nó có thể gây đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu. BIS cho rằng các ngân hàng trung ương cần quyết định liệu có nên phát tiền ảo hay không và phải xác định các chức năng của tiền ảo.

Theo BIS, các ngân hàng trung ương cần phải xem xét không chỉ tính hiệu quả trong hệ thống thanh toán mà còn những tác động lên chính sách tiền tệ, tài chính và kinh tế của tiền ảo.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới