Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nhà máy ở châu Âu có thể đã vượt qua những ngày đen tối nhất

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) Đà suy giảm hoạt động sản xuất ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) có thể đã vượt qua điểm trũng nhất khi các chuỗi cung ứng bắt đầu phục hồi và sức ép lạm phát dịu lại, theo dữ liệu mới nhất của S&P Global.

Công nhân lắp ráp xe dã ngoại tại nhà máy của Công ty Knaus-Tabbert ở Jandelsbrunn, Đức. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng năng lượng cùng đà tăng kết hợp của lãi suất, chi phí lao động và nguyên liệu đã gây sức ép lên hoạt động sản xuất ở châu Âu trong phần lớn năm ngoái. Tuy nhiên, vào tháng cuối cùng của năm 2022, bức tranh ngành sản xuất ở khu vực này đã bớt u ám.

Dữ liệu khảo sát của S&P Global công bố vào hôm qua (2-1) cho thấy, trong tháng 12 chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ở eurozone nhích lên 47,8 điểm so với 47,1 điểm trong tháng 11. Một chỉ số phụ đo lường sản lượng của các nhà máy trong khu vực này cũng cải thiện lên mức 47,8 điểm so với 46 điểm trong tháng 11. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số sản lượng nằm dưới mức 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Tuy nhiên, chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6.

“Tốc độ suy giảm sản lượng nhà máy của eurozone chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp đã mang lại một số lạc quan đối với ngành sản xuất của khu vực vốn bị hàng loạt khó khăn bủa vây khi chúng ta bước vào năm mới”, Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng kinh doanh ở S&P Global nói.

Williamson cho rằng, triển vọng của các nhà máy ở eurozone đã trở nên sáng hơn giữa lúc xuất hiện những tín hiệu cho thấy các chuỗi cung ứng đang hồi phục và áp lực lạm phát dịu lại. Trong khi đó, mối lo lắng về cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực cũng suy giảm một phần nhờ vào chương trình hỗ trợ của các chính phủ.

Các chỉ số phụ khác về giá thành phẩm và nguyên liệu đầu vào của các nhà máy ở eurozone đều giảm đáng kể trong tháng 12 dù vẫn còn ở mức cao. Đây có thể là tin vui cho các nhà hoạch định chính sách ở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khi họ nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ, làm tăng rủi ro suy thoái đối với eurozone.

Với áp lực lạm phát giảm bớt, chuỗi cung ứng phục hồi và khả năng tránh được khủng hoảng năng lượng trầm trọng trong năm mới, các nhà quản lý mua hàng ở các nhà máy của eurozone dường như đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” và tỏ ra lạc quan hơn cho triển vọng sắp tới. Cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy, chỉ số sản lượng tương lai của các nhà máy trong khu vực nhảy lên mức 53,8 điểm.

“Số nhà quản lý lạc quan về triển vọng trong năm mới, lần đầu tiên kể từ tháng 8, đã vượt quá số người bi quan, cho thấy niềm tin kinh doanh trong khu vực sẽ tiếp tục cải thiện”, Williamson nói.

Cũng theo khảo sát của S&P Global, trong tháng 12 chỉ số PMI ngành sản xuất của Đức, nền kinh tế lớn nhất eurozone, đã tăng lên 47,1 điểm từ 46,2 điểm của tháng trước, đánh dấu tháng thứ 3 tăng điểm liên tiếp. Dù chỉ số này vẫn nằm dưới mức 50 điểm, có nghĩa là hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại.

Phil Smith, Phó giám đốc kinh tế tại S&P Global, cho biết cuộc khảo sát các nhà máy ở Đức cho thấy nguồn nguyên liệu sẵn có tốt hơn và cùng với đó là tốc độ suy giảm sản lượng chậm lại, giúp hoạt động sản xuất bớt u ám.

Áp lực đối với giá bán thành phẩm cũng phần nào được cải thiện nhờ sự cải thiện về nguồn cung nguyên liệu. Chỉ số giá nguyên liệu đầu vào ở các nhà máy của Đức trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020, dù vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Smith lưu ý lượng đơn đặt hàng mới giảm nhanh chóng của các nhà máy vẫn là một vấn đề đối với nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất hàng hóa trung gian (các linh kiện và thành phần để sản xuất các sản phẩm khác). Lượng đơn hàng mới của các nhà máy ở Đức bị thu hẹp tháng thứ chín liên tiếp trong tháng 12 do mức tồn kho và tình trạng bất ổn của thị trường giá bán vẫn còn ở mức cao.

Chi phí năng lượng tăng vọt là cơn đau đầu đối với các nhà sản xuất của châu Âu trong năm ngoái. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, mối lo ngại về vấn đề này đã giảm bớt nhờ giá khí đốt giảm nhanh khi thời tiết trong mùa đông ở châu Âu ấm bất thường.

Trong phiên giao dịch hôm 2-1, giá khí đốt tương lai chuẩn của châu Âu ở nền tảng giao dịch TTF (Hà Lan) có lúc giảm sâu đến 7,9%, xuống sát mức 70 euro/MWh, mức thấp nhất kể từ ngày 21-2, nối dài đà giảm 3 tuần liên tiếp.

Các dự báo thời tiết cho thấy trong hai tuần tới, nhiệt độ trên khắp châu Âu sẽ duy trì trên mức thông thường của mùa đông. Điều này giúp các chính phủ châu Âu tránh được việc sử dụng hết khí đốt dự trữ quá nhanh khi tiếp tục vượt qua mùa đông.

Sau một năm biến động mạnh với chi phí năng lượng ở châu Âu bị đẩy lên các mức cao kỷ lục do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, thị trường khởi đầu năm 2023 với ít căng thẳng hơn. Giá khí đốt tự nhiên ở khu vực này giảm khoảng 47% chỉ trong tháng 12 khi các chính phủ tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt đường ống bị mất từ Nga bằng nguồn cung khí đốt tự nhiên hỏa lỏng (LNG).

Giá khí đốt giảm cũng làm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế châu Âu, vốn chật vật chống chọi lạm phát cao trong năm qua.

Trong thông điệp năm mới hôm 31-12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine là cuộc sát hạch khó khăn đối với nền kinh tế Đức. Ông kêu gọi người dân tiếp tục tiết kiệm năng lượng trong những tháng tới và cho biết các kho cảng nhập khẩu LNG mới ở Đức sẽ giúp Đức và châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong dài hạn.

Trong tuần qua, mức lấp đầy của các kho dự trữ khí đốt ở Đức đã lên 90%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 73% trong 5 năm qua vào thời điểm này, theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE).

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới