Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nhà nhập khẩu gạo trở lại để dò giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nhà nhập khẩu gạo trở lại để dò giá

Phạm Thái

Các nhà nhập khẩu gạo trở lại để dò giá
Qua kỳ nghỉ tết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực hoạt động trở lại nhưng chỉ cầm chừng. Ảnh minh họa: Phạm Thái

(TBKTSG Online) – Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, từ sau tết, các nhà nhập khẩu gạo đã quay trở lại nhưng không phải để ký hợp đồng mà chủ yếu để thăm dò giá cả gạo Việt Nam.

Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc công ty cổ phần Docimexco tại tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nay rất khó ký được hợp đồng. Theo ông Sơn, bên mua chủ yếu đến để dò giá và có ý định chờ đến khi Việt Nam bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm nay.

Theo ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia về ngành lúa gạo của công ty Agromonitor, diễn biến trên thị trường hiện nay có thể xem như người mua người bán cùng thăm dò lẫn nhau, chờ diễn biến mới.

So với giá gạo Ấn Độ, giá gạo Việt Nam và Thái Lan vẫn cao hơn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường trầm lắng.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TPHCM, đang có tình trạng các nhà nhập khẩu ép giá gạo, thậm chí trả giá thấp hơn so với giá sàn xuất khẩu gạo mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố và có hiệu lực từ ngày 18-1. Theo đó, giá FOB gạo 5% tấm đóng bao áp dụng giá sàn là 450 đô la Mỹ/tấn, gạo 10% tấm là 445 đô la Mỹ/tấn, gạo 15% tấm là 435 đô la Mỹ/tấn và gạo 25% tấm là 425 đô la Mỹ/tấn.

So với giá sàn xuất khẩu gạo áp dụng từ ngày 22-12-2011, giá mới giảm 45 – 50 đô la Mỹ/tấn, tương đương giảm khoảng 10%. Mức điều chỉnh này, theo giới kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm thu hút các hợp đồng lớn với số lượng vài trăm ngàn tấn.

Theo VFA, trong quí 1-2012, các doanh nghiệp chỉ ký được lượng hợp đồng 1 triệu tấn gạo (năm 2011 là 1,8 triệu tấn), trong khi thời gian giao hàng kéo dài đến tháng 8 thay vì chỉ giao trong quí 1 như năm rồi. Vì vậy lượng gạo xuất khẩu những tháng đầu năm sẽ thấp hơn cùng kỳ 2011.

Hiệp hội cũng đặt mục tiêu xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn gạo trong năm 2012. Năm 2011, Việt Nam xuất 7,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,5 tỉ đô la Mỹ.

Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2011 với gần 1,9 triệu tấn, trị giá 1 tỉ đô la Mỹ, hồi đầu tuần này đã ký bản ghi nhớ mua hàng năm từ 100.000 đến 200.000 tấn gạo 5% tấm của Myanmar sau khi nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Việc ký thỏa thuận với Myanmar của Indonesia nhằm giảm bớt phụ thuộc vào những nguồn cung cấp chính như Việt Nam, Thái Lan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới