Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nhà tài phiệt Hồng Kông tháo chạy khỏi mảng cho thuê máy bay

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hai nhà tài phiệt hàng đầu Lý Gia Thành và Trịnh Gia Thuần đều đang rút lui khỏi ngành cho thuê máy bay. Các đế chế kinh doanh của hai gia tộc này đã ăn nên làm ra và giữ chặt ngành cho thuê máy bay trong gần 10 năm qua trong nỗ lực đa dạng hóa rủi ro và doanh thu trên toàn cầu. Gió đã đổi chiều, nay họ phải cắt đứt với các nguy cơ thua lỗ càng sớm càng tốt.

Lĩnh vực hàng không chịu nhiều tổn thất nặng nề trong hai năm Covid, nhất là khi đặc khu Hồng Kông theo đuổi chính sách “zero Covid”. Ảnh: Nikkei Asia

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng cho thuê máy bay khi các hãng vắng khách phải vật vã để tìm nguồn thanh khoản cho các khoản tiền thuê hay phải ngừng kinh doanh. Cuộc chiến Ukraine đã làm tăng rủi ro cho các hãng cho thuê máy bay, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các hãng đòi thu hồi lại máy bay từ các hãng bay Nga trong khi Moscow lại giữ làm con tin số máy bay này. Trong bối cảnh đó, làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) càng diễn ra tấp nập.

Gia tộc họ Trịnh là kẻ rời bỏ cuộc chơi mới nhất. Chiều 16-5, họ đã đồng ý bán hãng cho thuê Goshawk với 22 máy bay cho hãng SMBC Aviation Capital của Nhật Bản với giá 1,57 tỉ đô la.

Thỏa thuận này sẽ đưa SMBC, hãng con của tập đoàn tài chính cho thuê Sumitomo Mutsui, trở thành hãng cho thuê máy bay lớn thứ hai thế giới với quy mô sở hữu và quản lý 709 máy bay. SMBC và Goshawk còn có đơn hàng 300 máy bay mới chưa nhận.

Thương vụ SMBC – Goshawk diễn ra một tháng sau khi tỉ phú Lý Gia Thành và con trai của ông – Victor Li – bán lại hai công ty trực thuộc tập đoàn AMCK Aviation vốn đang sở hữu đội bay khoảng 140 chiếc cho hãng đầu tư Carlyle Group với giá 4,28 tỉ đô la. Năm ngoái, Carlyle đã mua hãng cho thuê Fly Leasing của Ireland với giá 502 triệu đô la.

Covid quật đổ tham vọng của hai gia tộc

Hai gia tộc Lý – Trịnh ban đầu cùng với tập đoàn tài chính Investec đồng sở hữu Goshawk vào năm 2013. Ba năm sau đó, họ Trịnh mua lại cả Investec và cổ phần của gia đình họ Lý. Rồi sau đó, tập đoàn đại chúng NWS Holdings và công ty gia đình Chow Tai Fook mua cổ phần Goshawk, chia đều quyền sở hữu Goshawk với họ Trịnh.

Giữa thập niên 2010, các hãng hàng không giá rẻ gia tăng. Trong báo cáo thường niên 2015, NSW nói rằng “việc gia tăng sở hữu sẽ nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng về vận tải hàng không”. Một năm sau, CEO lúc đó của NWS là Tăng Âm Bồi – em trai của cựu đặc khu trưởng Tăng Âm Quyền – nhận định rằng NWS tham gia vào lĩnh vực cho thuê xuất phát từ sở thích tìm kiếm các doanh nghiệp “cung cấp dòng tiền ổn định” từ thị trường nước ngoài.

NWS lấn sâu hơn vào lĩnh vực hàng không bằng cách mua thêm tài sản cho Goshawk, và nắm giữ 10% cổ phần tại sân bay quốc tế Bắc Kinh. Trong báo cáo thường niên năm 2019 của NWS, ông Trịnh Gia Thuần nói rằng công ty đã hình thành nền tảng vững chắc cho sự mở rộng trong tương lai của Goshawk”.

Tỉ phú Lý Gia Thành và con trai của ông là Victor Li từng hào hứng về nguồn lợi nhuận ổn định và dự báo được từ việc cho thuê máy bay. Nhưng gia tộc họ Lý nói rằng đã đến lúc rút lui. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Covid nhanh chóng lật đổ bất cứ nền tảng kinh doanh nào. Trong hai năm 2020 – 2021, NWS đã ghi nhận khoản lỗ 119 triệu đô la Mỹ từ Goshawk dưới dạng suy giảm tài sản, dự phòng rủi ro tín dụng và phí mua lại máy bay. Tuy vậy, Goshawk đã công bố lợi nhuận ròng 63 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái.

Trong thông cáo hôm 16-5, NWS nói rằng dịch bệnh, lãi suất tăng đã khiến triển vọng của ngành cho thuê máy bay chở khách trở nên bất định, và đống vốn dễ bốc hơi hơn”.

Trước đó, cũng trong ngày, NWS nói sẽ đầu tư 2,29 tỉ nhân dân tệ (337 triệu đô la Mỹ) vào sáu khu hậu cần tại hai thành phố nằm sâu trong đất liền là Thành Đô và Vũ Hán. NWS vẫn giữ quyền sở hữu sáu máy bay đang bị mắc kẹt tại Nga.

Lời nhưng vẫn rút vì rủi ro

Năm 2014, tập đoàn CK Asset – công ty gia đình chính đứng sau AMCK – chi 1,9 tỉ đô la Mỹ để mua 45 máy bay phản lực từ các bên cho thuê khác sau vụ chia tay với Goshawk. Lúc đó, ông Lý Gia Thành từng nói: “Cho thuê máy bay có thể tạo ra thu nhập ổn định lâu dài và các giao dịch đã hoàn thành ngày sẽ tạo thành một nền tảng có ý nghĩa để phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh cho thuê và sở hữu máy bay”.

Ba năm sau, ông Lý cho biết trong báo cáo thường niên của CK Asset: “Chúng tôi có kế hoạch mở rộng cho thuê máy bay như một phần trong chiến lược của chúng tôi nhằm mở rộng triển vọng tăng trưởng thông qua đa dạng hóa và toàn cầu hóa, đồng thời tạo ra dòng tiền ổn định và lợi nhuận có thể dự đoán trên cơ sở trung hạn đến dài hạn”.

CK Asset đã có mức lợi nhuận 887 triệu đô la Hồng Kông từ việc cho thuê vào năm ngoái, giảm 3% so với năm trước không bao gồm lãi từ việc thanh lý máy bay. Tháng 12-2021, hãng công bố khoản lãi kế toán là 1,3 tỉ đô la Hồng Kông từ việc bán tài sản của AMCK và lưu ý rằng khoản đầu tư này đã công bố tỷ suất hoàn vốn nội bộ “gần hai chữ số” dưới thời tỉ phú Lý Gia Thành và người con trai.

Tuy nhiên, tình trạng Covid đã phủ tấm màn bất định lên mọi thứ.

Victor Li – con trai tỉ phú Lý Gia Thành – hiện là chủ tịch của CK Assetc nói về quyết định rút lui khỏi ngành cho thuê trong tháng rồi: “Covid-19 gây nhiều trắc trở cho mô hình kinh doanh này. Các yếu tố rủi ro và lợi nhuận là những biến số khó lường và không thể đoán trước. Hơn nữa, các thương vụ M&A trong ngành ngày càng nhiều”.

Ông cũng nói thêm rằng tập đoàn xem đây là thời điểm cơ hội để rút khỏi lĩnh vực cho thuê máy bay và nâng cao trọng tâm chiến lược.

Doanh nghiệp Nhật Bản lại hào hứng

Trong khi hai gia tộc Lý và Trịnh đang ngán ngẩm với dịch vụ cho thuê, thì các hãng tài chính Nhật Bản vẫn thấy nhiều hứa hẹn.

“Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy các nền kinh tế đang phát triển dẫn đăt dẫn dắt nhu cầu toàn cầu gia tăng, thúc đẩy ngành hàng không tăng trưởng hơn nữa”, hãng cho thuê tài chính Sumitomo Mitsui nói trong thông cáo hôm qua.

Việc mua lại Goshawk giúp SMBC vượt qua đối thủ Avolon Holdings, do Bohai Leasing của Trung Quốc và Orix của Nhật Bản đồng sở hữu, trong bảng xếp hạng toàn cầu theo quy mô đội bay. Hiện Orix vẫn giữ “thiện cảm” với lĩnh vực này. “Cho thuê máy bay chắc chắn là một trong những lĩnh vực kinh doanh thiết yếu của chúng tôi”, Hitomaro Yano, CEO kiêm giám đốc tài chính, cho biết trong cuộc họp báo tuần trước.

Khi các khoản đầu tư khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch như sân bay quốc tế Kansai bắt đầu phục hồi, Yano cho rằng hàng không đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch ba năm của Orix: tăng lợi nhuận ròng hàng năm lên 41% và đạt 440 tỉ yen mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới