Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nhà tài trợ khuyến nghị tái cơ cấu đầu tư công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nhà tài trợ khuyến nghị tái cơ cấu đầu tư công

Tư Hoàng

(TBKTSG Online) Các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục khuyến nghị Việt Nam tái cơ cấu đầu tư công nhằm giúp ổn định lại kinh tế vĩ mô và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các nhà tài trợ khuyến nghị tái cơ cấu đầu tư công
Cơ sở hạ tầng vẫn là nút thắt cổ chai cho phát triển kinh tế, song đến lúc Việt Nam phải xem lại đầu tư công. Ảnh TL

Đây là tinh thần chung của các nhà tài trợ quốc tế khi được tham vấn về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 4-10.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đặt vấn đề, Việt Nam nên tái cơ cấu đầu tư công như thế nào trong bối cảnh thiếu hụt cơ sở hạ tầng đã trở thành điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Allaster Cox nhận xét, chính phủ phải tập trung vào những công trình cơ sở hạ tầng ưu tiên. Ông nói: “Chính phủ cần đưa ra các kịch bản chính cho cơ sở hạ tầng quốc gia, chứ không nên để các địa phương tự quyết.”

Ông giải thích, do các tỉnh thì luôn muốn phát triển cơ sở hạ tầng cho riêng mình nên có thể làm các công trình đó phân tán và thiếu sự kết hợp.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, ông Đoàn Hồng Quang cho rằng tỷ lệ đầu tư của Việt Nam tăng lên 40% GDP nhưng hiệu quả đầu tư rất thấp.

Ông nói điều này dẫn đến tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam cao hơn tiềm năng gấp 1,7 lần trong năm 2010, làm lạm phát tăng cao. “Đây là nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam cao hơn các nước đang phát triển khác, dù họ cũng chịu tác động của kinh tế thế giới giống Việt Nam,” ông Quang nói.

Ông giải thích tiếp: “khi GDP thực tế cao hơn tiềm năng thì khó có dư địa áp dụng chính sách kích cầu, do vậy, càng kích cầu, tác động chủ yếu càng dồn vào giá cả.”

Ông Quang nói: “Vì vậy, Ngân hàng Thế giới ủng hộ ưu tiên tái cơ cấu đầu tư công, và tái cơ cấu kinh tế”.

Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tsuno Monotori nói rằng, ông hy vọng Chính phủ sẽ đưa ra ưu tiên rõ ràng trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo. Ông nói: “ví dụ như về phát triển cơ sở hạ tầng thì cần xác định đâu là dự án ưu tiên nhất.” ông Tsuno còn nói thêm: “Để tái cơ cấu đầu tư công, chúng tôi chia sẻ với chính phủ về tầm quan trọng của việc huy động tất cả các nguồn lực, ngoài ODA. Mô hình công tư kết hợp (PPP) sẽ là nguồn quan trọng.”

Ông cũng khuyến nghị chính phủ xem lại việc thực hiện các dự án ODA trong thực tế, và khuyến nghị chính phủ sử dụng hiệu quả ODA đã cam kết.

Ông nói: “Các dự án (ODA) của chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn như giải phóng mặt bằng, các quy trình thủ tục về mua sắm,… do đó tôi muốn khuyến khích Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò chủ đạo trong việc quản lý các nguồn ODA”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, sắp tới Việt Nam sẽ có Luật Đầu tư công và mua sắm công nhằm tăng hiệu quả của đầu tư công.

Ông nói thêm là Việt Nam phải xem xét lại vấn đề phân cấp, phân bố nguồn lực đầu tư. “Trong điều kiện nguồn lực ít ỏi, thì nguồn lực phải sử dụng để tháo nút thắt cơ sở hạ tầng, chứ không thể để quá phân tán ở các địa phương”, ông nói.

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam tập trung vào hàng loạt các vấn đề khác như tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2011- 2015 là gần 250- 266 tỉ đô la Mỹ, trong đó 18% là vốn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết các công trình, dự án nằm trong danh mục được phép triển khai trong giai đoạn 5 năm tới đã có số vốn dự kiến vượt nhiều lần so với con số kế hoạch nêu trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới