Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nhà tài trợ quốc tế thúc giục Việt Nam hành động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nhà tài trợ quốc tế thúc giục Việt Nam hành động

Tư Hoàng

Các nhà tài trợ quốc tế thúc giục Việt Nam hành động
Các nhà tài trợ thúc giục Việt Nam tái ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế – Ảnh HG

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã dần ổn định trở lại và tiếp tục được cải thiện vào năm sau. Nhưng các nhà tài trợ cho rằng Việt Nam cần phải hành động để phát triển mạnh hơn. 

Tại tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 6-12, Thủ tướng cho biết những chỉ số kinh tế vĩ mô gần đây như tăng trưởng kinh tế, bội chi giảm, dự trữ ngoại tệ tăng cao, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nợ công trong ngưỡng an toàn,… thể hiện những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong cuối năm 2011.

Thủ tướng nói: “Theo đà này, chúng tôi cho rằng năm 2012 Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9%. Hiện tại lãi suất tín dụng có du hướng giảm, cùng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tỷ giá cơ bản được ổn định, và chúng tôi sẽ nỗ lực giữ giá tiền đồng”.

Thủ tướng khẳng định chính phủ sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế vào ba trọng tâm chính là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại ngay trong năm tới. “Chúng tôi không đặt trọng tâm tăng trưởng cao trong năm tới để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tiến hành tái cơ cấu kinh tế”, Thủ tướng nói.

Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”, hai chủ đề nóng trên các chương trình nghị sự quốc gia của Việt Nam.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho rằng, chương trình tái cơ cấu kinh tế được xác định tại Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 10 vừa qua là một bước tiến quan trọng.

Bà cho rằng, tăng trưởng tín dụng hàng năm tới 30% trong suốt thập kỷ qua đã tạo ra tính dễ tổn thương và bất ổn kinh tế vĩ mô trong suốt 4 năm qua. Bên cạnh đó, những rủi ro trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và tài chính cũng ngày càng bộc lộ rõ. Với lạm phát gần 20% hàng năm, duy trì tập trung ổn định kinh tế vĩ mô vẫn rất quan trọng.

Bà Kwakwa nói: “Điều cần làm tiếp theo là một ý chí chính trị mạnh mẽ giúp nhanh chóng cụ thể hóa các chi tiết của chương trình tái cơ cấu theo cách thức đáng tin tưởng…Bây giờ là thời gian để hành động”.

Và bà thúc giục: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thay đổi bên lề là không hiệu quả. Hành động cương quyết là cần thiết nhằm đưa ra một chặng đường mới, đặt Việt Nam vào vị trí mạnh mẽ hơn để thành công như một quốc gia có thu nhập trung bình”.

Trong khi đó, các nhà tài trợ chính cũng thúc giục chính phủ tiếp tục tập trung nỗ lực vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế Sanjay Kalra cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần đảm bảo rằng, chính sách tiền tệ và tỷ giá cần phải tập trung vào việc dựng lòng tin vào tiền đồng, kỳ vọng lạm phát thấp hơn, và tái thiết dự trữ ngoại hối.

Ông nói: “Những lời kêu gọi lặp đi lặp lại yêu cầu giảm lãi suất cho vay thấp hơn gây ra nghi ngờ về quyết tâm của Chính phủ nhằm duy trì các chính sách thắt chặt… Trước mắt, nếu áp lực vào tỷ giá tiền đồng tăng lên, các nhà chức trách nên xem xét nâng lãi suất lên nữa”.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng những rủi ro tại khu vực tài chính cần được giải quyết không chậm trễ do nợ xấu tăng và căng thẳng về thanh khoản trầm trọng hơn tại một số ngân hàng nhỏ.

Ông Sanjay cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế vì nợ và đầu tư thiếu hiệu quả đã phủ bóng đen với hệ thống tài chính và niềm tin thị trường, qua trường hợp của Vinashin.

Đại biện lâm thời của Phái đoàn Ủy ban châu Âu Jean Jacques Bouflet cảnh báo rằng, xu hướng đưa ra các chính sách và các biện pháp mang tính bảo hộ có thể cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa ra một hình ảnh không có lợi về Việt Nam, một nền kinh tế vốn được coi là cởi mở và hội nhập toàn diện.

Ông nói: "Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam vì đã nhận ra rằng những thiếu sót và nhược điểm của cơ cấu nội tại cần phải được xử lý nhằm phát triển, và đặc biệt nhằm tăng tính cạnh tranh của quốc gia. Mô hình phát triển kinh tế hiện thời của Việt Nam cần phải được hiệu chỉnh để đương đầu với các thử thách mà đất nước gặp phải khi thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020"

Cam kết ODA năm 2012 đạt gần 7,4 tỉ đô la

Theo vietnamplus.vn, mức cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ ngày 6-12 trong năm 2012 đạt khoảng 7,386 tỉ đô la Mỹ.

Phát biểu tại hội nghị sáng ngày 6-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thủ tướng cũng tái khẳng định với cộng đồng các nhà tài trợ rằng Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện hài hòa giữa duy trì ổn định kinh tế với giải quyết các vấn đề môi trường.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tanizaki cho biết, số tài trợ cụ thể cho Việt Nam trong năm 2012 có thể lớn hơn dự kiến là 148,5 tỉ yen (khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ).

Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ ODA năm 2011 cho Việt Nam là 7,88 tỉ đô la Mỹ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới