Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước châu Á đồng loạt kích cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước châu Á đồng loạt kích cầu

Các nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của châu Á đang gặp khó khăn khi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu cắt giảm chi tiêu-Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Các nước châu Á, vốn được khen ngợi trong thời gian qua là những cỗ máy xuất khẩu của thế giới, đã đồng loạt đưa ra các gói kích cầu để ngăn chặn nền kinh tế thoát khỏi đà sụt giảm khi xuất khẩu đình trệ.

Theo tính toán của AFP, các giải pháp kích thích kinh tế mà một số quốc gia châu Á đưa ra đã lên tới 1.100 tỉ đô la Mỹ, tính từ tháng 10-2008 – khi khủng hoảng tài chính trên thị trường nhà đất Mỹ lan rộng thành khủng hoảng toàn cầu.  

Tình hình tồi tệ

Tại châu Á, cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời đã nhấn chìm trước tiên là Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đang bao trùm các nền kinh tế nhỏ hơn nhưng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Các nhà sản xuất Nhật bị ảnh hưởng nặng nề bởi doanh số xe hơi và các sản phẩm điệm tử sụt giảm mạnh. Xuất khẩu của Nhật trong tháng 1-2009 hầu như không tăng so với cùng kỳ năm trước trong khi sản lượng tại các nhà máy đã giảm đến mức kỷ lục là 10%. Thêm vào đó, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật đã giảm đến 17,3% trong quí 4-2008.

Singapore, một đất nước với 4,6 triệu dân, so với 23 triệu dân của Đài Loan, bị tổn thương lớn bởi sự sụt giảm thương mại. Singapore nhập khẩu các nguyên liệu thô, linh kiện điện tử và sau đó xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy, sản xuất khó khăn đang làm teo tóp ngân sách dành cho thuê mướn lao động và sản lượng bị thu hẹp. Tại đảo quốc này, hàng chục ngàn công nhân bị cắt giảm từ 3 đến 4 ngày làm việc trong tuần và mức lương tính theo giờ cũng giảm.

Tình hình xuất khẩu của các nền kinh tế nhỏ hơn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng sụt giảm nghiêm trọng từ đầu năm 2009.  

Đẩy mạnh kích cầu

Trước tình hình xuất khẩu khó khăn, các nước châu Á đều gia tăng các gói kích thích để giải cứu nền kinh tế, nhất là đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Chính phủ Nhật Bản vừa đưa ra gói kích thích kinh tế thứ ba trị giá 200 tỉ đô la Mỹ để giải cứu nền kinh tế bên cạnh hai chương trình chi tiêu khác gần 500 tỉ đô la Mỹ được công bố hồi cuối năm ngoái.

Các nền kinh tế hướng đến xuất khẩu khác như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia cũng tiết lộ các kế hoạch chi tiêu mạnh tay hơn để giải quyết tình hình đang ngày càng nghiêm trọng.

Malaysia đang xem xét một kế hoạch chi tiêu khoảng 2,69 tỉ đô la Mỹ sau gói kích thích 2 tỉ đô la Mỹ công bố hồi tháng 11-2008.

Chính phủ nước láng giềng Singapore dự kiến sẽ dùng khoản tiền dự trữ ngoại hối dự phòng cho gói kích thích hơn 13 tỉ đô la Mỹ. Singapore đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất và nhiều khả năng đưa ra một gói kích thích khác là rất cao nếu nền kinh tế toàn cầu không có dấu hiệu sáng sủa hơn.

Quốc hội Indonesia đã tán thành gói kích thích 5,15 tỉ đô la Mỹ trong khi Thái Lan dự kiến chi 54 tỉ đô la Mỹ trong bốn năm để phục hồi kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn chính trị trong nước.

“Tuy nhiên, có rất ít nền kinh tế châu Á có khả năng huy động những khoản tiền khổng lồ để kích cầu trong thời gian ngắn. Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khu vực này hiện đối mặt với ‘khả năng tài chính’ đáp ứng các sáng kiến chi tiêu của chính phủ”, ông Jan Lambregts, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu châu Á của Rabobank International tại Hong Kong nhận định.

MỸ HẠNH (Tổng hợp) 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới