Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước châu Á – Thái Bình Dương đồng loạt tái mở cửa biên giới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong những ngày gần đây, các hạn chế biên giới được dỡ bỏ hoặc nới lỏng ở khắp các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi mùa du lịch cuối năm sắp đến gần. Từ Singapore cho đến Sydney, từ Bali cho đến Bangkok, giới chức trách đã thông báo các kế hoạch chào đón du khách đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 bằng cách giảm mạnh số ngày cách ly hoặc bãi bỏ hoàn toàn yêu cầu này đối với họ.

Du khách ở sân bay quốc tế Changi, Singapore. Tuần trước, Singapore tuyên bố sẽ miễn cách ly cho những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ 9 nước bao gồm Anh, Pháp, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Ảnh: Straits Times

Bãi bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách đã tiêm vaccine

“Đối với những người được tiêm phòng hai mũi trên khắp thế giới, TP Sydney và bang New South Wales sẽ mở cửa chào đón họ. Chúng tôi muốn mọi người trở lại”, Thủ hiến bang New South Wales, Dominic Perrottet tuyên bố hôm 15-10 sau khi bang đông dân nhất của Úc thông báo sẽ miễn cách ly 14 ngày đối với du khách đã được tiêm đầy đủ vaccine kể từ tháng 11.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, biện pháp cách ly kéo dài đối với du khách là đặc trưng của phần lớn chiến lược ngăn chặn Covid-19 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với các đợt cách ly kéo dài tới 21 ngày ở một nước phát hiện nhiều ca nhiễm nhập cảnh.

Cho đến khi biến thể Delta ập đến, chiến lược này đã giúp một số nơi như Trung Quốc, Hồng Kông, Úc, New Zealand và Singapore gần như kiểm soát được Covid-19 ở một giai đoạn nhất định.

Đối với các nước như Thái Lan và Malaysia, các biện pháp kiểm soát biên giới như vậy đã giúp ngăn chặn số ca nhiễm lan rộng quá mức trong một thời gian. Nhưng những quy định nghiêm ngặt đó khiến khu vực này tụt hậu khi phần còn lại của thế giới bắt đầu mở cửa trở lại từ vài tháng trước nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao.

Hôm 15-10,chính phủ Mỹ cũng tuyên bố kể từ ngày 8-11 sẽ dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh vào Mỹ bằng đường hàng không đối với công dân nước ngoài được tiêm chủng đầy đủ những vaccine Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép. Bên cạnh đó, người nhập cảnh cần phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 có hiệu lực trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay đến Mỹ. Sau khi nhập cảnh, họ sẽ không phải bị cách ly.

Tại Úc, động thái tái mở cửa biên giới của chính quyền bang New South Wales được đưa ra sau khi chính phủ Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đưa ra các thông báo dỡ bỏ hoặc nới lỏng hạn chế nhập cảnh và cách ly đối với những du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ vào hồi đầu tháng này.

Tuần trước, Singapore, nước đang chuyển sang chiến lược sống chung với Covid, tuyên bố miễn sẽ cách ly cho những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ một số nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ như Anh, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Trước đó, nước này đã miễn cách ly cho du khách đến từ Đức và Brunei. Singapore cho biết sẽ có thêm nhiều nước sẽ được thêm vào danh sách này trong thời gian tới.

Tái mở cửa để phục hồi kinh tế và du lịch

Các động lực thúc đẩy các quyết định tái mở cửa biên giới trong khu vực là tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, sự đồng thuận ngày càng tăng cho rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn khiến các biện pháp ngăn chặn trở nên kém hiệu quả hơn và sự cấp bách phải hồi sinh các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch vốn đã suy yếu trong gần hai năm qua.

Để vực dậy ngành du lịch, đầu tuần này, chính phủ Thái Lan cho biết kể từ ngày 1 -11, Thái Lan bãi bỏ quy định cách ly đối với những du khách đã tiêm vaccine đầy đủ từ 5 nước có nguy cơ thấp bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức và Singapore.

Nhiều nước khác sẽ dần dần được thêm vào danh sách miễn cách ly khi Thái Lan nỗ lực phục hồi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch sau khi mô hình thử nghiệm bãi bỏ cách ly đối với du khách nước ngoài ở Phuket được xem là thành công.

Indonesia cũng đang tái mở cửa biên giới hơn nữa, cho phép nhập cảnh đối với du khách được tiêm chủng đầy đủ từ nhiều nước hơn và áp dụng thời gian cách ly ngắn hơn. Nước này đã tái mở cửa trở các điểm du lịch nổi tiếng như đảo Bali, cũng như các đảo Batam và Bintan, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, để chào đón du khách nước ngoài từ 18 nước có nguy cơ thấp trong tuần này. Sau khi nhập cảnh, du khách nước ngoài chỉ chịu cách ly 5 ngày, thay vì 8 ngày như trước đây.

Tiến trình tái mở lại biên giới ở châu Á-Thái Bình Dương tăng tốc khi ngày càng có nhiều nước trong khu vực từ bỏ chiến lược “không Covid-19”. Giới nhà chức trách từ New Zealand đến Singapore hiện đang xem Covid-19 như là bệnh đặc hữu.

Các thông báo tái cửa trở biên giới đã đẩy tăng giá cổ phiếu phiếu của các doanh nghiệp du lịch như hãng hàng không Úc, Qantas Airways và kích hoạt đà tăng giá của đồng baht Thái Lan. Việc tái mở cửa biên giới là nhu cầu bức thiết đối với Singapore vì du lịch, vận tải và thương mại đóng vai trò quan trọng đối với đảo quốc Sư tử, một trung tâm tài chính toàn cầu và là một cửa ngõ quan trọng để tiếp cần phần còn lại của châu Á.

Sau khi giới chức trách mở rộng tái mở cửa biên giới, nhu cầu du lịch đến và đi Singpore tăng cao đến mức trang web của hãng hàng không Singapore Airlines bị sập và nhiều trang web của các công ty dịch vụ du lịch khác chứng kiến lượng truy cập tăng đột biến khi các khách hàng tranh nhau đặt vé.

Những số nơi khác trong khu vực, như New Zealand và Hàn Quốc, vẫn chưa đạt đến tỷ lệ tiêm chủng đủ cao để tái mở cửa an toàn, nhưng chính phủ của các nước này đã báo hiệu rằng họ sẽ nới lỏng hạn chế biên giới khi độ bao phủ vaccine trong dân chúng tăng lên.

Vẫn duy trì sự thận trọng

Không giống như Mỹ, các chính phủ ở châu Á vẫn duy trì sự thận trọng khi tái mở cửa kinh tế và biên giới. Singapore đã phải tạm dừng việc việc nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội để cho hệ thống chăm y tế có thời gian chuẩn bị ứng phó số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.

Hôm 15-10, Philippines thông báo kể từ cuối tháng 10, nước này sẽ miễn ly ở những cơ sở do nhà nước chỉ định đối với những công dân có thị thực dài hạn hoặc thị thực đặc biệt bao gồm các nhân viên ngoại giao đã được tiêm phòng đầy đủ và đến từ hơn 40 nước có nguy cơ thấp.

Tuy vậy, sau khi nhập cảnh, họ vẫn phải tự giám sát sức khỏe trong 14 ngày tại nơi cư trú. Harry Roque, người phát ngôn tổng thống Philippines, nói rằng du khách nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào Philippines nếu như họ đến để du lịch.

Căng thẳng chính trị tăng cao khi những người dân từng quen với chính sách không khoan nhượng với Covid được yêu cầu xem việc số ca nhiễm tăng lên trong giai đoạn tái mở cửa là là điều bình thường. Các nhà chức trách sẽ phải tìm cách cân bằng giữa những lời kêu gọi nới lỏng quyền tự do đi lại và các ý kiến lo ngại về nguy cơ Covid sẽ bùng phát dữ dội trở lại.

Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison dường như đã hạ thấp kỳ vọng tái mở cửa trở biên giới trong thời gian sắp tới với du khách quốc tế sau thông báo dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh của bang New South Wales. Ông nói chính phủ liên bang sẽ quyết định thời điểm mở cửa biên giới. Điều này có nghĩa là du khách quốc tế có thể bay đến Sydney, thủ phủ của bang New South Wales mà không bị cách ly nhưng họ không thể đến các bang khác của Úc.

Và luôn có nguy cơ một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, có thể phá vỡ các kế hoạch tái mở cửa biên giới. Dù vậy, đa số người dân và giới quan chức chính trị đều có sự đồng thuận ngày càng lớn rằng quay trở lại chiến lược phong tỏa nghiêm ngặt có thể không còn là một lựa chọn.

Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Á-Thái Bình Dương, nói: “Mỗi quốc gia có mỗi sự lựa chọn chính sách khác nhau nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy rõ rằng ngay cả khi áp dụng những quy định hà khắc nhất liên quan đến đeo khẩu trang và hạn chế đi lại, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan.

“Điều quan trọng là phải tiêm phòng vaccine hiệu quả và bảo vệ những người dễ tổn thương”, ông nhấn mạnh.

Trung Quốc là một ngoại lệ khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở thành nước cuối cùng theo đuổi chiến lược “không còn ca nhiễm Covid” (zero Covid) và giới chức trách nước này cũng không lên kế hoạch dỡ bỏ kiểm soát biên giới. Điều đó gây khó khăn cho trung tâm tài chính Hồng Kông trong nỗ lực bắt kịp các đối thủ trong khu vực như Singapore vì thành phố này đã nói rõ rằng sẽ duy trì chính sách kiểm soát Covid-19 phù hợp với lập trường của Bắc Kinh.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới