Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước giàu hợp tác điều tra vụ Hồ sơ Panama

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước giàu hợp tác điều tra vụ Hồ sơ Panama

Phúc Minh

Các nước giàu hợp tác điều tra vụ Hồ sơ Panama
Trụ sở công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Mạng lưới hợp tác và thông tin quốc tế về chống trốn thuế (Jitsic) thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 13-4 tổ chức cuộc họp giới chức thuế các nước thành viên OECD tại thủ đô Paris (Pháp) để phối hợp điều tra các giao dịch bí mật ở nước ngoài được tiết lộ từ Hồ sơ Panama và bàn chiến lược chống trốn thuế.

Zaobao đưa tin theo đề xuất của Jitsic, một chiến dịch truy quét chưa từng có tiền lệ về các cá nhân và tổ chức liên quan đến Hồ sơ Panama sẽ được tiến hành trên toàn cầu.

Chủ trì cuộc họp tại Paris, người đứng đầu cơ quan thuế quốc tế của Úc với tư cách Chủ tịch Jitsic, ông Mark Konza, cho biết mục đích chính của cuộc họp là để các nước chia sẻ thông tin và bắt đầu phối hợp hành động. Thông qua cuộc họp này, giới chức các nước hy vọng sẽ đạt được đồng thuận về một cuộc điều tra chưa từng có trong tiền lệ.

Tuyên bố trước cuộc họp, OECD cho đây là cơ hội đầu tiên để các cơ quan thuế hành động dựa trên lượng thông tin đáng kể được tiết lộ từ Hồ sơ Panama.

Trước đó một ngày, 12-4, nhằm buộc các tập đoàn đa quốc gia minh bạch về thuế, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình Nghị viện châu Âu (EP) kế hoạch yêu cầu từng nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải công bố dữ liệu kế toàn và thuế của tập đoàn đa quốc gia như doanh thu, lợi nhuận, thuế phải nộp. Các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại EU, bất kể đến từ nước nào, có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (850 triệu đô la Mỹ), phải công bố thông tin về kế toán, doanh thu và tỷ lệ đóng thuế tại mỗi nước thành viên EU cũng như ngoài khu vực này. Nếu được thông qua và đi vào thực hiện, các quy định mới này sẽ tác động đến khoảng 6.000 doanh nghiệp và sẽ giúp EU lấy lại được ít nhất 80 tỉ đô la Mỹ tiền thuế. Để công bằng, các nước thuộc EU cũng đề nghị cho phép đại diện các tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola trình bày ý kiến về các đề xuất mới trước EP.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cũng đang kêu gọi giới truyền thông bàn giao Hồ sơ Panama gốc để hỗ trợ các nhà chức trách điều tra nghi án trốn thuế.

Cũng trong ngày 12-4, cảnh sát Panama khám xét trụ sở và văn phòng của công ty luật Mossack Fonseca để truy tìm chứng cứ làm ăn bất hợp pháp của công ty này. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, dữ liệu máy tính quan trọng bị tịch thu đã được chuyển cho các công tố viên đang theo đuổi cuộc điều tra về trốn thuế và rửa tiền liên quan đến công ty luật Mossack Fonseca. Trước đó, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước để điều tra hoạt động rửa tiền, trốn thuế tại nước này, đặc biệt là việc Mossack Fonseca lập ít nhất 2 quỹ riêng để ngụy tạo việc chuyển tiền cho một số tổ chức quốc tế, trong đó có Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, Quỹ quốc tê bảo vệ thiên nhiên…

Đọc thêm:

>> EU chống nạn trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia

>> Vụ hồ sơ Panama: Công ty luật Mossack Fonseca bị khám xét

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới