Các nước phản ứng trước việc Tổng thống Mubarak từ chức
Phúc Minh
![]() |
Người dân Ai Cập vẫy cờ sau khi ông Mubarak tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) – Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vào tối ngày 11-2 tuyên bố từ chức sau 18 ngày dân chúng biểu tình. Hội đồng quân sự tối cao Ai Cập lên tiếp quản quyền tổng thống. Người dân vui mừng nhảy múa.
>>> Ông Hosni Mubarak từ chức Tổng thống Ai Cập
>>> Tổng thống Hosni Mubarak quyết không từ chức
Trong bối cảnh đó, các nước đã đưa ra những phản ứng khác nhau.
Liên đoàn Ảrập
Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập Amr Moussa nói Tổng thống Hosni Mubarak từ chức là thời điểm bắt đầu xây dựng sự đồng thuận quốc gia tại Ai Cập.
Trên các đường phố tại Tunisia, người dân vui mừng, bóp còi xe để chúc mừng ông Mubarak từ chức. Một tháng trước, người dân Tunisia cũng tiến hành biểu tình phán đối chính phủ.
Trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, người dân Palestine cũng ăn mừng, họ hát quốc ca của Ai Cập. Trong khi đó, phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza cho biết đây chỉ là khởi đầu của cuộc cách mạng tại Ai Cập.
Các quan chức Israel hy vọng Ai Cập chuyển giao quyền lực không ảnh hưởng đến thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập.
Tại Lebanon, các phong trào Hezbollah chúc mừng người dân Ai Cập giành được chiến thắng tuyệt vời.
Các nước khác
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói tiếng nói của người dân Ai Cập đã được lắng nghe.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông Mubarak từ chức đánh dấu sự bắt đầu thay đổi tại Ai Cập. Ông Obama cho rằng người dân đã biểu thị thái độ rõ ràng rằng họ chỉ chấp nhận nền dân chủ thật sự. Ông Obama cũng kêu gọi quân đội Ai Cập gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp để bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã quyết định từ chức và cho rằng ông đã nghe theo tiếng nói của người dân Ai Cập. Ủy viên đặc trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, cho biết ông Mubarak từ chức mở cửa cho cuộc cải cách tại Ai Cập. Bà Ashton chỉ ra tương lai của Ai Cập vẫn còn nằm trong tay của người dân, hiện phải tăng tốc độ đối thoại để tạo ra một chính phủ trên diện rộng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Ai Cập đã “thay đổi lịch sử”. Tuy nhiên, bà Angela Merkel cũng kêu gọi Ai Cập tôn trọng hiệp ước hòa bình năm 1979 với Israel.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết hiện là thời điểm quan trọng để thiết lập một Ai Cập tự do, cởi mở và dân chủ. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói đây là “sự kiện mang tính bước ngoặt” tại Trung Đông.
(theo BBC)