Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước sản xuất dầu sắp kết thúc đàm phán về sản lượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước sản xuất dầu sắp kết thúc đàm phán về sản lượng

Phúc Minh

Các nước sản xuất dầu sắp kết thúc đàm phán về sản lượng
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. Ảnh: Bloomberg

(TBKTSG Online) – Các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới – đang tìm cách kiềm chế nguồn cung để tăng giá bán – đồng ý kết thúc đàm phán về sản lượng dầu vào ngày 1-3, theo Reuters ngày 22-2.

Reuters dẫn phát biều của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trên một kênh truyền hình Nga nói: “Chúng tôi đã đồng ý tất cả các cuộc thảo luận sẽ hoàn tất vào ngày 1-3”.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 16-2 ở Doha (Qatar), Ả-rập Saudi – nước sản xuất dầu lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – và Nga – nước sản xuất dầu lớn nhất ngoài OPEC – đã đồng ý "đóng băng" sản lượng ở mức tương đương tháng 1-2016 nhằm bình ổn thị trường dầu trong bối cảnh giá dầu đã giảm hơn 70% từ mức đỉnh 116 đô la Mỹ/thùng vào tháng 6-2014, nếu các nước khác cũng làm điều tương tự.

Qatar, Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Venezuela cũng nhất trí tham gia đề xuất trên.

Ông Novak cho biết các nước công khai ủng hộ thỏa thuận cung cấp đến 3/4 lượng dầu thô thế giới, vì thế đây sẽ là “tín hiệu tích cực” cho thị trường. Bên cạnh đó, tham vấn ý kiến của các nước không phải là thành viên OPEC như Na Uy và Mexico cũng đem lại kết quả tích cực.

Thái độ của Iran

Iran chỉ lên tiếng ủng hộ mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào. Hiện Iran vẫn chưa đưa ra quyết định lựa chọn tăng sản lượng vào thời điểm giá dầu ngày càng suy giảm hay tham gia đề xuất "đóng băng" sản lượng nhằm bình ổn giá dầu.

Tuy nhiên, ông Novak nói Iran đã tỏ ra “có tính xây dựng” về kết quả đàm phán ở Doha, dù không đưa ra bất cứ tín hiệu nào về việc có tham gia thỏa thuận hay không.

Trong khi đó, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Nga Alexey Texler cho rằng ngay cả khi không có Iran tham gia, thỏa thuận "đóng băng" sản lượng vẫn có thể có hiệu lực. Theo ông Texler, thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện dư thừa khoảng 1,8 triệu thùng/ngày và con số này có thế giảm một nửa nếu thỏa thuận "đóng băng" sản lượng vừa đạt được giữa một số nhà sản xuất chủ chốt được thực thi.

Thỏa thuận tại Doha là động thái phối hợp hành động đầu tiên giữa hai nhà sản xuất dầu lớn nhất (Nga và Ả-rập Saudi) trong hơn 10 năm qua. Chuyện nhất trí “đóng băng” sản lượng chỉ là khởi điểm của quá trình sẽ tiến thêm nhiều bước trong những tháng tới, Bộ trưởng dầu mỏ Ả-rập Saudi Ali al-Naimi tuyên bố. Theo ông Naimi, mức giá 50 đô la Mỹ/thùng là chấp nhận được đối với nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng trong dài hạn.

Thị trường vẫn còn hoài nghi

Tuy nhiên, chuyện cắt giảm sản lượng vẫn không đủ để loại trừ khả năng thị trường dầu tiếp tục xấu đi – theo một số nhà phân tích.

Theo một nhà giao dịch dầu mỏ, dự trữ dầu thô của Mỹ ở các mức cao kỷ lục, sản lượng cũng ở (hoặc gần) mức kỷ lục, và vẫn vượt nhu cầu hàng ngày, nên việc Nga và Ả-rập Saudi "đóng băng" sản lượng ở các mức hiện nay sẽ không làm giảm tình trạng dư thừa mà thực tế còn tăng thêm.

Giới phân tích cũng cho rằng một số nước sản xuất dầu mỏ dường như không sẵn lòng tham gia vào thỏa thuận giữa Nga và Ả-rập Saudi, được Qatar và Venezuela ủng hộ, về "đóng băng" sản lượng ở mức của tháng 1-2016.

* Lúc 10 giờ 53 phút sáng nay 22-2 tại thị trường châu Á, giá dầu thô WTI giao tháng 4-2016 tăng 56 cent/thùng, tương đương 1,89%, lên 30,2 đô la Mỹ/thùng, sau khi giảm gần 4% trong phiên cuối tuần trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới