Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ‘ong chúa’ quốc tế đang chuyển dịch sang Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ‘ong chúa’ quốc tế đang chuyển dịch sang Việt Nam

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Các “chú ong chúa” là các tập đoàn lớn, nhà đầu tư quốc tế trong xu hướng da dạng hóa chuỗi cung ứng, địa điểm sản xuất đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, hàng loạt "ong thợ" là nhà cung cấp của những chú "ong chúa này" sẽ đi theo cùng.

Các 'ong chúa' quốc tế đang chuyển dịch sang Việt Nam
Các diễn giả trao đổi tại một phiên thảo luận. Ảnh: Lê Toàn

Thông tin này được ghi nhận tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư phối hợp với BW Industrial tổ chức ngày 28-10 tại TPHCM.

Tại diễn đàn, ông C.K Tong, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial, nhà phát triển hàng loạt chuỗi nhà xưởng xây sẵn hiện đại, cho biết, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu của dòng vốn từ nước ngoài, các nhà sản xuất công nghệ cao và kỹ thuật đang chạy đua để xây dựng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Tong, trong 9 tháng vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc và lựa chọn điểm đến là Việt Nam. Đáng chú ý, là những tập đoàn đầu tư quốc tế lớn được xem như những "chú ong chúa" đã và đang lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới của mình.

Một khi những "chú ong chúa" này đến thì sẽ có hàng loạt "chú ong thợ" là những nhà cung cấp, phụ trợ đi theo cùng.

Người đứng đầu của BW Industrial tại Việt Nam lấy câu chuyện đầu tư của tập đoàn Samsung, việc dịch chuyển đầu tư của “chú ong chúa” này đã mang theo hàng trăm nhà cung ứng nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian qua và đang tiếp tục đến.

Điều này cho thấy điểm quan trọng của sự dịch chuyển này là họ không di chuyển một mình bởi chuyên môn hóa sản xuất. Theo đó, sự dịch chuyển của toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng là tất yếu. Do đó, nhu cầu về nhà xưởng xây sẵn hoặc đất sản xuất cho các nhà cung ứng này được đánh giá là rất lớn.

Phân tích nguồn gốc và lĩnh vực mà các “chú ong chúa” đang chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam, cho rằng đa phần trong số hoạt động trong lĩnh vực điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng nhanh (FMCG) …

Ngoài ra, theo ông Hiếu gần đây Việt Nam còn thu hút sự dịch chuyển của các nhà sản xuất các linh kiện, phụ tùng xe hơi, đặc biệt họ nhắm đến khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam.

Một ngành nghề khác là nhà xưởng xây sẵn, các chủ đầu tư có nhu cầu mở rộng nhà xưởng cho thuê, thường thì các doanh nghiệp này sẽ tìm kiếm các khu vực có quỹ đất lớn rộng hàng chục, hàng trăm héc-ta, có thể phát triển kho vận được.

Đồng quan điểm trên, nhìn từ nguồn gốc cũng như đặc trưng từ hơn 100 đối tác của nhà phát triển bất động sản công nghiệp và kho vận hậu cần hàng đầu Việt Nam, ông C.K Tong, nhận thấy, khoảng 60% các “chú ong chúa” là các công ty quốc tế, đặc biệt từ khu vực EU khi EVFTA đã có hiệu lực. Và những doanh nghiệp này cũng đã có nhà xưởng đặt tại Trung Quốc.

Về ngành nghề, các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành cơ khí, phụ tùng ô tô, điện tử… với hàm lượng công nghệ cao. Về loại ngành nghề thì nhu cầu rất lớn về mặt bằng cho những công ty sản xuất nội thất, đây không phải là những nhà sản xuất truyền thống.

Đại diện ban tổ chức sức kiện, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, cũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tranh thủ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

Trên thực tế, theo ông Hoàng, ánh mắt của nhiều nhà đầu tư lớn đang tập trung về phía Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, chuyển dịch nguồn cung ứng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và các yếu tố địa chính trị trên thế giới.

Sản xuất của một doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nói về sóng đầu tư thì theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – FIA (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng có 3 làn sóng, sau làn sóng đầu tiên năm 1996 thì năm 2008, Việt Nam đón làn sóng thứ 2. "Năm nay đang là làn sóng mới, những con số trong đồ thị tăng trưởng đi lên", ông Hoàng nói.

Qua nghiên cứu của FIA, theo ông Hoàng, câu chuyện này đã có từ khoảng 6 năm nay rồi chứ không phải là do xung đột Mỹ – Trung mà các doanh nghiệp nghiệp chuyển dịch. Hơn nữa, do sự tác động của Covid-19 khiến mọi kế hoạch bị đứt gãy. Nhưng phải lưu ý một điều rằng, không phải tất cả doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc muốn chuyển dịch.

Làn sóng này thực chất là các nhà đầu tư không quá phụ thuộc vào một đối tác nào đó, nên họ muốn đa dạng hóa thị trường chứ không phải chuyển dịch. Đây là đặc điểm của làn sóng này, ông Hoàng nói, và cho biết: “Qua trao đổi với những đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nhà đầu tư rất muốn sang Việt Nam nhưng không được”.

Ông Hoàng chia sẻ thêm rằng, Việt Nam có thế mạnh về nguồn lao động trẻ nhưng để thuận lợi đón sóng này thì cần phải nâng cấp về chất lượng chuyên môn. Đây đang là điểm yếu của Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Hoàng, Việt Nam cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Về vấn đề này, lãnh đạo FIA cho rằng có 3 cách để doanh nghiệp Việt Nam lớn, đó là doanh nghiệp phải tự lớn, thứ 2 là Việt Nam mua vào những doanh nghiệp có chuỗi sẵn, thứ 3 là mua lại các doanh nghiệp nước ngoài.

Tại diễn đàn, các ý kiến cũng cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa. Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Công ty TNHH Quản lý Deep C, cho rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những năm vừa qua có một vài nút thắt, đầu tiên là liên quan đến hạ tầng cơ sở và chi phí của logistics. Thứ hai là nguồn cung lao động và hiệu suất lao động tại Việt Nam.

Hơn nữa, vấn đề kẹt xe khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết.

Liên quan đến vấn đề chất lượng nguồn lao động, ông Koen Soenens cho biết, đây là câu hỏi quan trọng nhất mà công ty ông phải đối mặt với các khu vực đầu tư. Tại Việt Nam, mức lương tháng trung bình của công nhân thấp hơn so với các nước khác, nhưng hiệu suất lao động vẫn còn thấp.

Một vấn đề nữa là nhà ở cho công nhân, làm sao thể doanh nghiệp đầu tư vào đây nhưng phải ổn định việc sản xuất của họ. Vấn đề ở đây là chỗ ở cho người lao động, nguồn lao động ổn định thì việc sản xuất sẽ được duy trì.

Gánh nặng của doanh nghiệp là mỗi khi mất đi nguồn lao động thì lại phải đào tạo lại, và mất rất nhiều thời gian để đội ngũ này làm việc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới