Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ‘ông lớn’ dầu khí buông dự án mới vì giá dầu ảm đạm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ‘ông lớn’ dầu khí buông dự án mới vì giá dầu ảm đạm

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Ngày càng có nhiều tập đoàn dầu khí lớn ở châu Âu cho biết họ có thể không bao giờ khai thác ở các dự án có trữ lượng dầu mỏ được định giá hàng tỉ đô la Mỹ. Nguyên nhân chính là họ lo ngại giá dầu thấp sẽ kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19 và sự chuyển đổi trên thị trường năng lượng.

Các ‘ông lớn’ dầu khí buông dự án mới vì giá dầu ảm đạm
Các hoạt động ở dự án Sea Lion nằm ở vùng biển gần quần đảo Falkland, đã tạm dừng kể từ tháng 3 do các diễn biến bất lợi của thị trường. Ảnh: 2b1stconsulting.

Giá dầu thấp khiến nhiều dự án bị dừng lại

Quần đảo Falkland, một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Nam Đại Tây Dương, từng là tuyến đầu trong kỷ nguyên mới của ngành dầu mỏ khi các ‘ông lớn’ dầu khí săn lùng tài nguyên năng lượng khắp hành tinh.

Tuy nhiên, một thập kỷ sau khi trữ lượng lên đến 1,7 tỉ thùng dầu thô được phát hiện ở vùng biển xung quanh quần đảo này, triển vọng khai thác chúng ngày càng trở nên xa vời. Dự án mỏ dầu Sunrise ở đây đang có nguy cơ bị xếp vào một danh sách mà các công ty gọi là ‘tài sản bỏ rơi’.

Khi đại dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế và nhu cầu trên toàn cầu trong những tháng gần đây, các tập đoàn dầu khí lớn ở châu Âu thừa nhận họ đang đối mặt với một hiện thực phũ phàng: hàng tỉ đô la trữ lượng dầu khí mà họ đang sở hữu có thể không bao giờ được khai thác.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy nhanh sự chuyển hướng sang năng lượng sạch hơn trên toàn cầu, nhiên liệu hóa thạch có thể rẻ hơn hơn dự báo trong những thập kỷ tới, trong khi đó, chi phí cho công nghệ thu giữ khí thải carbon sẽ ngày càng lớn. Hai giả định đơn giản này khiến một số mỏ dầu không còn tính khả thi kinh tế.

Hôm 4-8, Tập đoàn dầu khí BP (Anh) tuyên bố sẽ không thăm dò dầu khí ở những quốc gia mới. Ngành dầu mỏ toàn cầu đang xoay sở ứng phó với sự chuyển đổi năng lượng, nguồn cung dồi dào và các dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt đỉnh khi dịch Covid-19 lan rộng.

Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, đại dịch Covid-19 có thể khiến các tập đoàn dầu khí không còn hào hứng với các hoạt động thăm dò. Rystad Energy dự báo khoảng 10% trong trữ lượng dầu mỏ có thể khai thác được của thế giới sẽ bị buông bỏ.

Muqsit Ashraf, Giám đốc phụ trách ngành năng lượng toàn cầu ở hãng kiểm toán Accenture, nhận định: “Sẽ có những tài sản dầu khí bị bỏ rơi. Các công ty dầu khí sẽ phải chấp nhận thực tế đó”.

Dự án mỏ dầu xa bờ Sea Lion ở vùng biển gần quần đảo Falkland hứa hẹn trở thành nguồn cung năng lượng hàng đầu thế giới khi Công ty thăm dò dầu khí Rockhopper Exploration (Mỹ) phát hiện ra mỏ này vào năm 2010. Dù đã chi hàng trăm triệu đô la để phát triển giai đoạn một của mỏ dầu này, hãng dầu khí Premier Oil (Anh), đối tác của Rockhopper Exploration, vẫn chưa đưa được bất kỳ thùng dầu nào ra thị trường.

Hồi tháng 3, Premier Oil tuyên bố tạm dừng các công việc ở dự án Sea Lion do các điều kiện bất lợi của thi trường. Hôm 15-7, công ty này bút toán xóa bỏ giá trị đầu tư 200 triệu đô la Mỹ cho mỏ dầu này vì các giai đoạn tiếp theo của dự án có thể không được triển khai.

Các tập đoàn dầu khí lớn hơn cũng bắt đầu xem xét buông bỏ các dự án khác. Hồi tháng 6, BP cho biết sẽ đánh giá lại các dự án dầu khí và có thể dừng phát triển một số dự án.

Năm ngoái, Dominic Emery, Phó chủ tịch phụ trách hoạch định chiến lược của BP, nói rằng các dự án phức tạp có thể bị gác bỏ để nhường sự ưu tiên cho các mỏ dễ phát triển, chẳng hạn như các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ.

Sức ép giảm khí thải carbon cũng có thể khiến các công ty dầu khí phải từ bỏ những trữ lượng dầu khí có dấu ấn carbon cao. Vào tháng trước, Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) cho biết đã bút toán giảm 8 tỉ đô la Mỹ giá trị tài sản dầu khí có dấu ấn carbon cao.

Bài toán kinh tế đang cản trở các dự án dầu khí phức tạp, có chi phí khai thác cao. Ảnh: Bloomberg

Tính khả thi kinh tế bị nghi ngờ

Parul Chopra, Phó Chủ tịch Rystad Energy, cho rằng danh sách các dự án đối mặt với rủi ro bị bỏ rơi cao nhất bao gồm các trữ lượng dầu mỏ được phát hiện ở ngoài khơi vùng biển của Brazil, Angola và ở Vịnh Mexico. Các dự án cát dầu (oil sands), chẳng hạn dự án mở rộng mỏ cát dầu Sunrise ở tỉnh Alberta, Canada đang bị nghi ngờ về tính khả thi kinh tế.

Mỏ Sunrise, thuộc sở hữu của một liên doanh doanh giữa BP và Công ty năng lượng Husky Energy (Canada), có nguồn cung bitumen dồi dào với trữ lượng lên đến 3,7 tỉ thùng. Tuy nhiên, quy trình khai thác bitumen rất phức tạp. Bitumen sẽ được hút lên mặt đất và sau đó được chế biến thành dầu nặng, rồi sẽ được pha loãng với các loại dầu nhẹ hơn trước khi được tinh lọc để trở thành nhiên liệu.

Dự án cát dầu Sunrise có độ phức tạp và tốn kém hơn vì trữ lượng bitumen của nó nằm sâu dưới lòng đất. Theo kế hoạch, dự án Sunrise sẽ trải qua ba giai đoạn để hướng đến mục tiêu sản xuất 200.000 thùng bitumen/ngày trong 40 năm.

Ở giai đoạn đoạn đầu tiên, bắt đầu từ năm 2015, mỏ cát dầu này có sản lượng khai thác đạt 60.000 thùng bitumen/ngày. Nhưng đúng lúc đó, thị trường dầu thô sụt giảm trên toàn cầu. Kể từ tháng 3 năm nay, sản lượng khai thác ở mỏ Sunrise giảm về chỉ còn 10.000 thùng bitumen/ngày do giá dầu lao dốc và các hạn chế về công suất đường ống dẫn dầu.

Giờ đây, cả Husky Energy và BP đều không tiết lộ lộ trình cho các giai đoạn tiếp theo ở dự án Sunrise. Nhà phân tích Mike Coffin ở Carbon Tracker, một tổ chức phi lợi nhuận ở London, chuyên nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các thị trường tài chính, cho rằng để mở rộng dự án Sunrise, hai nhà sản xuất dầu khí này cần giá dầu thô cao hơn ở mức hiện tại.

Ngoài tính khả thi về hiệu quả kinh tế, các mỏ cát dầu vốn có dấu ấn carbon cao, cũng không phù hợp với tham vọng giảm khí thải carbon của tâp đoàn này. Không có dự án cát dầu mới nào thích hợp trong một thế giới tuân thủ Thỏ thuận khí hậu Paris,  theo Carbon Tracker. Người phát ngôn của BP cho biết tập đoàn này sẽ đánh giá lại các dự án cát dầu.

Công ty Rockhopper Exploration cho rằng các thách thức không phải là không vượt qua được dù dự án Sea Lion nằm ở vùng biển xa xôi và đối mặt với sự thù địch của Argentina, nước vẫn đang tranh giành chủ quyền quần đảo Falkland với Anh.

Công ty này cho biết việc nhiều công ty khác bao gồm Navitas Petroleum (Israel) đang đàm phán mua cổ phần ở dự án này, cho thấy Sea Lion có ít rủi ro trở thành ‘tài sản bỏ rơi’.

Rockhopper Exploration cho biết dự án Sea Lion chỉ cần giá dầu ở mức từ 40-45 đô la/thùng để đạt điểm hòa vốn nhưng cần giá dầu ít nhất 50 đô la Mỹ để sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay. Hiện nay, giá dầu Brent đang giao dịch xung quanh mức 45 đô la/thùng, giảm 30% trong năm nay.

Nhưng rốt cục, với nguồn cung dầu dồi đào, các nghi ngờ về nhu cầu trong dài hạn và áp lực cắt giảm khí thải carbon thì bài toán kinh tế đang chống lại các dự án như Sea Lion và Sunrise.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới