Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ‘ông lớn’ dầu khí giảm mạnh đầu tư để củng cố sức khỏe tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ‘ông lớn’ dầu khí giảm mạnh đầu tư để củng cố sức khỏe tài chính

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Giá dầu giảm mạnh do sức tiêu thụ ảm đạm trước tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến các “ông lớn” dầu khí trên thế giới đua nhau cắt giảm hàng chục tỉ đô la ngân sách đầu tư.

Các 'ông lớn' dầu khí giảm mạnh đầu tư để củng cố sức khỏe tài chính
Các công nhân làm việc trên giàn khoan dầu nước sâu của Công ty dầu khí nhà nước Pemex của Mexico ở ngoài khơi bờ biển Veracruz, Mexico. Ảnh: Getty

Hồi đầu tuần qua, Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) cho biết nên sẽ cắt giảm đầu tư 10 tỉ đô la (30%) về mức 23 tỉ đô la Mỹ, mức thấp nhất trong 4 năm qua,  do nhu cầu dầu giảm mạnh.

Phần lớn mức giảm đầu tư trên sẽ được thực hiện ở một mỏ dầu lớn của Exxon Mobil ở vùng bồn chảo Permian, trung tâm dầu đá phiến của Mỹ nằm giữa bang Texas và New Mexico.

Trong cuộc họp báo từ xa hôm 7-4, bình luận về thị trường dầu, Darren Woods, Giám đốc điều hành Exxon Mobil, nói: “Chúng tôi chưa từng chứng kiến bất cứ điều gì giống như những gì chúng tôi đang đối mặt hiện nay”.
Ông dự báo sản lượng dầu của Exxon Mobil ở vùng bồn chảo Permian sẽ giảm đến 150.000 thùng mỗi ngày vào năm 2021.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Exxon Mobil vẫn duy trì chia cổ tức trong năm nay mà mức chia sẽ tùy vào quyết định của hội đồng quản trị. Dù vậy, Exxon Mobil cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xoay sở ngân sách đầu tư và chi trả cổ tức trong năm 2020 nếu tập đoàn này không bán tài sản hoặc vay nợ. Hồi tháng 3, Exxon Mobil đã bán lượng trái phiếu trị giá 8,5 tỉ đô la để chuyển đổi nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn với mức lãi suất thấp hơn. Năm 2019, Exxon Mobil chi đến 15 tỉ đô la để trả cổ tức.

Năm ngoái, doanh thu của Exxon Mobil đạt 255,6 tỉ đô la, giảm 8,5% so với năm trước đó và lợi nhuận giảm 31% về mức 14,3 tỉ đô la.

Trong quí 1 này, lợi nhuận mảng thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) của Exxon Mobil được dự báo giảm 1,3-1,6 tỉ đô la so với quí 4-2019 do giá dầu xuống thấp. Trong khi đó, lợi nhuận ở mảng lọc dầu của tập đoàn này cũng được dự báo giảm 600-800 triệu đô la so với quí 4 năm ngoái. Giới phân tích nhận định lợi nhuận quí 1 của Exxon Mobil chỉ đạt 23 cent/cổ phiếu, giảm 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do giá dầu thấp, các nhà sản xuất dầu khí ở Mỹ liên tục giảm hoạt động khai thác. Kể từ đầu tuần đến ngày 9-4, các công ty dầu khí ở Mỹ đã dừng hoạt động 58 giàn khoan, đưa tổng số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm về 504, thấp hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích ở ngân hàng đầu tư Raymond James dự báo tổng lượng giàn khoan dầu khí ở Mỹ giảm về con số 400 giữa năm nay và dưới 400 vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ giảm 600.000 thùng vào tuần trước, về mức 12,4 triệu thùng/ngày. EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm thêm gần 2 triệu thùng/ngày vào năm sau.

Exxon là “ông lớn” dầu khí mới nhất quyết định giảm mạnh chi phí đầu tư để giảm gánh nặng ngân sách, chống chọi giá dầu đang sụp đổ.

Hôm 1-4, Tập đoàn dầu khí BP (Anh) ra thông báo cho biết nhằm bảo vệ sức khỏe tài chính trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, BP giảm chi tiêu đầu tư 25% trong trong kế hoạch chi tiêu 15-17 tỉ đô la cho năm nay, trong đó, đầu tư cho các dự án dầu đá phiến ở Mỹ sẽ giảm 1 tỉ đô la. Ngoài ra, BP sẽ hoàn tất chương trình bán tài sản trị giá 15 tỉ đô la vào giữa năm sau.

Bernard Looney, Giám đốc điều hành BP, nói: “Đây có lẽ là môi trường tàn khốc nhất đối với ngành kinh doanh dầu khí trong nhiều thập kỷ. Nhưng tôi tự tin chúng tôi vượt qua nó vì chúng tôi biết phải làm gì và đã làm như vậy trước đây”.

Hôm 24-3, Tập đoàn năng lượng Chervon (Mỹ) cũng thông báo cắt giảm chi phí đầu tư 20%, tương đương 4 tỉ đô la, trong năm nay để củng cố tình hình tài chính. Khoản cắt giảm lớn nhất nằm ở mỏ dầu lớn của công ty này ở vùng bồn chảo Permian. Ngoài ra, Chervon sẽ dừng chương trình mua cổ phiếu quỹ hàng năm trị giá 5 tỉ đô la.
Michael Wirth, Giám đốc điều hành Chervon, nói: “Trước tình hình giá dầu giảm, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp để bảo tồn tiền mặt, củng cố bảng cân đối kế toán, giảm sản lượng khai thác trong ngắn hạn và bảo tồn giá trị dài hạn”.

Trước đó ít ngày, Tập đoàn dầu khí Shell (Anh-Hà Lan) cho biết  dừng chương trình mua cổ phiếu quỹ 25 tỉ đô la và cắt giảm đầu tư 20%, về mức 20 tỉ đô la trong năm nay. Tương tự, Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) cũng quyết định dừng chương trình mua cổ phiếu quỹ trị giá 2 tỉ đô la đồng thời cắt giảm chi tiêu 3 tỉ đô la.

Hôm 9-4, trong cuộc họp từ xa dưới sự chủ trì của Ả rập Saudi và Nga, 23 nước của nhóm OPEC +, bao gồm các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh ngoài OPEC, đã đồng ý sơ bộ về thỏa thuận cắt giảm 10 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Con số này tương đương 10% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày. Tiếp đó, từ tháng 7 đến cuối năm nay, OPEC+ sẽ thu hẹp mức giảm sản lượng về 8 triệu thùng/ngày và con số này sẽ còn 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022.

Theo thỏa thuận, trong hai tháng tới, mỗi nước trong nhóm OPEC+ sẽ cắt giảm 23% sản lượng dầu khai thác hiện nay của họ. Tuy nhiên, các quan chức Mexico chỉ đồng ý cắt giảm 100.000 thùng/ngày, tức thấp hơn mức đòi hỏi 400.000 thùng (23% sản lượng dầu khai khác mỗi ngày của Mexico).

Để cứu vẫn thỏa thuận, hôm 10-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng cắt giảm 250.000 thùng/ngày để bù đắp cho phần thiếu hụt của Mexico.

Trong khi đó, Nga và OPEC muốn các nước sản xuất dầu khác ngoài nhóm OPEC+ bao gồm Mỹ và Canada giảm 5% sản lượng dầu mỗi ngày.

Cho dù thỏa thuận trên đạt được, các nhà phân tích ở Ngân hàng UBS cho rằng nó không đủ để vực dậy giá dầu vì hiện nay, nhu cầu đang suy giảm hơn 20 triệu thùng/ngày. Họ nhận định: “Chúng tôi vẫn dự báo giá dầu Brent sẽ giảm về mức 20 đô la/thùng hoặc thấp hơn vào quí 2-2020”.

Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng  Rystad Energy ước tính trong tháng 4, nguồn cung dầu đang cao hơn nhu cầu 27,4 triệu thùng/ngày. Chốt phiên giao dịch hôm 9-4, giá dầu Brent ở thị trường London giảm 4,1%, về mức 31,48 đô la/thùng. Hôm 10-4, thị trường đóng cửa để đón lễ Phục sinh 12-4.

Theo Wall Street Journal, CBCN, Reuters

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới