Các phố người Hoa trên thế giới vắng tanh vì nỗi sợ Covid-19
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Nỗi sợ dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19), khởi phát từ Trung Quốc và đang lây lan rộng trên toàn cầu, khiến các phố người Hoa ở khắp nơi trên thế giới rơi vào cảnh chợ chiều.
Mỹ cảnh báo đại dịch toàn cầu, phố Wall lao dốc ngày thứ hai liên tiếp
Các công ty xứ kim chi chạy đua ứng phó Covid-19
![]() |
Đường phố vắng lặng ở một phố người Hoa tại Sydney, Úc. Ảnh: Bloomberg |
Nằm cách xa tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm điểm dịch Covid-19, hơn 8.000 km, nhưng đường xá ở Eastwood, một trong những khu phố người Hoa ở ngoại ô TP. Sydney, Úc, vắng ngắt. Để trấn an khách, chủ một hàng ở đây đặt một tấm bảng bên ngoài có dòng chữ: “Nhà hàng đã được khử trùng”.
Theo Lily Zhou, chủ nhà hàng mang phong cách Thượng Hải này, kể từ tháng 1, công việc kinh doanh của nhà hàng giảm đến 70%. Zhou than vãn rằng nếu tình hình ế ẩm này tiếp tục kéo dài, nhà hàng của bà chỉ có thể cầm cự tối đa là trong 3 tháng nữa.
Khi mà nhiều người Úc gốc Hoa vẫn còn bị kẹt ở Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý hoặc hạn chế ra ngoài để tránh lây lan, không chỉ nhà hàng của Zhou và còn nhiều cơ sở kinh doanh khác của Hoa kiều ở Eastwood đều bị thiệt hại.
Thêm vào đó, thái độ kỳ thị của người bản xứ, xuất phát từ nỗi sợ bị lây nhiễm Covid-19 từ những người có gốc gác Trung Quốc, khiến phố người Hoa ở Eastwood càng hoang vắng hơn.
Tình hình nghiêm trọng đến mức hội đồng địa phương ở Eastwood phải lên kế hoạch thành lập quỹ trị giá 500.000 đô la Úc (300.000 đô la Mỹ) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hoa kiều gặp khó khăn.
Khi dịch Covid-19 lan rộng ra khắp thế giới, tác động của nó biểu hiện rõ ở các khu phố người Hoa từ Sydney cho đến New York , từ San Francisco cho đến Toronto (Canada).
Trong khi cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 làm chao đảo các thị trường trên toàn cầu và các nhà kinh tế đang thẩm định các mức tổn thất GDP ở nước họ thì những đường phố vắng tanh và những nhà hàng lẩu ế khách ở các khu phố người Hoa trên khắp thế giới cho thấy những tác động trực diện của nó trong cuộc sống mưu sinh thường ngày của các cộng đồng Hoa kiều.
Tại nhà hàng lẩu và thịt nướng 99 Favor Taste nằm ở khu người Hoa trên phố Grand thuộc Hạ Manhattan, TP. New York, vào những ngày thường, thực khách thường phải đợi ít nhất 30 phút mới có chỗ ngồi, theo Echo Wu, người quản lý nhà hàng này. Nhưng giờ đây, họ có thể ngồi ngay vì rất nhiều bàn còn trống. Wu cho biết lượng khách vào dịp cuối tuần giảm đến 1/3.
Đa số khách của nhà hàng 99 Favor Taste là “người nước ngoài”, tức người bản xứ, chứ không phải người Hoa. Wu tin rằng nỗi sợ hãi vô căn cứ về dịch Covid-19 khiến họ lánh xa nhà hàng của ông. Wu nói có một vị khách thậm chí gọi điện đến hỏi xem có phải nhà hàng nhập khẩu trực tiếp thực phẩm từ Trung Quốc hay không.
“Giờ đây, họ có lẽ có thành kiến với các nhà hàng của người Hoa. Tôi hy vọng mọi người suy nghĩ hợp lý hơn. Rốt cục, chưa có ca nhiễm Covid-19 nào ở khu phố này cả”.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở một khu phố người Hoa tại TP. Toronto, Canada. Người quản lý của nhà hàng điểm tâm Rol San ở khu phố này cho biết doanh thu giảm 30%. Các vỉa hè bên ngoài nhà hàng thường nhộn nhịp người qua lại nhưng nay yên ắng hẳn.
Khi được hỏi liệu có phải mọi người lo sợ lây Covid-19 nên không dám đến đây, người quản lý này xác nhận: “Đúng rồi”.
Các nhân viên tại một siêu thị gần đó cũng cho biết lượng khách mua sắm giảm một nửa trong những tuần gần đây.
![]() |
Một nhà hàng vắng khách ở phố người Hoa tại New York, Mỹ. Ảnh: Getty |
Tại phố người Hoa ở TP. Manchester, Anh, bầu không khí căng thẳng đang bao trùm lên các cơ sở kinh doanh sau khi các du học sinh Trung Quốc, thường chiếm khoảng 40% lượng khách ở đây, không xuất hiện nữa sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, theo Raymond Chan, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh khu phố người Hoa ở Manchester.
“Khách hàng và du khách ngày càng vắng. Họ (các cơ sở kinh doanh người Hoa) thực sự đang tổn thương. Lúc này đây, chúng tôi chưa nghĩ ra bất kỳ giải pháp nào”, ông Chan nói.
Hiệp hội này đang thảo luận về các phương án chẳng hạn như mở một khu chợ hoạt động vào cuối tuần, cho khách nếm thử thức ăn miễn phí và giảm giá bán đồ ăn để đưa khách trở lại.
Cảnh nhộn nhịp vào giờ ăn trưa thông thường ở phố người Hoa tại TP. San Francisco (Mỹ), đã biến mất.
“Thông thường, khách phải xếp hàng bên ngoài cửa hàng chúng tôi”, ông Henry Chen, 56 tuổi, chủ tiệm bánh và cà phê AA Bakery & Cafe ở phố Stockton, San Francisco, nói. Ông cho biết nguyên nhân lượng khách ghé tiệm ông giảm 30% là nỗi sợ Covid-19.
“Người đi lại trên đường phố ít hơn. Các bữa ăn trưa, ăn tối, ăn sáng đều ế khách”, ông Chen nói khi trong tiệm của ông chỉ có hai bàn có khách.
Tại Ý, nhiều cơ sở kinh doanh ở khu người Hoa ở TP. Prato, vùng Tuscany đã phải đóng cửa. Tại TP. Rome, hồi đầu tháng 2, Thị trưởng Virginia Raggi thậm chí đến ăn tại một nhà hàng ở khu Esquilino, hay còn được gọi là “khu phố người Hoa của Rome” để bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng người Hoa khi nhiều người lánh xa khu này do lo ngại bị lây nhiễm Covid-19.
Philp Wu, quản lý nhà hàng lẩu Dolar Shop ở khu người Hoa tại Sydney, đang mong chờ chính phủ Úc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh tạm thời với du khách Trung Quốc được áp đặt hồi đầu tháng 2. Ông nói nếu lệnh cấm này được dỡ bỏ, sẽ có hàng chục ngàn người Trung Quốc quay trở lại Úc. Doanh số của nhà hàng ông đã giảm đến 60% sau lệnh cấm này, buộc ông phải yêu cầu 100 nhân viên giảm ngày làm việc xuống còn 4 ngày mỗi tuần.
Theo Bloomberg