Các quốc đảo Thái Bình Dương dễ tổn thương vì nợ Trung Quốc
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Trong những năm gần đây, Trung Quốc cho nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương vay nợ ở các mức khá lớn so với quy mô nền kinh tế nhỏ bé của họ. Hậu quả là một số quốc đảo ở khu vực này đang đối mặt với tình trạng căng thẳng tài chính.
Akilisi Pōhiva, thủ tướng Vương quốc Tonga muốn các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cùng đề xuất Trung Quốc xóa nợ. Ảnh: Colombo Gazette |
Quốc đảo Tonga lo Trung Quốc tịch thu tài sản
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 16-8, Akilisi Pōhiva, thủ tướng Vương quốc Tonga, một quốc đảo nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương với dân số chỉ hơn 100.000 người, cho biết các quốc đảo Thái Bình Dương đang thảo luận về khả năng cùng đề nghị Trung Quốc xóa các món nợ đang ngày càng tăng lên trong khu vực.
Ông Pōhiva, người lên nắm quyền vào cuối năm 2014, khi khoản tiền Trung Quốc cho Tonga vay đã tích lũy đến 115 triệu đô la Mỹ, cho rằng các nước ở khu vực Nam Thái Bình Dương cần hợp tác để đàm phán với Trung Quốc.
“Đó không còn là một vấn đề của từng nước riêng lẻ vì có rất nhiều quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đã vay tiền từ Trung Quốc và giờ đây, chúng tôi đang gặp các rắc rối với các khoản vay này. Phương án cần lúc này là cùng nhau hợp để tìm ra lối thoát”, Pōhiva nói.
Các lãnh đạo trong khu vực đang chuẩn bị dự Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương vào đầu tháng 9 ở quốc đảo Nauru. Thủ tướng Pōhiva cho biết tại diễn đàn, họ sẽ thúc đẩy kế hoạch yêu cầu Trung Quốc xóa nợ. Trung Quốc, với tư cách là đối tác đối thoại của diễn đàn này, đã gửi đặc sứ tham gia diễn đàn kể từ năm 2007. Tonga, một trong tám quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đang gánh một khoản vay khá lớn từ Trung Quốc nếu so với nền kinh tế nhỏ bé của quốc đảo này. Tonga đến hạn trả nợ cho Trung Quốc bắt đầu từ tháng tới. Sau các cuộc bạo loạn đẫm máu vào năm 2006, khiến phần lớn thủ đô Nukualofa của Tonga bị tàn phá, Tonga đã tìm đến Trung Quốc vay tiền để tái thiết cơ sở hạ tầng.
Giờ đây, chính phủ Tonga đang lo Trung Quốc sẽ tịch thu tài sản để cấn trừ nợ nếu nước này không thể trả nợ cho Trung Quốc, tương tự như những gì đã xảy ra ở Sri Lanka, khi chính phủ nước này chấp nhận cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong thời gian 99 năm để cấn trừ khoản nợ mà Sri Lanka đã vay để xây dựng cảng này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Thủ tướng Tonga Akilisi Pōhiva nói: “Nếu chuyện đó đã xảy ra ở Sri Lanka, nó cũng có thể xảy ra ở Thái Bình Dương, vậy nên, đó hoàn toàn là một phương án để Trung Quốc cân nhắc”, Pōhiva nói nhưng không biết tài sản chiến lược nào có nguy cơ bị Trung Quốc tịch biên để cấn trừ nợ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đã tạo ra các khoản nợ không bền vững ở Tonga và Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Tonga.
Trụ sở tòa án trên đảo Rarotonga thuộc Quần đảo Cook được xây dựng nhờ vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Ảnh: Cook Islands Law Society |
Trung Quốc rải tiền cho vay ở Thái Bình Dương
Một phân tích tình hình tài chính của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương do hãng tin Reuters thực hiện gần đây cho thấy, trong vòng một thập kỷ, các chương trình cho vay của Trung Quốc ở khu vực này đi từ mức gần như zero lên con số hơn 1,3 tỉ đô la.
Ban đầu, Tonga vay Trung Quốc 65 triệu đô la nhưng dần dần này đã tăng lên 115 triệu đô la vì chi phí lãi suất cùng với khoản vay thứ hai từ Trung Quốc để phát triển đường xá. Con số này gần 1/3 GDP hàng năng của Tonga.
Giờ đây, các khoản vay Trung Quốc đang chiếm hơn 60% tổng nợ nước ngoài của Tonga và chiếm gần 50% tổng nợ nước ngoài của Vanuatu. Nếu xét về giá trị, Papua New Guinea là nước vay nợ Trung Quốc lớn nhất: gần 590 triệu đô la, tương đương 1/3 tổng nợ nước ngoài của nước này.
Trung Quốc đã từng từ chối xóa nợ cho Tonga vào năm 2013 nhưng cho phép Tonga hưởng thời gian ân hạn trả nợ gốc thêm 5 năm.
Tonga sẽ trả nợ gốc định kỳ cho Trung Quốc khoảng 5,7 triệu đô la trong niên hạn 2018-2019, tương đương 4% ngân sách hàng năm của nước này. Các khó khăn tài chính đã khiến chính phủ Tonga hủy bỏ đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương 2019.
Michel Kerf, giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Thái Bình Dương, nói rằng nhiều quốc đảo Nam Thái Bình Dương đối mặt với rủi ro căng thẳng tài chính vì nợ nước ngoài do nguồn thu của họ rất hạn chế.
Gánh nợ ở mức tương đối cao ở các nền kinh tế nhỏ của Nam Thái Bình Dương đã làm dấy lên nỗi lo khu vực Nam Thái Bình có nguy cơ rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính và trở nên dễ tổn thương trước sức ép ngoại giao của Bắc Kinh.
Dù không có sức mạnh kinh tế, mỗi quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đều có một phiếu tại các diễn đàn quốc tế chẳng hạn Liên Hợp Quốc. Họ cũng kiểm soát các khu vực đại dương rộng lớn giàu tài nguyên và việc tiếp cận khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược quân sự.
Hồi tháng 4, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc muốn xây dựng một căn cứ quân sự ở quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương sau khi cho nước này vay để xây dựng một bến cảng đủ lớn để tiếp nhận các tàu chiến. Cả Trung Quốc lẫn Vanuatu đều bác bỏ các bản tin này.
Song một số nhà phân tích cho rằng mức tín dụng mà Bắc Kinh dành cho các nước nghèo ở Thái Bình Dương với khả năng trả nợ hạn chế đã tạo ra một hình thức “chủ nghĩa thuộc địa nợ” và tạo ra cái cớ để Trung Quốc thúc đẩy các mục tiêu chiến lược rộng lớn trong khu vực, bao gồm xây dựng các căn cứ quân sự cho phép Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự sâu vào Nam Thái Bình Dương.
Úc và New Zealand lo ngại
Úc và New Zealand, vốn là các cường quốc có tầm ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, cũng bày tỏ lo ngại về sức chi phối ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương của Úc, Fierravanti-Wells nói rằng, Úc và New Zealand lo ngại về tác động của các khối nợ quá lớn đối với các nền kinh tế nhỏ và dễ bị tổn thương ở Nam Thái Bình Dương.
Fierravanti-Wells nói rằng vấn đề nợ của Tonga nhanh chóng gây ra làn sóng lo lắng khắp Thái Bình Dương vì khi Tonga dành ngân sách để trả nợ cho Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc ngân sách dành cho giáo dục và y tế sẽ bị cắt giảm.
Hồi đầu năm nay, bà Fierravanti-Wells chỉ trích Trung Quốc tài trợ vốn vay cho các công trình vô ích ở Thái Bình Dương, khiến Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao phản đối và gọi phát biểu của bà Wells là “kém hiểu biết và định kiến”.
Phần lớn những chỉ trích nhằm vào các khoản cho vay của Trung Quốc ở Thái Bình Dương tập trung vào các dự án kém chất lượng được xây dựng bằng vốn vay từ Trung Quốc và các điều kiện kèm theo các khoản vay.
Tại quần đảo Cook, một số dự án xây dựng các công sở gồm một tòa án và một trụ sở cảnh sát sử dụng vốn vay của Trung Quốc có chất lượng kém. Ngoài ra, quần đảo này còn vay của Trung Quốc để xây dựng sân vận động với điều kiện phải sử dụng vật liệu và nhân công từ Trung Quốc.
“Rất nhiều trụ sở chất lượng quá kém đến nỗi chúng bắt đầu sụp đổ”, Mark Short, cựu Bộ trưởng Tư pháp Quần đảo Cook, nói. Ông cho biết sân vận động được nhà thầu Trung Quốc xây dựng cách đây chưa đến một thập kỷ cũng đang xuống cấp và không an toàn. Nhà chức trách phải xây thêm phòng giam dã chiến bên ngoài một tòa án mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Cook vì các phòng tạm giam ở tầng hầm của trụ sở tòa án sẽ cạn kiệt oxy chỉ trong vòng hai tiếng sau khi các bị cáo được đưa vào đây.
Phó Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown ghi nhận có các vấn đề trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng và tay nghề của công nhân tham gia xây dựng các trụ sở chính quyền này. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc cam kết cung cấp cho Quần đảo Cook 7 triệu đô la để sửa chữa các trụ sở kém chất lượng mà Trung Quốc đã xây dựng cho quốc đảo này.