Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các sân bay tốt nhất thế giới năm 2008

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các sân bay tốt nhất thế giới năm 2008

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải

(TBKTSG)- Trong “Top 10” sân bay quốc tế tốt nhất thế giới năm 2008, theo điều tra của Công ty Nghiên cứu vận tải hàng không Skytrax (trụ sở chính tại London), có 5 sân bay châu Á, 4 vị trí hàng đầu cũng thuộc về các sân bay châu Á. Nhưng không bao lâu nữa, vinh dự này sẽ thuộc về các sân bay ở vùng Vịnh.

Những sân bay tốt nhất

Không chỉ xanh, sạch, yên tĩnh, thân thiện với môi trường, có hồ bơi và nhiều điểm truy cập wi-fi miễn phí… cảng hàng không quốc tế Changi ở Singapore nay lại có thêm… bươm bướm. Từ cuối tháng 8-2008, Nhà ga số 3 (Terminal 3) mới bắt đầu hoạt động hồi đầu năm nay đã có thêm Vườn Bướm rộng 330 mét vuông và hơn 1.000 con bướm thuộc 47 chủng loại tự do bay lượn mà không sợ khói thuốc lá. Mái vòm bằng kính trong suốt là rào cản duy nhất không cho chúng bay thoát ra ngoài. Nhưng đàn bướm này xuất hiện tương đối trễ nên không thể góp phần giúp Changi vươn lên đầu danh sách Skytrax “Những sân bay xuất sắc nhất thế giới năm 2008”.

Năm nay vị trí này lại thuộc về sân bay quốc tế Hồng Kông trên đảo nhân tạo Chek Lap Kok (HKIA). Đây là lần thứ 7 trong 10 năm gần đây, HKIA (khánh thành hồi giữa năm 1998) được Skytrax xếp vị trí số một. Ngoài ra HKIA còn được chọn là sân bay quốc tế quá cảnh tốt nhất (hạng nhì là Munich và hạng ba là Changi).

Sân bay Changi – nay có tổng cộng 4 nhà ga –  lại vinh dự được chọn là sân bay tốt nhất về khoản mua hàng miễn thuế, dịch vụ thư giãn (hạng 2 là sân bay Schiphol-Amsterdam Hà Lan; hạng 3 là Incheon, Hàn Quốc) và ăn uống ngon nhất (xếp hạng nhì và hạng ba là các sân bay Dubai và Hồng Kông).

Sân bay quốc tế Incheon, gần thủ đô Hàn Quốc Seoul được vinh danh ở các hạng mục xử lý an ninh tốt nhất (hạng nhì là Hồng Kông; hạng ba là Brisbane, Úc) và phòng vệ sinh sạch sẽ nhất (hạng nhì là Haneda-Tokyo; hạng ba là Hồng Kông).

Và sân bay quốc tế Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, giành được các giải hạng nhất về xử lý xuất nhập cảnh và hạng ba về sự thân thiện của nhân viên sân bay.

Đáng tiếc, sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok không được xếp hạng cao dù còn rất mới do đi vào hoạt động từ tháng 8-2006. Và đáng buồn, sân bay Tân Sơn Nhất với Nhà ga hành khách quốc tế mới hoạt động được trọn một năm (tính đến đầu tháng 9-2008) hoàn toàn vắng mặt. Sân bay quốc tế Nội Bài chật chội và bị dột, càng khó được chấm điểm cao.

Kết quả một cuộc thăm dò nhận xét của hành khách về chất lượng 34 dịch vụ ở sân bay, từ khâu làm thủ tục check-in đến khâu lên máy bay và cất cánh, tiến hành bởi Hội đồng quốc tế các sân bay (Airports Council International – ACI), trong năm 2007 cũng cho thấy đẳng cấp của các sân bay châu Á. Trong ba năm liền, 5 vị trí đứng đầu danh sách khảo sát chất lượng dịch vụ sân bay (Airport Service Quality Survey) đều thuộc về các sân bay Incheon, Kuala Lumpur, Changi, Hồng Kông và sân bay miền Trung ở Nagoya, Nhật.

Lớn hơn, tiện dụng hơn, thân thiện hơn

ACI dự kiến đến năm 2020 sẽ có 7 tỉ hành khách sử dụng các sân bay khắp thế giới, tức nhiều hơn 1 tỉ người so với khả năng xử lý của mọi sân bay hiện có lẫn những sân bay đang được xây dựng. Riêng ở Trung Quốc sẽ mọc lên 48 cảng hàng không mới. Tổ chức này cũng dự báo vào năm 2025 số chuyến bay sẽ tăng gấp ba lần, nhiều nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngay bây giờ, có không ít những siêu đô thị có tới ba, bốn cảng hàng không mà tình trạng quá tải, tắc nghẽn vẫn thường xảy ra.

Skytrax: 10 sân bay xuất sắc nhất thế giới năm 2008 

1.  Hồng Kông 

2.  Singapore Changi 

3.  Seoul Incheon 

4.  Kuala Lumpur 

5.  Munich, Đức 

6.  Kansai, Nhật 

7.  Copenhagen, Đan Mạch 

8.  Zurich, Thụy Sỹ 

9.  Helsinki, Phần Lan

10. Cape Town, Nam Phi

Quanh khu vực London là các sân bay Heathrow (hơn 67 triệu hành khách năm 2006); Gatwick (34,1 triệu hành khách); Luton (dành cho các hãng vé rẻ, 9,4 triệu hành khách); Stansted (dành cho các hãng vé rẻ, 23 triệu hành khách) và London City Airport (2,3 triệu hành khách).

Milan, một thành phố 15 triệu dân của Italia, cũng có ba sân bay gồm Linate (31 triệu hành khách năm 2006); Malpensa (21,7 triệu hành khách) và Oria al Serio (dành cho các hãng vé rẻ, 34 triệu hành khách).

Paris ngoài cụm cảng Charles-de-Gaulle I và Charles-de-Gaulle 2 còn có các sân bay Orly và Le Bourget.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, Tokyo hiện là nơi cực kỳ náo nhiệt về số lượng chuyến bay và hành khách do có hai sân bay lớn là Haneda (65,2 triệu hành khách năm 2006) và Narita (31,8 triệu hành khách).

Ngày nay khi thiết kế sân bay quốc tế các kiến trúc sư có rất nhiều điều phải nghĩ đến: tính hiệu quả cho những khách hàng chính là các hãng hàng không; tiện ích cho hành khách; sự thân thiện với con người và môi trường; sự an toàn phòng chống tai nạn; mức độ an ninh trước nguy cơ bị khủng bố cũng như phòng chống các tai ương chẳng hạn như mưa bão lớn, động đất. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các kiến trúc sư trổ tài.

Phát biểu trong một hội nghị chuyên ngành sân bay quốc tế, ông Sinclair Thompson, Tổng giám đốc hãng Swiss International Airlines tại Thái Lan cảnh báo giới chức Thái Lan rằng nếu không sớm mở rộng sân bay Suvarnabhumi thì cảng này sẽ mất thế thượng phong ở Đông Nam Á vì “Dubai; Abu Dhabi; Bahrain và Doha đều đang phát triển thêm những nhà ga phức hợp nên trong tương lai không xa các hãng hàng không có thể từ châu Á bay thẳng đến Trung Đông mà không cần ghé qua Suvarnabhumi như hiện nay. Ngoài ra nước láng giềng Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng một cảng hàng không quốc tế có khả năng xử lý 100 triệu hành khách/năm tại Long Thành”.

Theo thiết kế tổng thể thì sân bay quốc tế Long Thành, có diện tích 50 ki lô mét vuông tại Đồng Nai, sẽ có bốn đường băng dài 4.000 mét, rộng 60 mét, tức thừa khả năng đón nhận máy bay khổng lồ Airbus A380; 5 nhà ga hành khách và nhà ga phụ trợ (concourse); 1 nhà ga hàng hóa. Khi hoàn tất, khoảng năm 2015-2020, sân bay Long Thành có khả năng đón nhận từ 80-100 triệu hành khách/năm, biến Long Thành thành một trục hàng không quan trọng, điểm xuất phát những chuyến bay thẳng từ châu Á đi đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ. Hy vọng đến ngày đó Việt Nam sẽ có tên trong danh sách những sân bay tốt nhất thế giới chăng?

P.N.DŨNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới