Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các start-up giúp người kẹt tiền vẫn có thể mua nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các start-up giúp người kẹt tiền vẫn có thể mua nhà

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Nhiều người Mỹ có thu nhập và điểm tín dụng tốt, đủ điều kiện để vay thế chấp mua nhà nhưng không có đủ tiền để đóng khoản tiền góp ban đầu. Để giúp họ giải quyết khó khăn tài chính này, nhiều công ty khởi nghiệp đưa ý tưởng độc đáo: hỗ trợ họ đóng khoản tiền góp ban đầu với điều kiện họ phải chia sẻ một phần lợi nhuận sau khi bán nhà. Nếu giá bán bị lỗ so với giá mua, các start-up sẽ san sẻ phần lỗ này.

Các start-up giúp người kẹt tiền vẫn có thể mua nhà
Thomas Sponholtz (trái) và Jim Riccitelli, đồng giám đốc điều hành của Unison. Ảnh: San Francisco Chronicle

Mua nhà bằng hợp đồng chia sẻ cổ phần

Theo tờ The Wall Street Journal, nhiều start-up có nguồn vốn dồi dào ở Mỹ đang tìm cách mới để hưởng lợi từ giá nhà đất đang tăng. Đó là hợp tác với người có ý định mua nhà nhưng đang kẹt tiền để cùng sở hữu căn nhà mà họ sẽ mua thông qua các thỏa thuận đồng sở hữu, hay còn gọi là hợp đồng chia sẻ cổ phần.

Người mua nhà sẽ nhận các khoản tiền từ các start-up này để trả khoản tiền góp ban đầu khi mua nhà vay thế chấp, đổi lại, họ cam kết chia sẻ phần lãi trong tương lai khi trị giá căn nhà tăng lên.

Các ngân hàng cho vay thế chấp yêu cầu khách phải mua bảo hiểm vay thế chấp (PMI) nếu khoản tiền góp ban đầu nhỏ hơn 20% giá trị thế chấp của căn nhà. Các start-up tiếp thị các sản phẩm chia sẻ cổ phần như là cách lựa chọn tối ưu hơn để giúp khách mua nhà tránh phải mua PMI đắt đỏ.

Công ty khởi nghiệp Unison Agreement Corp ở San Francisco, bang California, là một trong những start-up đang cung cấp sản phẩm chia sẻ cổ phần như vậy. Điều kiện để tham gia hợp đồng với Unison là khách phải cam kết chia sẻ 35% lợi nhuận thu được sau khi bán căn nhà, nhưng nếu giá bán bị lỗ, Unison sẽ chia sẻ 35% khoản lỗ. Unison cho biết năm 2017, công ty đã thực hiện được 600 hợp đồng chia sẻ cổ phần với người mua nhà.

Tiến sĩ Michael Nizhnikov, 46 tuổi, đã được Unison trả 50% khoản tiền góp ban đầu để mua một căn nhà theo hình thức vay thế chấp khi ông chuyển đến giảng dạy ở khoa tâm lý của Đại học Nam Connecticut. Ông cho biết ban đầu, ý tưởng để nhà đầu tư khác cùng đồng sở hữu căn nhà mà ông mua khiến ông có đôi chút lo ngại. Tuy nhiên, có một điều khoản trong hợp đồng với Unison đã thuyết phục ông, đó là nếu giá trị căn nhà bị giảm trong tương lai, Unison sẽ san sẻ phần lỗ này. Ngoài ra, phần góp của Unison là dạng cổ phần, chứ không phải khoản vay, nên Nizhnikov cũng không phải trả các khoản cố định hay lãi hàng tháng cho hãng này.

Các hợp đồng mà Unison có thời hạn từ vài năm đến 30 năm. Người mua có thể bán nhà để kết toán hợp đồng với Unison khi đến hạn hoặc có thể mua lại khoản đầu tư của Unison. Nhưng nếu khách hàng mua lại phần đầu tư này,  Unison sẽ không san sẻ khoản lỗ của giá trị căn nhà.

Chủ nhà cũng có thể trả sớm cho Unison bao gồm bán nhà trước khi hợp đồng đến hạn. Phần trả cho Unison tùy thuộc vào giá trị căn nhà biến động ra sao.

Chẳng hạn, một khách hàng muốn mua một căn nhà giá 500.000 đô la Mỹ nhưng chỉ có 50.000 đô la, trong khi, phía ngân hàng chỉ cho vay thế chấp mua nhà với điều kiện khách phải trả khoản góp ban đầu tương đương 20% giá trị căn nhà, tức 100.000 đô la.

Unison cung cấp cho khách hàng này 50.000 đô la thông qua hợp đồng chia sẻ cổ phần có thời hạn 10 năm để khách hàng có đủ tiền trả khoản góp ban đầu. Nếu đến hạn hợp đồng, căn nhà được bán với giá 600.000 đô la, khách phải trả lại số tiền mà Unison đã góp là 50.000 đô la, cộng với 35% tiền lãi, tức thêm 35.000 đô la nữa. Nếu căn nhà được bán với 400.000 đô Mỹ, tức lỗ 100.000 đô la so với giá mua, Unison sẽ san sẻ 35% khoản lỗ này, tức 35.000 đô la. Do vậy, khách chỉ phải trả lại cho Unison 15.000 đô la thay vì trả lại 50.000 đô la.

Ngoài Unison, các start-up như Landed Inc.,  Patch Homes Inc. và Point Digital Finance ở bang California cũng đang cung cấp các gói sản phẩm hợp tác mua nhà tương tự.

Công ty Landed cung cấp các hợp đồng chia sẻ cổ phần cho các giáo viên mua nhà. Mức lợi suất đầu tư và chia sẻ phần lỗ của Landed đưa ra là 25% sau khi căn nhà được bán. Năm ngoái, quỹ từ thiện Sáng kiến Chan Zuckerberg của vợ chồng Priscilla Chan và Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập Facebook, đã góp vốn 5 triệu đô la Mỹ vào Landed.

Giáo viên môn sinh học Sara Shayesteh cùng chồng đã ký kết một hợp đồng chia sẻ cổ phần với Landed để có chi phí trang trải 50% khoản góp ban đầu khi vay thế chấp mua một căn nhà ở thành phố San Mateo, bang California. Họ đi đến quyết định này sau khi lùng mua nhà nhưng thất bại vì các khách hàng khác sẵn sàng đóng phần góp ban đầu cao hơn họ. Hợp đồng của họ với Landed có thời hạn 10 năm nhưng vẫn có thể kết toán sớm hợp đồng sau một năm.

Cam kết cho thuê phòng để được hỗ trợ tiền mua nhà

Yifan Zhang, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Loftium. Ảnh: New York Times

Loftium, một start-up có trụ sở ở thành phố Seattle, bang Washington, cung cấp hình thức hợp tác mua nhà cũng không kém phần độc đáo: san sẻ với khách hàng lên đến 50.000 đô la Mỹ để nộp khoản góp ban đầu với điều kiện khách cam kết cho thuê một phòng trong căn nhà trên nền tảng dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb từ 1-3 năm. Loftium hưởng 2/3 lợi nhuận từ số tiền cho thuê, chủ nhà hưởng 1/3 còn lại. Nếu căn phòng không được đặt thuê đủ số ngày để bù đắp khoản tiền mà Loftium đã góp, công ty này sẽ chịu lỗ, chứ không phải chủ nhà.

“Chúng tôi cố gắng hạn chế rủi ro cho chủ nhà thấp nhất đến mức có thể”, Yifan Zhang, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Loftium, nói.

Năm ngoái, vợ chồng anh Erik de los Reyes và chị Rafaela de los Reyes cân nhắc nộp đơn xin vay thế chấp từ Cục Nhà đất liên bang để mua một căn nhà ở Seattle nhưng lại không đủ tiền để đóng khoản góp ban đầu. Họ đã tìm đến Loftium và được cấp 28.000 đô la Mỹ sau khi ký hợp đồng hợp tác mua nhà với công ty này với cam kết cho thuê một căn phòng trong nhà trong vòng ba năm.

“Nếu bạn không có khoản tiền góp ban đầu, đây là cách tuyệt vời để mua nhà vay thế chấp”, Rafaela de los Reyes, tiếp viên hàng không 29 tuổi, nói. Cô và chồng chưa từng đón những vị khách thuê phòng từ Airbnb nên có chút e sợ. Tuy nhiên, sau khi cho thuê phòng, cảm giác này không còn nữa, họ hiếm khi thấy mặt các vị khách vì những người này đi ra ngoài cả ngày.

Loftium đảm nhận việc ký kết các hợp đồng đặt phòng và liên lạc với khách thuê phòng, vợ chồng Erik và Rafaela chịu trách nhiệm lau dọn phòng cho thuê.

Kể từ khi họ dọn vào sống nhà mới, căn phòng cho thuê của họ gần như luôn có người đặt thuê. Họ dự định sau khi kết thúc hợp đồng với Loftium, họ sẽ tiếp tục cho thuê phòng trên nền tảng của Airbnb.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới