Thứ Năm, 8/06/2023, 02:06
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Các start-up thổi làn gió mới vào ngành nông nghiệp Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các start-up thổi làn gió mới vào ngành nông nghiệp Ấn Độ

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Các công ty khởi nghiệp (start-up) ở Ấn Độ đang mang lại làn gió mới cho ngành nông nghiệp nước này bằng cách cung cấp những giải pháp giúp nông dân tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập, theo Economic Times.

Các start-up thổi làn gió mới vào ngành nông nghiệp Ấn Độ
Công ty Cropin sử dụng phần mềm để quản lý hoạt sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Cropin Smartfarm

Có gần 50% dân số Ấn Độ làm việc trong ngành nông nghiệp nhưng lĩnh vực này chỉ đóng góp chưa đến 20% GDP Ấn Độ. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của ngành nông nghiệp ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới rất kém.

Nông dân có lẽ là cộng đồng bị phớt lờ nhiều nhất tại Ấn Độ. Hầu hết họ không được học hành đầy đủ và thường bị ép bán các loại nông sản cho thương lái với giá rẻ mạt. Nông dân không đủ kiến thức công nghệ để quản lý tốt hơn nông sản của họ hoặc để dự báo vụ mùa. Hàng năm, khoảng 12.000 nông dân Ấn Độ tự tử chủ yếu do nợ nần, mùa màng thất bát hoặc nông sản bán không được giá.

Nợ nần chồng chất, nông sản rớt giá mà không được chính phủ hỗ trợ cũng dẫn đến nhiều cuộc biểu tình của nông dân. Họ vứt nông sản như cà chua, khoai tây ra đường để gây sự chú ý của nhà chức trách. Gần đây nhất vào 3-2018, hàng chục ngàn nông dân đã biểu tình khắp bang Maharashtra, yêu cầu chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân.

Đa số các start-up ở Ấn Độ, đặc biệt là những công ty thu hút được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn, đều tập trung vào các nhu cầu ở đô thị. Những người sáng lập các start-up đều có gốc gác từ đô thị. Họ chăm sóc nhu cầu của người dân đô thị và sao chép các giải pháp cho các vấn đề của đô thị mà các start-up ở phương Tây đang theo đuổi.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ngành nông nghiệp Ấn Độ đang đón nhận làn gió mới nhờ những start-up hỗ trợ nông dân giải quyết các vấn đề nông nghiệp, chẳng hạn cập nhật tình hình mùa màng theo thời gian thực, dự báo sản lượng, cho thuê nông cụ giá rẻ.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Venture Intelligence, có 41 thương vụ đầu tư trị giá 96 triệu đô la Mỹ trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp trong giai đoạn 2014 đến nay tại Ấn Độ. Năm 2014, chỉ có 6 triệu đô la đầu tư vào lĩnh vực này nhưng trong năm 2017, con số đó đã lên 34 triệu đô và từ đầu năm đến nay, con số đầu tư đã đạt 25 triệu đô.

Quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng phần mềm

Cropin, một start-up ở thành phố Bangalore, là công ty cung cấp phần mềm giúp quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp hiệu quả, minh bạch hơn. Phần mềm của Cropin sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu thu thập trực tiếp từ các cánh đồng cũng như phân tích hình ảnh vệ tinh của các cánh đồng được cập nhật 10 ngày mỗi lần. Các hình ảnh vệ tinh được sử dụng để dự báo sản lượng của một cánh đồng hoặc xác định liệu một cánh đồng đã được tưới đủ nước hay chưa, đã được cung cấp thuốc trừ sâu và phân bón hay chưa hoặc giúp phát hiện một khu vực nào đó của cánh đồng gặp vấn đề và gửi tin nhắn cảnh báo qua điện thoại di động cho nông dân để họ đưa ra biện pháp xử lý ngay lập tức.

Cho đến nay, Cropin đã “số hóa” hơn 1,4 triệu hécta diện tích canh tác nông nghiệp và đã làm việc với 3.500 vụ mùa. Nền tảng phần mềm của Cropin giúp người dùng (nông dân) lên kế hoạch cho các vụ mua tốt hơn cũng như giúp đưa ra các quyết định gieo trồng, sử dụng thuốc trừ sâu, thu hoạch theo cách thông minh hơn. Cropin được thành lập vào năm 2012 bởi Krishna Kumar, cựu nhóm trưởng dự án ở Chương trình lãnh đạo quản lý thông tin của tập đoàn General Electric (Mỹ).

Hồi năm ngoái, Cropin huy động được 4 triệu đô la Mỹ từ một nhóm nhà đầu tư. Dù con số này tương đối nhỏ cho với tiêu chuẩn của các start-up đình đám phục vụ nhu cầu người dân đô thị nhưng nó đánh dấu một cú bứt phá nếu so sánh với các thương vụ còm cõi trong ngành nông nghiệp bấy lâu nay.

Các start-up công nghệ nông nghiệp đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, họ đang bước vào một thị trường nơi mà ứng dụng công nghệ còn hạn chế (do ngân sách yếu và nông dân không sành công nghệ). Thứ hai, các phương pháp bán dịch vụ của họ sẽ khác so với các start-up phục vụ nhu cầu đô thị

“Trong quá trình nghiên cứu cơ hội thị trường, chúng tôi nhận thấy rằng các công ty nông nghiệp chỉ có nguồn tài nguyên số và công nghệ ở mức tối thiểu và lạc hậu, do vậy, họ không thể đưa ra các quyết định tư vấn dựa trên các dữ liệu”, Kumar, người sáng lập của Cropin nói.

Từ chỗ gom góp được 10.000 đô la Mỹ để khởi nghiệp trong vòng một năm sau khi nghỉ việc ở GE, Kumar giờ đây có những kế hoạch đầy tham vọng cho Cropin. Kumar nói: “Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ 20 triệu nông dân vào năm 2022. Trong vòng 2-3 năm tới, chúng tôi hy vọng đạt mực tăng trưởng gấp 10 lần hiện nay và trở thành một công ty công nghệ nông nghiệp toàn cầu”.

Cho thuê nông cụ thông qua ứng dụng

Ông Rohtash Mal và con trai Adwitya Mal, đồng sáng lập start-up EM3. Ảnh: Economic Times

Devendra Gupta, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành start-up Ecozen, chuyên cung cấp hệ thống bơm nước tưới và kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho nông dân, cho biết: “Thay vì bán thẳng cho nông dân, chúng tôi phát hiện rằng cho thuê nông cụ là cách khả thi nhất để mở rộng kinh doanh”.

Ecozen có thể cho thuê nông cụ theo mùa vụ và có thể xoay vòng chúng qua nhiều nông trại, cánh đồng ở nhiều bang. Mô hình kinh doanh này cũng có những lợi ích vì cho nông dân thuê nông cụ mang lại cho họ cơ hội thử dùng sản phẩm và kết quả là có đến 70% người thuê nông cụ của Ecozen sau đó đã mua chúng. Ecozen hoạt động chủ yếu bang Chhattisgarh và đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh sang các bang lân cận trong hai năm tới.

Trong khi đó, start-up EM3 do ông Rohtash Mal và con trai Adwitya Mal thành lập, đã dành hai năm qua để phát triển chuỗi trung tâm cung cấp các dịch vụ nông nghiệp như cày đất, gieo trồng, chăm sóc mùa màng và thu hoạch thông qua một ứng dụng di động. EM3 chuyên cho thuê các nông cụ dựa trên phí tính đến số lần sử dụng. “Thực chất, chúng tôi giống như ứng dụng Uber của nông cụ. Nông cụ của chúng tôi có thể đảm nhận cùng công việc với giá rẻ hơn 60% so với thuê lao động tay chân,”  Rohtash nói.

Ông Arvind Kourav, sở hữu 2,8 hecta canh tác lúa mì, lúa gạo. Ông đã thuê máy gặt đập liên hợp vận hành tự động của EM3 để thu hoạch 0,5 hecta lúa mì. Công việc diễn ra chỉ trong vòng một tiếng và ông chỉ phải tốn tiền thuê 1.500 rupee (500.000 đồng). Trong khi đó, nếu thuê người gặt, ông sẽ phải tốn đến 4.000 rupee (1,4 triệu đồng) và phải mất 8 ngày mới thu hoạch xong.

Năm ngoái, trong vòng gọi vốn lần hai, EM3 đã huy động được 10 triệu đô la. Hiện nay, EM3 đang điều hành 31 trung tâm dịch vụ ở bang Madhya Pradesh và 27 trung tâm khác ở bang Rajasthan. EM3 đang lên kế hoạch nâng số trung tâm dịch vụ ở Rajasthan lên con số 1.200 trong vòng 3-4 năm tới.

Nghĩ khác, làm khác

Devendra Gupta (giữa) và hai thành viên đồng sáng lập Ecozen. Ảnh: Economic Times

Thoát khỏi lối tư duy truyền thống là điều cần thiết cho sự sống còn của start-up trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Ranjith Mukundan, người đồng sáng lập start-up Stellapps, nhà cung cấp các giải pháp internet vạn vật để giúp truy xuất nguồn gốc sữa và cải thiện năng suất của bò sữa cho biết: “Không giống như các start-up phục vụ nhu cầu đô thi thường bắt chước mô hình kinh doanh từ các start-up phương Tây, các start-up công nghệ nông nghiệp phải có tư duy giải quyết vấn đề ngay từ gốc”.

Dev Bajaj, một cựu lãnh đạo ở quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Paine Schwartz (Mỹ) chuyên đầu tư vào thực phẩm, công nghệ và nông nghiệp, nói: “Công nghệ nông nghiệp là một cuộc chơi hoàn toàn khác với các mô hình kinh doanh tập trung vào đô thị thường gây chú ý trên mặt báo”.

Năm 2012, Bajaj chuyển sang con đường khởi nghiệp khi thành lập start-up có tên gọi Mitra, một công ty sản xuất máy móc nông nghiệp thông minh tập trung vào dịch vụ bán và cho thuê nông cụ bằng cách sử dụng công nghệ để thực hiện các giao dịch.

“Các start-up công nghệ nông nghiệp thường chỉ huy động vốn được vài triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn đầu tiên nếu họ may mắn, trong khi đó, các start-up phục vụ nhu cầu đô thị có thể gọi được khoản đầu tư 10 triệu đô la”, Bajaj nói.

Sáu năm sau khi khởi nghiệp, Mitra, vừa được nhà sản xuất máy kéo lớn nhất thế giới Mahindra Group rót gần 1,4 triệu đô la Mỹ để nắm giữ 26% cổ phần. Mitra đang hoạt động ở bốn bang và đang lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện ra khắp toàn quốc.

Ông Bajaj  khuyên các start-up trong lĩnh vực nông nghiệp cần tránh bắt chước mô hình hoạt động của start-up phục vụ nhu cầu đô thị.

“Nếu là một start-up công nghệ nông nghiệp và bán cổ phần dưới giá vốn giống như các start-up đô thị, bạn sẽ gặp vấn đề vì bạn không có khả năng tiếp cận nguồn vốn lớn như họ và bạn sẽ nhanh chóng cạn sạch tiền”,  Bajaj cảnh báo.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới