Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các tập đoàn bán lẻ Mỹ xoay xở xử lý “núi” hàng tồn kho

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các tập đoàn bán lẻ lớn nhất Mỹ đã chạy đua bổ sung hàng tồn kho kể từ đầu đại dịch Covid-19 để đối phó với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng kéo dài. Nhưng giờ đây họ đang đau đầu xử lý các kho hàng dự trữ khổng lồ, từ đồ nội thất, quần áo cho đến thiết bị tập luyện thể dục…

Chạy đua tích trữ hàng hóa trong thời kỳ dịch bệnh, các tập đoàn bán lẻ Mỹ giờ đây đối mặt với “núi” hàng tồn kho giữa lúc nhu cầu đang suy giảm. Ảnh: Bloomberg

Các tập đoàn điều hành các chuỗi cửa hàng, siêu thị bán lẻ lớn ở Mỹ như Macy’s, Target, Walmart cho biết mức tồn kho hàng hóa của trong quí 1-2022 tăng từ 17% đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Jason Miller, phó giáo sư về logisics tại Trường Kinh doanh Eli Broad thuộc Đại học bang Michigan, cho biết lượng hàng tồn kho dư thừa chủ yếu xảy ra ở tập đoàn kinh doanh hàng bán lẻ tổng hợp lớn, bao gồm các chuỗi bán lẻ của Target, Walmart, Kohl’s và Macy’s  khi họ phải bổ sung một lượng lớn hàng hóa dựa trên các mẫu theo mùa và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Miller cho biết nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, lượng hàng tồn kho hiện nay của các doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ vẫn thấp hơn một chút so với trước đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của khu vực bán lẻ, một thước đo về lượng hàng tồn kho của các công ty so với những gì họ bán, vẫn rất căng thẳng theo các tiêu chuẩn lịch sử. Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ trong tháng 4-2022 là 1,18, so với 1,48 vào tháng 4 -2019.

Theo các chuyên gia, nếu tỷ lệ này thấp hơn so với thông thường, điều này cho thấy hiệu quả của các nhà bán lẻ trong việc duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý với doanh số bán hàng. Nhưng nếu tỷ lệ này quá thấp, hàng có sẵn sẽ không đủ để bán, khiến doanh số bị mất mát.  Đây là là một vấn đề lớn trong thời kỳ ban đầu đại dịch của Covid-19 các kệ hàng của các nhà bán lẻ trở nên trống trơn vì sự xoay chuyển mạnh mẽ trong nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm cụ thể.

Các chuyên gia chuỗi cung ứng cho rằng khoảng cách lớn về hàng tồn kho giữa các tập đoàn bán lẻ lớn và phần còn lại của ngành là do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến các công ty theo các mức độ khác nhau, khiến các nhà bán lẻ lớn phải tích trữ hàng tồn kho để đón đầu nhu cầu mua sắm phục hồi mạnh mẽ ở thời kỳ hậu Covid-19.

Nikki Baird, Phó chủ tịch chiến lược của Công ty phần mềm bán lẻ Aptos, cho biết bà đã chứng kiến khách hàng đặt những đơn đặt hàng lớn hơn mức cần thiết như một cách lập kế hoạch dự phòng tình huống xấu nhất, một phần của sự thay đổi chiến lược quản lý hàng tồn kho từ “đúng lúc” (just in time)  sang “dự phòng” (just in case).  Điều này có nghĩa là thay vì đặt mua hàng với số lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu tức thì của khách hàng, nhiều nhà bán lẻ đã đặt mua hàng với số lượng lớn để đề phòng chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn lâu hơn, trong khi nhu cầu khách hàng vẫn mạnh mẽ.

Bà Baird cho hay trong một số trường hợp, các nhà bán lẻ đã đặt hàng gấp đôi số lượng họ cần để có được 1/3 những gì họ muốn,

Trong năm qua, các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đã phản ứng với nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với một số sản phẩm nhất định trong thời kỳ đại dịch bằng cách đặt những đơn hàng lớn hơn để đảm bảo họ sẽ có đủ nguồn cung trên các kệ hàng.

Nhiều đơn hàng đang trên đường chuyển đến các nhà bán lẻ và điều này sẽ khiến hàng tồn kho ở các cửa hàng và siêu thị của họ tăng lên nhiều hơn dự kiến. Bà Baird nói rằng giờ đây các nhà bán lẻ lớn đang cảm nhận tác động của hiệu ứng “bullwhip” trong chuỗi cung ứng, trong đó, các công ty đổ xô lấp đầy khoảng trống hàng tồn kho bằng cách đặt hàng với số lượng lớn để rồi chứng kiến nhu cầu tiêu tan.

Dữ liệu của Đại học bang Michigan cho thấy thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khi lạm phát leo thang. Và theo một cuộc khảo sát gần đây của NPD Group, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, 83% người tiêu dùng Mỹ nói họ sẽ chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới

Để giải phóng hàng tồn kho, các nhà bán lẻ lớn Target, Walmart, Macy’s đã giảm giá hàng nghìn sản phẩm tại các cửa hàng của họ hoặc bán sỉ với số lượng lớn cho các nhà bán lẻ khác với mức thua lỗ đáng kể. Trong thời gian ngắn, Walmart đã giảm giá hơn 10.000 sản phẩm, bao gồm thiết bị nhà bếp, thiết bị thể thao và đồ trang trí nhà cửa.

Lorraine Hutchinson, nhà phân tích bán lẻ ở Ngân hàng Bank of America, nhận định với các hạn chế về thời hạn sử dụng sản phẩm và không gian lưu trữ trong khi các chuyến hàng mới tiếp tục được giao, các nhà bán lẻ cần nhanh giải phóng những sản phẩm bán chậm.

Theo Wall Street Journal, NBC News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới