Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các tập đoàn kinh doanh ngũ cốc lãi lớn giữa cơn khát lương thực toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các tập đoàn kinh doanh ngũ cốc lớn nhất thế giới ghi nhận lợi nhuận tốt hơn mong đợi trong quí gần nhất nhờ các cơ hội kinh doanh thuận lợi trong bối cảnh thiếu nguồn cung đẩy tăng giá cả lương thực trên toàn cầu.

Archer Daniels Midland (ADM) cho rằng nhu cầu về ngũ cốc, nhiên liệu sinh học và thức ăn chăn nuôi của công ty ông vẫn rất mạnh, bất chấp các mối lo ngại về suy thoái kinh tế. Ảnh: Bloomberg

Trong tuần nay, hai trong số những tập đoàn kinh doanh thống trị hoạt động kinh doanh và chế biến ngũ cốc toàn cầu, Archer Daniels Midland (ADM) và Bunge, cho biết nhu cầu về ngũ cốc, nhiên liệu sinh học và thức ăn chăn nuôi của họ vẫn rất mạnh bất chấp các mối lo ngại về suy thoái kinh tế.

Giá năng lượng cao hơn đang thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học của các nhà chế biến hạt có dầu. Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung từ một trong những khu vực xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đẩy giá lúa mì và bắp lên cao. Thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến các nước sản xuất lương thực lớn khác, làm giảm sản lượng dự trữ của họ. Các lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết sẽ cần ít nhất hai năm vụ mùa bội thu ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ để giải tỏa nguồn cung lương thực trên toàn cầu đang eo hẹp.

Nguồn cung lương thực toàn cầu thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ đã tạo ra những cơ hội kinh doanh tốt cho những bên trung gian trong chuỗi cung ứng bao gồm ADM, Bunge, công ty mua và bán các loại ngũ cốc như đậu nành, bắp và chế biến chúng thành thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.

Hôm 25-10, ADM, có trụ sở ở Chicago, bang Illinois (Mỹ), cho biết lợi nhuận trong quí kết thúc vào ngày 30-9, tăng gần gấp đôi so với một năm trước, từ 526 triệu đô la Mỹ lên 1,03 tỉ đô la Mỹ.

Bunge, có trụ sở tại St. Louis, bang Missouri  nâng dự báo thu nhập cả năm lên 13,5 đô la Mỹ/cổ phiếu sau khi công bố thu nhập và doanh thu tốt hơn mong đợi trong quí 3. Lợi nhuận của Bunge trong quí vừa qua đạt 3,45 đô la Mỹ/cổ phiếu, cao hơn gần 1 đô la Mỹ so với dự kiến ​​của các nhà phân tích ở Phố Wall.

Cổ phiếu của ADM tăng hơn 38% trong năm nay, lội ngược dòng với mức giảm 18% của chỉ số S&P 500, theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ.

Các nhà kinh doanh ngũ cốc như ADM, Bunge và Cargill thường được hưởng lợi nhờ giá lương thực tăng cao hơn khi nguồn cung thiếu hụt, xung đột địa chính trị hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt dẫn đến các biến động mạnh hơn trên thị trường hàng hóa.

“Trong một thế giới bất ổn, chúng tôi vẫn có động lực tăng trưởng rất tốt khi bước vào năm 2023. Chúng tôi dự đoán nhu cầu vững mạnh đối với các sản phẩm của chúng tôi sẽ tiếp tục”, Giám đốc điều hành ADM Juan Luciano nói với các nhà phân tích trong tuần này.

Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine phục hồi về gần mức trước chiến tranh nhờ một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen giữa Nga và Ukraine ký kết vào mùa hè vừa qua. Điều đó giúp giảm bớt áp lực lên giá lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Bunge Greg Heckman cho biết các vấn đề về nguồn cung vẫn tồn tại do cơ sở hạ tầng của Ukraine bị hư hại trong chiến tranh, dòng chảy thương mại bị đứt gãy và các điều kiện canh tác bất lợi ở các khu vực khác trên thế giới.

Heckman nói rằng các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến toàn cầu hóa trong thương mại lương thực.

Giá lúa mì tương lai ở sàn giao dịch Chicago của Mỹ tăng khoảng 12% trong 12 tháng qua, trong khi giá bắp và đậu nành tăng lần lượt 26% và 12%.

Các nhà giao dịch ngũ cốc trên thế giới cũng đang phải đối mặt với đồng đô la Mỹ mạnh và mực nước xuống thấp ở sông Mississippi (Mỹ) đang ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc từ Mỹ.

Mực nước sông Mississippi thấp làm ngưng trệ một số tuyến thương mại đường sông, khiến việc vận chuyển hàng hóa nông nghiệp trở nên tốn kém hơn trong những tuần gần đây.

ADM cho biết mực nước thấp hơn ở sông Mississippi sẽ làm giảm khối lượng xuất khẩu đậu nành của công ty ở Bắc Mỹ trong năm nay, và xuất khẩu bắp từ khu vực này có thể sẽ bị trì hoãn cho đến quí đầu tiên của năm 2023.

Alex Sanfeliu, người điều hành nhóm thương mại thế giới của Cargill, cho biết một số nước đang phát triển đang giảm mua lúa mì của Mỹ, vốn đang đắt đỏ hơn do đồng đô la Mỹ mạnh và chuyển sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn, chẳng hạn như gạo.

Theo Augusto Bassanini, Giám đốc điều hành United Grain, nhà xuất khẩu ngũ cốc có trụ sở tại Washington, xuất khẩu lúa mì của công ty ông giảm khoảng 10% so với một năm trước khi các nước như Thái Lan và Philippines giảm mua lúa mì của Mỹ.

Tuy nhiên, ADM và Bunge vẫn chống chọi tốt với xu hướng xuất khẩu suy giảm từ Mỹ và trong một số trường hợp họ vẫn được hưởng lợi. Các lãnh đạo của hai công ty này nói với các nhà phân tích rằng họ đang vận chuyển nhiều hàng hóa hơn từ Nam Mỹ. Đối với đậu nành đang tồn kho cao ở Mỹ, thay vì xuất khẩu, hai công ty đang mua và chế biến chúng với giá rẻ hơn.

Greg Heckman nói: “Ở những nơi hàng hóa nông nghiệp không thể chuyển sang xuất khẩu, chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể để chế biến chúng và có thể tiếp tục mua nông sản của nông dân”.

Theo WSJ

1 BÌNH LUẬN

  1. Phi nông bất ổn. Nhất nông nhì sĩ. Thở mới sống, rất may mắn với không khí thì luôn free. Nhưng ăn để sống, không có lương thực thì chết chắc. Thế giới này đang có không dưới 3 tỷ người lâm vào nguy cơ thiếu đói, đủ biết lương thực thực phẩm quan trọng đến nhường nào. Từ đó, mới thấy được tầm quan trọng số một của nền nông nghiệp VN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới