Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các thương vụ “bom tấn” đẩy giá trị M&A toàn cầu lên 2.500 tỉ đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các thương vụ “bom tấn” đẩy giá trị M&A toàn cầu lên 2.500 tỉ đô

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Bất chấp các căng thẳng thương mại và địa chính trị, trong nửa đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ sáp nhập và thâu tóm (M&A) trên toàn cầu đạt mức cao nhất của mọi thời đại 2.500 tỉ đô la Mỹ, tờ Financial Times dẫn dữ liệu từ Thompson Reuters, cho biết.

Các thương vụ “bom tấn” đẩy giá trị M&A toàn cầu lên 2.500 tỉ đô
Tổng giá trị các thương vụ sáp nhập và thâu tóm trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 2.500 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2018. Ảnh: Financial Times

79 thương vụ có giá trị trên 5 tỉ đô la

Một loạt thương vụ M&A “bom tấn” dẫn đầu các thương vụ trong lĩnh vực truyền thông và viễn thông ở Mỹ đã giúp tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu trong nửa đầu năm nay tăng lên mức kỷ lục 2.500 tỉ đô la, cao hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ và giá trị kỷ lục của hoạt động M&A đối lập với cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát động chống Trung Quốc và những nỗi lo bất ổn chính trị xuất hiện trở lại ở khu vực sử dụng đồng euro khi phe dân túy chống châu Âu ở Ý lên nắm quyền.

Tận dụng gói cắt giảm thuế doanh nghiệp mà chính quyền Trump thông qua vào năm ngoái cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, hội đồng quản trị của các doanh nghiệp đã đẩy mạnh các thương vụ M&A, cho phép họ củng cố hoạt hoạt động kinh doanh, chống lại làn sóng trỗi dậy những doanh nghiệp số hóa quyền lực như Amazon, Google và Netflix.

“Sự đột phá mà các đối thủ công nghệ tạo ra tiếp tục là động lực lớn đằng sau các thương vụ M&A. Các thay đổi lớn trong công nghệ buộc các công ty khắp các lĩnh vực kinh doanh phải sáng tạo và tạo dựng các sự kết hợp chiến lược”, Blair Effron, người đồng sáng lập công ty tư vấn Centerview Partners, nói.

Tập đoàn viễn thông Comcast (Mỹ) và hãng truyền thông giải trí Disney đang cạnh tranh để thâu tóm phần lớn tài sản của tập đoàn truyền thông 21st Century Fox của tỉ phú Rupert Murdoch, khiến giá trị của thương vụ này bị đẩy lên hơn 70 tỉ đô la. Comcast và Disney tin rằng các tài sản của 21st Century Fox sẽ đóng vai trò then chốt để giúp họ giữ thế cạnh tranh chống lại các ông lớn ông nghệ Amazon, Google và Netflix.

Các thương vụ “bom tấn” khác trong nửa đầu năm 2018 bao gồm hãng dược phẩm lớn nhất Nhật Bản Takeda mua lại hãng dược đối thủ Shire (Ireland) với giá 77 tỉ đô la,  hãng viễn thông không dây T-Mobile (Mỹ) thâu tóm đối thủ Sprint trong một thương vụ trị giá 59 tỉ đô la.

“Thị trường M&A cực kỳ nhộn nhịp trong nửa đầu năm 2019 và các chỉ dấu hiện tại cho thấy sự sôi động sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa cuối của năm nay”, Scott Barshay, đối tác ở công ty luật Paul Weiss, nhận định.

Các thương vụ M&A có giá trị lớn đang dần trở thành một chuẩn mực bình thường. Có 79 thương vụ M&A có giá trị trên 5 tỉ đô la Mỹ, chiếm phân nửa trong tổng số thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2018. Con số này cao kỷ lục từ trước đến nay. Có đến 35 thương vụ M&A có giá trị trên 10 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay và đây cũng là con số kỷ lục. Bộ phận M&A của ngân hàng JPMorgan dự báo số lượng các thương vụ M&A trên 10 tỉ đô la sẽ lên con số 66 trong năm nay.

Colm Donlon, Giám đốc bộ phận M&A phụ trách khu vực châu Âu và châu Phi của ngân hàng Morgan Stanley nói: “Bạn chứng kiến gần như là một cơn bão hoàn hảo trên thị trường M&A. Chúng tôi chưa bao giờ bận rộn như lúc này”.

Thách thức pháp lý

Hãng viễn thông AT&T (Mỹ) đã thắng trong vụ Bộ Tư pháp Mỹ kiện phản đối hãng này thâu tóm tập đoàn truyền thông Time Warner (Mỹ) với giá 80 tỉ đô la. Ảnh: Getty

Giá trị kỷ lục 2.500 tỉ đô la Mỹ của các thương vụ M&A toàn cầu trong năm nay chỉ là trên danh nghĩa vì nhiều thương vụ vẫn còn chưa được ký kết do vấp phải thách thức pháp lý từ các cơ quan quản lý ở Mỹ và Trung Quốc. Rào cản pháp lý thể hiện rõ nhất qua hai thương vụ bom tấn đang bị trì hoãn bao gồm hãng viễn thông AT&T (Mỹ) thâu tóm tập đoàn truyền thông Time Warner (Mỹ) với giá 80 tỉ đô la và hãng chip Qualcomm (Mỹ) thâu tóm đối thủ NXP Semiconductors (Hà Lan) với giá 45 tỉ đô la.

Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện phản đối vụ AT&T thâu tóm Time Warner vì lo ngại dẫn đến tình trạng độc quyền. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 6, một tòa án liên bang ở Washington đã bác bỏ lý lẽ của Bộ Tư pháp Mỹ khi nói rằng bộ này không chứng minh được thương vụ thâu tóm sẽ khiến người tiêu dùng không còn nhiều sự lựa chọn cũng như khiến phí dịch vụ truyền hình và internet tăng cao. Nếu Bộ Tư pháp Mỹ thắng trong vụ kiện này, hàng loạt thương vụ M&A bom tấn khác ở Mỹ sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Trong khi đó, hãng chip Qualcomm đã dành hai năm để theo đuổi thương vụ thâu tóm NXP Semiconductors nhưng đang vấp phải rào cản cuối cùng là Trung Quốc. Thương vụ này đã được 8/9 nước thông qua và Trung Quốc là nước duy nhất còn lại chưa phê duyệt. Dù Qualcomm và NXP Semiconductors không phải là các công ty của Trung Quốc nhưng sự hiện rộng lớn của họ ở Trung Quốc cho phép Bắc Kinh có tiếng nói quyết định số phận thương vụ thâu tóm này.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, các cơ quan quản lý Trung Quốc có thể “ngâm”, thậm chí bác bỏ thương vụ Qualcomm- NXP Semiconductors.

Dù đối mặt với các thách thức pháp lý như vậy, các tập đoàn vẫn ráo riết theo đuổi các thương vụ M&A khi sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.

“Lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ tăng không phải là mối lo lắng chính của các doanh nghiệp. Hầu hết các tập đoàn lớn chủ yếu tập trung tìm phương án tăng trưởng lợi nhuận trong một môi trường kinh tế nơi mà tăng trưởng nội tại của họ có thể được cải thiện nhưng không đủ nhanh. Các thương vụ M&A là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề đó”, Stephen Arcano, Giám đốc toàn cầu phụ trách tư vấn hoạt động M&A ở công ty luật Skadden, nói.

Đầu tư của Trung Quốc giảm ở Mỹ, tăng ở châu Âu

Chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ đã kìm hãm tốc độ đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài trong nửa đầu năm 2018 nhưng không ngăn chặn được các doanh nghiệp nước này mang tiền sang châu Âu thực hiện các thương vụ M&A trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Trong sáu tháng đầu năm nay, các công ty Trung Quốc thực hiện các thương vụ M&A trị giá 76 tỉ đô la ở nước ngoài, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do giá trị các thương vụ của Trung Quốc ở Mỹ chỉ đạt vỏn vẹn 1,6 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này kém xa năm 2016, năm kỷ lục của các thương vụ đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ với tổng giá trị đạt 62,6 tỉ đô la.

Tuy nhiên, bên ngoài Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu, các thương vụ thâu tóm tài sản năng lượng và điện lực của Trung Quốc vẫn diễn ra mạnh mẽ, đạt 39 tỉ đô la, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số 39 tỉ đô la này bao gồm một thương vụ vẫn đang đàm phán: tập đoàn điện lực Tam Hiệp Trung Quốc chào mua công ty điện tử EDP (Bồ Đào Nha) với giá 28,6 tỉ đô la bao gồm nợ.

Trong khi đó, các công ty tư nhân Trung Quốc đã chứng tỏ được năng lực đàm phán các thương vụ đầu tư. Chẳng hạn, hồi tháng 2, hãng xe Geely (Trung Quốc) đã bỏ ra 9 tỉ đô la để mua 9,69% cổ phần của hãng xe Daimler đang nắm giữa thương hiệu xe sang Mercedez-Benz.

“Chúng tôi giờ đây tập trung vào các thương vụ ở châu Âu và tạm hoãn các thương vụ ở Mỹ vì cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ mất nhiều thời gian để dàn xếp”, Lin Feng, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn và đầu tư DealGlobe, có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới