Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các trang trại gà lo chống cúm A/H5N1

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các trang trại gà lo chống cúm A/H5N1

Ngọc Hùng

Các trang trại gà lo chống cúm A/H5N1
Một người dân đang chăm sóc đàn gà. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Thời tiết diễn biến bất thường khiến một số chủ trang trại nuôi gà tại phía Nam tìm cách ngăn ngừa dịch cúm A/H5N1 cho dù đàn gà nuôi của họ đã được tiêm phòng vắc xin.

>>> Hàn Quốc báo động dịch cúm gia cầm lan rộng

>>> Họ hàng virus cúm sẽ ngày càng đông

Thiếu vắc-xin và giá cao là mối lo của người nuôi gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Thiện tại huyện Long Khánh, Đồng Nai, lo lắng vì chưa có đủ lượng vắc xin cúm A/H5N1 tiêm phòng cho đàn gà 1.500 con của trang trại ông.

“Hiện chúng tôi có mới hơn 500 liều, chỉ đáp ứng cho 1/3 số gà cần tiêm. Vì thế tôi phải đưa đàn gà vào diện cách ly với người lạ đến tham quan”, ông Thiện nói.

Mấy ngày nay ông Thiện từ chối không cho khách hàng đến trại gà của mình vì lo ngại dịch cúm. Năm trước trang trại của ông đã bị dịch cúm nên năm nay ông vẫn sợ mầm bệnh còn tồn tại ở khu vực xung quanh trang trại.

Tương tự, bà Cao Thị Ten tại huyện Định Quán, Đồng Nai, than thở, thời tiết cứ nóng lạnh bất thường như mấy hôm vừa qua thì người nuôi gà mất ăn mất ngủ vì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Không còn cách nào khác, bà Ten phải tiêm vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn gà gần 7.000 con của mình.

“Ngoài việc tiêm phòng cho đàn gà, tôi cũng không cho người lạ vào gần trang trại, thậm chí, xe tải mua gà của thương lái tôi cũng không cho đến gần. Tôi làm vậy là để trang trại của mình được an toàn, tránh dịch dù đã tiêm vắc-xin đề phòng rồi”, bà Ten nói.

Hiện ông Lê Văn Bảy tại huyện Gò Công, Tiền Giang cũng đang lo lắng bồn chồn vì trong gần 2.000 con gà trong vườn nhà ông đã có một số con có dấu hiệu bị bệnh dù đã tiêm vắc xin cúm. ”Tui đã tiêm phòng cho đàn gà khi mới 15 ngày tuổi nhưng cứ lo lắng vì thời tiết bất thường. Gà nuôi theo kiểu thả vườn dễ bị dịch hơn”, ông Bảy chia sẻ.

Vì thế, ông Bảy tính đưa đàn gà thả vườn vào trong nhà kín theo hướng công nghiệp để phòng dịch và tuy giá bán thấp hơn nhưng đổi lại ông có thể thu hồi được vốn và có chút lãi hoặc thay vì có thể bị mất trắng.

Còn theo bà Ten, thời tiết biến động bất thường không chỉ khiến cho dịch cúm mà một số bệnh khác như bệnh IB có cơ hội bùng phát. IB là bệnh viêm phế quản truyền nhiễm với tỷ lệ gây chết cao ở gà con dưới một tháng tuổi và làm giảm khả năng đẻ trứng của gà mái.

Ngoài việc phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gà, các chủ trang trại cũng lo tìm cách ngặn bệnh IB. Hiện nhiều chủ trang trại chưa tiêm phòng vắc xin IB cho đàn gà, một phần do giá loại vắc-xin này khá cao, mỗi liều khoảng 1.000 đồng/kg, vắc xin A/H5N1 có giá rẻ hơn chỉ ở mức 400 đồng/liều.

Theo số liệu của Chi cục Thú y TPHCM, hầu như tuần nào cơ quan này cũng bắt ít nhất vài chục trường hợp vận chuyển gia cầm, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc từ các địa phương lân cận vào thành phố tiêu thụ. Tại các quận, huyện trên toàn thành phố vẫn còn vài chục điểm buôn bán gia cầm sống và vẫn còn tình trạng nuôi gia cầm, nhất là gà đá, gà kiểng tại một số khu vực nội thành và ven nội.

Tại Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9 vẫn còn một số hộ chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ với số lượng lớn nhưng không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, không đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Đây là một mối nguy cơ gây ra dịch cúm gia cầm nhất là trong bối cảnh dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trở lại lúc nào.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có công điện yêu cầu các tỉnh thành tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm. Ngay sau đó, hầu như các Sở NN-PTNT đều yêu cầu các địa phương có kế hoạch phòng dịch, thậm chí một số tỉnh còn phát miễn phí vắc xin cho các địa phương từng có dịch cúm gia cầm trước đây để hỗ trợ người dân.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới