Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ứng dụng của Trung Quốc gây lo ngại ở Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ứng dụng của Trung Quốc gây lo ngại ở Ấn Độ

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Các ứng dụng của Trung Quốc từ chia sẻ video ngắn cho đến đọc tin đang phát triển như vũ bão tại thị trường Ấn Độ, kéo theo những chỉ trích về lan truyền tin giả, các nội dung gây kích động, dung tục cũng như các lo ngại về an ninh và chèn ép các đối thủ trong nước, theo tờ South China Morning Post.

Đằng sau thành công của ứng dụng video ngắn

Các công ty công nghệ Trung Quốc đổ xô đến Thung lũng Silicon

Các ứng dụng của Trung Quốc gây lo ngại ở Ấn Độ
Ông Thamimun Ansari, thành viên của hội đồng lập pháp bang Tamil Nadu, kêu gọi cấm TikTok vì lo ngại ứng dụng này dẫn đến tình trạng “xuống cấp văn hóa” ở giới trẻ. Mynation.com

Thâu tóm lượng người dùng khổng lồ của Ấn Độ

Dù xâm nhập vào Ấn Độ chưa lâu nhưng các ứng dụng đến từ Trung Quốc như Helo, Shareit, TikTok, UC Browser, Vigo Video, Beauty Plus, ClubFactory Everything, NewsDog, UC News, VMate… đang gây sức thu hút lớn và thâu tóm lượng người dùng khổng lồ ở nước này.

Trong năm 2018, 5 trong 10 ứng dụng phổ biến nhất tại Ấn Độ đến từ Trung Quốc bao gồm TikTok và Helo, hai ứng dụng của Công ty công nghệ ByteDance, có trụ sở ở Bắc Kinh.

Ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok đang gây sốt ở tầng lớp trẻ Ấn Độ. Hiện nay, TikTok có khoảng 54 triệu người dùng hàng tháng ở nước này, trong đó khoảng 50 người dùng, chủ yếu là các nghệ sĩ hài và diễn viên nổi tiếng, đang sở hữu lượng người theo dõi hơn một triệu trên tài khoản TikTok của họ.

Điều này phản ánh một xu hướng đang phát triển là người Ấn Độ, đặc biệt là giới trẻ, đang rất chuộng sử dụng các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc.

Helo, ứng dụng mạng xã hội chia sẻ tin tức của ByteDance, cũng đang làm mưa làm gió tại nước này. Theo Công ty phân tích SimilarWeb, lượng người dùng Helo ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã tăng từ 60.000 vào tháng 6-2018 lên hơn sáu triệu người vào tháng 1-2019.

Sức hấp dẫn của TikTok là nhờ tính dễ tiếp cận và không cấm người dùng từ 13 tuổi trở lên. Bất kỳ ai sở hữu một smartphone cơ bản và có kết nối Internet tốc độ trung bình đều có thể sử dụng nó để chia sẻ các đoạn video chuyên nghiệp dài 15 giây.

Song sự phổ biến của các ứng dụng trên cũng kéo theo làn sóng tranh cãi. Nhiều ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc bị cáo buộc lan truyền tin giả, phát ngôn kích động và các nội dung khiêu dâm. TikTok là ứng dụng bị chỉ trích gay gắt nhất.

Trong tháng 12 năm ngoái, đường dây nóng tư vấn của bang Tamil Nadu (Ấn Độ) tiếp nhận 36 cuộc gọi của người dùng than phiền về việc họ bị quấy rối, ức hiếp trên mạng xã hội TikTok. Cảnh sát ở bang này cũng đã bắt giữ một nhóm người đàn ông bị cáo buộc sử dụng các video TikTok để mời mọc mại dâm. Tháng 10 năm ngoái, một nam thanh niên 24 tuổi ở TP. Chennai, bang Tamil Nadu, nhảy tàu tự tử vì bị thóa mạ và châm chọc sau khi anh này mặc đồ phụ nữ để quay video và phát trên ứng dụng TikTok.

Chính quyền bang Tamil Nadu đã yêu cầu Chính phủ liên bang Ấn Độ giới thiệu cấm tiệt TikTok vì lan truyền các video khai thác yếu tố tình dục. Ông Thamimun Ansari, thành viên của hội đồng lập pháp bang Tamil Nadu, kêu gọi cấm TikTok vì lo ngại ứng dụng này dẫn đến tình trạng “xuống cấp văn hóa” ở giới trẻ.

Gây lo ngại an ninh

Năm 2017, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khuyến cáo quân nhân không sử dụng một danh sách 42 ứng dụng Trung Quốc vì lo ngại gián điệp. Ảnh: Aky'sTechnoworld

Tháng trước, tổ chức văn hóa và chính trị Swadeshi Jagaran Manch (SJM) gửi thư cho Thủ tướng Narendra Modi đề nghị cấm hoàn toàn các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Thư có đoạn: “Dữ liệu người dùng giờ đây được xem là “dầu thô mới”. Chúng ta không nên cho phép các công ty mạng xã hội Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng Ấn Độ mà không đặt các biện pháp hạn chế hay giám sát”.

Ashwani Mahajan, đồng chủ tịch SJM, nói tổ chức của ông phản đối các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc vì chúng thu thập các thông tin nhạy cảm như địa điểm và hình ảnh của người dùng và sử dụng chúng trái phép.
Ngoài ra, ông cũng lo ngại các công ty mạng xã hội Trung Quốc với tiềm lực tài chính khổng lồ có thể đẩy mạnh đầu tư để bóp nghẹt và gây tổn thương cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ trong lĩnh vực mạng xã hội.

Ông nói: “Chúng tôi đã chứng kiến các công ty như Amazon và Walmart ‘đốt tiền’ đầu tư và hủy diệt các công ty thương mại điện tử nhỏ hơn của chúng tôi, do vậy, chúng tôi cần cẩn trọng với các công ty Trung Quốc”.

Hồi tháng 1-2019, một báo cáo của công ty an ninh công nghệ thông tin Arrka Consulting cho biết 6 trong 10 ứng dụng được phổ biến của Trung Quốc tại Ấn Độ yêu cầu người dùng cung cấp các dữ liệu không thuộc diện bắt buộc, chẳng hạn như tiếp cận dữ liệu camera và micro từ smartphone của người dùng. Báo cáo cũng cho biết các ứng dụng này chuyển dữ liệu thu thập được cho các bên thứ ba, trong đó 69% dữ liệu được gửi sang Mỹ.

TikTok thừa nhận có gửi dữ liệu người dùng Ấn Độ cho Tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecom, trong khi đó, ứng dụng trình duyệt UC Browser gửi dữ liệu về cho công ty mẹ UCWeb. Ứng dụng chia sẻ video ngắn Vigo Video của Huoshan Video (Trung Quốc) cho biết gửi dữ liệu người dùng Ấn Độ cho tập đoàn Tencent (Trung Quốc).

Chính phủ Ấn Độ bấy lâu nay luôn có thái độ dè chừng với Trung Quốc và điều này được phản ánh qua các chính sách đối với các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc. Tháng 12-2017, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khuyến cáo các quân nhân không sử dụng 42 ứng dụng của Trung Quốc như SHAREit, WeChat, MiStore vì xem chúng như là các phần mềm gián điệp.

Sự trỗi dậy của các ứng dụng Trung Quốc ở Ấn Độ cũng gạt nhiều các đối thủ trong nước và toàn cầu ra rìa. Các ứng dụng Trung Quốc chiếm 44 vị trí trong danh sách 100 ứng dụng được tải nhiều nhất từ kho ứng dụng Google Play tại Ấn Độ.

Trước sự cạnh tranh gay gắt của ứng dụng Helo, hai đối thủ Ấn Độ là ShareChat và Clip App đã phải sáp nhập để chống đỡ. ShareChat có bảy triệu người dùng tính đến tháng 1-2019 so với 10 triệu người dùng của Helo.

Mới đây, Bộ Công nghệ thông tin và Điện tử Ấn Độ cũng đã vào cuộc với việc ban hành bản dự thảo các hướng dẫn bắt buộc các chủ ứng dụng có hơn 5 triệu người dùng phải thành lập các văn phòng ở Ấn Độ và phải bổ nhiệm một lãnh đạo cấp cao để sẵn sàng chịu trách nhiệm cho bất kỳ vấn đề pháp lý nào.

Bản dự thảo cũng yêu cầu các chủ ứng dụng phải thiết lập các công cụ tự động xác định, loại bỏ và vô hiệu hóa sự tiếp cận đối với các thông tin và nội dung trái pháp luật. Theo bản dự thảo, các quan chức Ấn Độ có quyền yêu cầu Facebook, Google, Twitter, TikTok và các ứng dụng khác gỡ bỏ các bài viết, video có nội dung sai sự thật, phỉ báng, gây thù hận xâm phạm quyền riêng tư…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới