Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các yếu tố chi phối thị trường dầu trong năm 2019

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các yếu tố chi phối thị trường dầu trong năm 2019

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã lao dốc mạnh 40% kể từ thời điểm chạm mức cao nhất trong vòng bốn năm qua vào tháng 10-2018 do lo ngại nguồn cung dầu Mỹ tăng lên mức kỷ lục giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu.

Dưới đây, trang tin CNN Business nhận diện những yếu tố sẽ chi phối đến thị trường dầu trong năm 2019.

Giá dầu thô 46 đô la Mỹ/thùng

Chứng khoán tái khởi động với giá dầu

Các yếu tố chi phối thị trường dầu trong năm 2019
Các công nhân làm việc ở một giếng dầu đá phiến ở ngoại ô TP. Watford, bang Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: Getty

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại

Các nhà kinh tế ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại về mức 2,5% trong năm 2019 so với mức 2,9% trong năm 2018. Các hoạt động kinh tế suy giảm đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với hàng hóa năng lượng cũng yếu đi.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo nhu cầu dầu trong năm 2019 sẽ “tương đối yếu” ở châu Âu và các nước phát triển châu Á. Ngoài ra, nhu cầu dầu ở các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Brazil và Argentina cũng chững lại một phần do tiền tệ của các nước này suy yếu.

Trong tháng 12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày so với năm 2018.

Robin Mills, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn năng lượng Qamar Energy, cho rằng nhu cầu dầu sẽ là triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông nhận định trong năm tới, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại.

OPEC và Nga

Trong cuộc họp tại Vienna (Áo) hồi đầu tháng 12, OPEC và các đồng minh ngoài OPEC dẫn đầu là Nga nhất trí cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 6 tháng bắt đầu từ tháng 1-2019. Các thành viên OPEC cam kết cắt giảm sản lượng 800.000 thùng dầu/ngày trong khi đó, Nga và các đối tác đồng ý cắt giảm 400.000 thùng dầu/ngày. Thỏa thuận này đáng lẽ phải kích giá dầu tăng nhưng thực tế cho thấy nó không ngăn chặn được đà suy giảm của giá dầu. Do vậy, các bước đi tiếp theo của OPEC sẽ tùy thuộc vào diễn biến giá dầu khi thỏa thuận này kết thúc vào tháng 6-2019.

Russ Mould, Giám đốc đầu tư ở Công ty cung cấp các nền tảng đầu tư trực tuyến AJ Bell nói: “Nếu giá dầu Brent vẫn ở mức dưới 60 đô la, bạn sẽ trông đợi OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 12-2019. Nếu giá dầu Brent phục hồi trở lại mức 80 đô la/thùng, lúc đó, OPEC có thể xem xét tăng sản lượng trở lại”.

Chính sách Iran của Mỹ

Mỹ đã gây bất ngờ cho giới đầu tư vì quyết định cho phép 8 nước và vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ ) tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran dù tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran bao gồm lệnh cấm vận dầu hồi tháng 11-2018.

Các miễn trừ này sẽ hết hạn vào tháng 5-2019 và vẫn chưa rõ Mỹ có gia hạn chúng hay không. Spencer Welch, Giám đốc phụ trách thị trường dầu ở hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, cho rằng những gì xảy ra tiếp theo sẽ “rất khó dự báo vì Mỹ đã thực sự gần như thay đổi hoàn toàn trong chính sách Iran”.

Ông nói: “Mỹ không muốn giá xăng ở trong nước tăng cao nên có khả năng chính sách Mỹ đối với Iran sẽ phụ thuộc vào các diễn biến trên thị trường dầu”. Nếu giá dầu tăng cao, Mỹ có thể gia hạn các trường hợp được miễn trừ nói trên

Sản lượng dầu đá phiến bùng nổ ở Mỹ

Vào tháng 9-2018, lần đầu tiên kể từ năm 1973, Mỹ vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất nhờ sản lượng dầu đá phiến liên tiếp tăng lên các mức kỷ lục. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Cơn bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ đã định hình lại bức tranh năng lượng toàn cầu, thậm chí còn đặt ra những nghi ngờ về khả năng tác động giá dầu của OPEC.

“Một trong những tác nhân đằng sau sự thay đổi khiến OPEC mất quyền lực chi phối thị trường dầu là sự trỗi dậy về năng lực sản xuất dầu của những nước bên ngoài OPEC. Không nước nào nổi bật hơn Mỹ về năng lực sản xuất dầu trong những năm gần đây”, Jameel Ahmad, Giám đốc toàn cầu phụ trách bộ phận nghiên cứu thị trường và chiến lược tiền tệ ở Công ty môi giới ngoại hối FXTM, nói.

Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019, một mức tăng khá lớn. Dù mức tăng này đã phản ánh vào giá dầu nhưng nó vẫn là yếu tố cản trở dầu tăng lên các mức cao hơn so với hiện nay.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới