Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cách kiểm tra sẽ khác ba năm trước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cách kiểm tra sẽ khác ba năm trước

Lan Nhi thực hiện

Thứ trưởng Cao Viết Sinh.

(TBKTSG) – Ông Cao Viết Sinh, Thứ truởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trả lời phỏng vấn TBKTSG về cách cắt giảm đầu tư công năm nay.

TBKTSG: Thưa Thứ trưởng, từ ngày 8-3, Bộ KHĐT đã cử 10 đoàn công tác đi rà soát các công trình, dự án đầu tư từ vốn ngân sách (NSNN) và trái phiếu chính phủ (TPCP) theo yêu cầu của Chính phủ (Nghị quyết số 11). Vậy, cách thức thực hiện đợt kiểm tra, cắt giảm đầu tư công lần này có gì khác so với năm 2008?

Thứ trưởng Cao Viết Sinh: Rút kinh nghiệm, lần này bộ có văn bản hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tự rà soát sắp xếp trước trong hơn 10 ngày theo nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Ví dụ như không bố trí vốn NSNN và TPCP cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, các dự án kém hiệu quả, các dự án mới khởi công trong năm 2011, trừ các dự án phòng chống, khắc phục thiên tai cấp bách, các dự án sử dụng vốn ODA… Hoặc đình hoãn, giãn tiến độ các dự án thực hiện nhiều năm, nhưng triển khai chậm, bố trí vốn nhỏ giọt, kéo dài; các dự án khó có khả năng hoàn thành trong năm 2011 do không giải phóng được mặt bằng…; hoặc không bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn TPCP do nhu cầu mở rộng quy mô… và nhiều tiêu chí khác nữa. Khác với ba năm trước, lần này sẽ làm quyết liệt hơn.

TBKTSG: Báo cáo của Chính phủ cuối năm 2008 cho thấy việc siết chặt đầu tư công đã dẫn đến đình hoãn, giãn tiến độ trên 3.100 công trình, dự án với tổng số vốn khoảng 37.000 tỉ đồng. Nhưng sau đợt kiểm tra đó, tình hình đầu tư chỉ tạm lắng một thời gian rồi lại gia tăng tràn lan như cũ?

– Như đã nói, năm 2008, đầu năm do lạm phát cao, chúng ta có chủ trương siết chặt đầu tư, cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư… và nền kinh tế có biểu hiện suy giảm. Do vậy, ngay từ quí 4-2008, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu điều hành kinh tế, trong đó xác định chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế cùng với việc kiềm chế lạm phát (Nghị quyết 30/NQ-CP tháng 12-2008). Đến tháng 5-2009, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang ưu tiên ngăn chặn suy giảm kinh tế. Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm 2009 chúng ta có gói kích thích kinh tế, cho phép ứng vốn, tăng thêm vốn NSNN và tăng thêm vốn TPCP… Kết quả là cuối năm tăng trưởng được phục hồi trở lại, quí 4-2009 GDP tăng 6,9% và cả năm 2009 tăng 5,32% và lạm phát được khống chế ở mức 6,5%.

TBKTSG: Đầu tư công những năm qua có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội. Hệ số ICOR tăng nhanh và kênh đầu tư từ NSNN được xem là nguyên nhân góp phần làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, Nghị quyết 11/NQ-CP lại không tập trung vào cắt giảm đầu tư công mà chủ yếu là sắp xếp lại cho hiệu quả, hợp lý hơn. Điều này phải hiểu như thế nào, thưa ông?

– Nếu nhìn trong thời gian dài, 2001-2010, đúng là đầu tư công (NSNN, tín dụng nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) có tăng. Việc tăng đầu tư công có nguyên nhân do nước ta còn thuộc nhóm nước thu nhập thấp, một mặt cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần xây dựng nhiều công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là đường giao thông, trường học, bệnh viện… để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Mặt khác, nhiều khu vực ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo cần tập trung xây dựng, nâng cao đời sống để giảm bớt cách biệt giàu nghèo. Do vậy việc đầu tư công có xu hướng tăng trong thời gian qua và làm tăng hệ số ICOR.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào năm năm từ 2007-2011 thì ta sẽ thấy rõ vấn đề này: năm 2007 đầu tư công chiếm 39,4% tổng đầu tư xã hội, năm 2008 chiếm 37,1% và sang năm 2009 và năm 2010 đầu tư công tăng trên 40% tổng đầu tư xã hội do nhu cầu ngăn chặn đà suy giảm và phục hồi kinh tế. Trong thời điểm đó, chúng ta sử dụng gói kích thích kinh tế (các nước khác cũng sử dụng công cụ này), dùng vốn đầu tư từ ngân sách, TPCP để hỗ trợ đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; cho phép các bộ, ngành, địa phương chuyển nguồn từ năm trước không sử dụng hết sang năm sau đồng thời cho phép ứng trước nguồn vốn năm sau để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

Còn năm 2011 đầu tư công chỉ chiếm 38% tổng đầu tư toàn xã hội, nếu thực hiện triệt để Nghị quyết 11 và hoàn trả vốn ứng trước, thì nguồn vồn đầu tư công chỉ chiếm khoảng 37% tổng đầu tư xã hội, thấp hơn so với năm 2007.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới