Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cách tối ưu hóa trung tâm dữ liệu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cách tối ưu hóa trung tâm dữ liệu

Đông Phương

(TBVTSG) – Ngày nay, việc phát triển các trung tâm dữ liệu đã trở thành một trong những vấn đề tối quan trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp; và việc thiết lập, xây dựng cũng như vận hành trung tâm dữ liệu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin (CNTT) mà các CIO phải thực hiện. Tuy nhiên, việc tối ưu hóa các ích lợi của trung tâm dữ liệu trong điều kiện hạ tầng CNTT còn yếu kém ở hầu hết các doanh nghiệp đã khiến không ít CIO phải loay hoay trong việc tìm ra phương án giải quyết thích hợp và hữu hiệu nhất.

Việc tìm ra giải pháp có hiệu quả nhất để xây dựng các trung tâm dữ liệu quả thật không dễ dàng đối với các giám đốc CNTT (CIO), khi họ đang phải làm việc trong tình trạng thiếu thốn các thiết bị dự trữ điện năng (UPS), nguồn tài nguyên CNTT ít ỏi và hệ thống thường xuyên bị quá tải… Việc quản lý và phát triển trung tâm dữ liệu càng phức tạp hơn khi nhiều giám đốc trung tâm dữ liệu không thể nắm chắc được dung lượng lưu trữ, tình trạng vận hành, khả năng hoạt động của trung tâm dữ liệu… Tất cả những điều này đã khiến cho việc hỗ trợ kinh doanh bị hạn chế, việc tối ưu hóa cơ sở hạ tầng CNTT không đạt được hiệu quả tối ưu, việc vận hành hệ thống không suôn sẻ, và nhất là việc tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) không chính xác…

Khi một trung tâm dữ liệu được tái cấu trúc và tối ưu hóa, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ toàn diện. Mỗi một phân đoạn trong một trung tâm dữ liệu được thiết kế và vận hành hợp lý có thể tương thích và đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát sinh trong doanh nghiệp. Hệ thống, các phần mềm và hạ tầng CNTT vô hình trung đã là một phần không thể thiếu trong các doanh nghiệp, vì chính những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhất hầu hết các yêu cầu của khách hàng, nâng cao lợi thế so sánh và biên độ thành công trong kinh doanh.

Tối ưu hóa kiến trúc hạ tầng CNTT

Chi phí đầu tư cho CNTT đang ngày càng giảm và hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn nhân viên của mình không phải mất quá nhiều thời gian cho việc xử lý dữ liệu công việc. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các công ty phát triển phần mềm ứng dụng, khi nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận đã dần dần được thay thế bằng hiệu quả kinh doanh.

Trái với điều dự báo của những chuyên gia đầu ngành rằng nhu cầu về các cấu trúc CNTT sẽ giảm trong những năm 2010, các hệ thống và hạ tầng CNTT đang ngày càng tăng lên mạnh mẽ với doanh số bán ra của các thiết bị tin học đã tăng lên từ 10-20% trên phạm vi toàn cầu. Các chuyên gia của HP nhận định rằng việc mua sắm các thiết bị mới tại các doanh nghiệp là một trong những xu thế mới trong “kỷ nguyên đám mây”. Rất dễ để thấy rằng các CIO, khi đã nhận thức rõ hiệu quả và khả năng của các trung tâm dữ liệu, đều rất cần những thiết bị CNTT mới để nâng cấp và hợp nhất các ứng dụng CNTT lên máy chủ, tối ưu hóa các tiện ích của công nghệ “ảo hóa”, tái kích hoạt những nguồn tài nguyên đã đầu tư nhằm gia tăng thật nhanh khả năng xử lý của hệ thống. “Nhiều CIO đã thành công khi thiết kế và tổ chức lại việc vận hành hệ thống CNTT trong doanh nghiệp sau khi xác định được sức mạnh của trung tâm dữ liệu”, Randy Howie, CEO của Black Diamond Software, cho biết.

Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

“Go green” (hướng về môi trường) không phải là một lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả trong thế kỷ 21, nhưng lại là một trong những “trách nhiệm toàn cầu” mà chính phủ và các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm. Đứng trước yêu cầu phải thay đổi chính sách kinh doanh sao cho phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần phải tối ưu hóa các nguồn lực nhằm đảm bảo tốt việc tiết kiệm năng lượng và hạn chế gây ô nhiễm môi trường; và trung tâm dữ liệu là một trong những công cụ hữu hiệu, giúp doanh nghiệp vừa gia tăng hiệu quả công việc, vừa đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ những quy định mang tính cấp thiết của thời đại.

Tính hiệu quả thể hiện rõ nhất ở mức điện năng cần thiết để vận hành trung tâm dữ liệu thấp hơn nhiều so với nhu cầu năng lượng cần thiết phải sử dụng khi toàn hệ thống và cấu trúc CNTT của doanh nghiệp hoạt động đồng thời. Kết quả phân tích cho thấy, khi hạ tầng CNTT của doanh nghiệp được tái thiết thành trung tâm dữ liệu, điện năng ở doanh nghiệp đó sẽ được quản lý và sử dụng một cách hữu hiệu. Ví dụ, khi hệ thống CNTT được định dạng lại, hệ thống lưu điện (UPS) sẽ tự động luân chuyển nguồn năng lượng không sử dụng ở một số điểm đến trung tâm dữ liệu; qua đó có thể đảm bảo được hoạt động đồng bộ trong toàn hệ thống.

Đánh giá đúng tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong các dự án

Thành quả của việc kinh doanh luôn được bắt đầu từ quyết định đầu tư đúng đắn. Trong khi phải luôn cân nhắc về tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) trước khi quyết định cải thiện, nâng cấp hoặc hợp nhất các nguồn tài nguyên CNTT, các CIO lại không ngần ngại khi đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu bởi hơn ai hết, họ hiểu được mức độ thành công của dự án này.

Về cơ bản, trung tâm dữ liệu là một công cụ xử lý và trao đổi thông tin giữa các máy trạm với nhau. Trung tâm dữ liệu sẽ được thiết lập trên một nền tảng thông tin riêng rẽ. Khi các thiết bị hay hệ thống mới được bổ sung vào hạ tầng CNTT, trung tâm dữ liệu do không thể hỗ trợ được kịp thời cho việc vận hành các thiết bị này, CIO sẽ rất khó xác định ROI. Điều này là do các thiết bị cũ đã xuống cấp, năng lượng lưu trữ trong các thiết bị này không được luân chuyển kịp thời sang các thiết bị khác trong hệ thống và dung lượng lưu trữ bị quá tải. Do không thể tiên liệu được những vấn đề này, khả năng xử lý và vận hành của hệ thống đôi khi bị hạn chế; hoặc việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng được tiến hành rời rạc đã khiến ROI sụt giảm nhiều so với dự tính. Tuy nhiên, với những thông tin được tổng hợp từ một trung tâm dữ liệu được tái cấu trúc hợp lý và vận hành trơn tru, ROI sẽ được tính toán một cách chính xác nhất. Từ tỷ lệ này, CIO sẽ phân định được cụ thể các hạng mục đầu tư và các khoản đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp.

Ba yếu tố của một hoạch định đúng đắn

Việc tái thiết lập một trung tâm dữ liệu thường liên quan đến hạ tầng CNTT, phần mềm, điện năng, hệ thống làm mát, chế độ bảo mật, cơ chế bảo trì… Các yếu tố này được xác định rõ ràng hơn khi doanh nghiệp quyết định đầu tư tái cấu trúc các trung tâm dữ liệu. Thông thường, các CIO phân bố công việc hoạch định để tái cấu trúc trung tâm dữ liệu thành ba phần: khảo sát hệ thống, phân tích hiện trạng của hệ thống và đề xuất thực hiện việc tái cấu trúc.

1. Khảo sát hệ thống

Việc khảo sát hệ thống và hạ tầng CNTT của doanh nghiệp trước khi bắt đầu tái cấu trúc một trung tâm dữ liệu thông thường được tiến hành đối với việc xem xét lại sự vận hành của toàn bộ cơ sở dữ liệu, hệ thống và các điều kiện hoạt động nội tại để từ đó các CIO có thể đưa ra sự phân tích và những đề xuất hợp lý nhất cho việc phát triển hệ thống một cách toàn diện. Để có kết quả khảo sát xác thực nhất, các CIO phải kiểm tra hệ thống dưới hai hình thức: khảo sát tại chỗ và khảo sát từ xa (thông qua VPN và/hoặc các phương tiện truy cập từ xa vào hệ thống của công ty), từ đó mới có thể tìm ra những sai sót tiềm ẩn đối với toàn bộ dữ liệu hiện tại của doanh nghiệp, đặc tính kỹ thuật của tất cả các thiết bị, khả năng ứng dụng của toàn bộ phần mềm và hệ thống hạ tầng CNTT của doanh nghiệp.

2. Phân tích hiện trạng của hệ thống

Việc phân tích hiện trạng của hệ thống đòi hỏi phải được thực hiện bởi CIO và đội ngũ kỹ sư CNTT nhiều kinh nghiệm hoặc bởi những chuyên gia tư vấn mà công ty thuê từ bên ngoài. Dựa vào kết quả khảo sát nói trên, CIO và/hoặc công ty dịch vụ sẽ tiến hành phân tích khả năng hoạt động của toàn bộ hệ thống một cách tỉ mỉ để xác định nguyên nhân gây lỗi (nếu có) trên hạ tầng CNTT, bao gồm các lỗi do nhân viên gây ra trong suốt quá trình xử lý công việc của họ và cả những lỗ hổng của hệ thống sau một quá trình vận hành liên tục.

3. Đề xuất thực hiện việc tái cấu trúc

Các CIO sẽ đề xuất các phương án tái cấu trúc trung tâm dữ liệu sau khi có kết quả phân tích hiện trạng của hệ thống CNTT trong doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc hạ tầng CNTT sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến từng máy trạm và toàn bộ hạ tầng CNTT, nhất là những công ty toàn cầu, do đó, CIO phải tính toán và cân nhắc rất kỹ trước khi đề xuất phương án thực hiện. “Bạn phải xem xét đến từng lỗi nhỏ nhất của hệ thống, diễn đồ thực hiện công việc và cả chiến lược quản lý trước khi đưa ra các đề xuất; quan trọng hơn, bạn phải cân nhắc về nhân sự thực hiện và tính toán ROI ở mức an toàn cao nhất…”, một CIO trong nhóm nghiên cứu của HP chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới