Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cải cách BHXH cần có tầm nhìn dài hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cải cách BHXH cần có tầm nhìn dài hạn

Ngọc Ánh

(TBKTSG Online) – Một trong những yêu cầu mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại hội thảo về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra hôm 29-11 tại Hà Nội đó là tầm nhìn dài hạn. Theo ông, cải cách BHXH cũng cần phải có tầm nhìn dài 20-30-40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách.

Cải cách BHXH cần có tầm nhìn dài hạn
Theo xu hướng thế giới, bảo hiểm xã hội và thương mại đang xích lại gần nhau.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Định, giảng viên Khoa Bảo hiểm, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng theo xu hướng thế giới, bảo hiểm xã hội và thương mại đang xích lại gần nhau. Tại Việt Nam đến nay có sáu doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia bảo hiểm hưu trí với gần 2 triệu hợp đồng. Do đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc phải mở rộng diện bao phủ của loại hình tự nguyện.

Theo ông Định, hiện mô hình tổ chức của bảo hiểm xã hội còn bất cập, chỉ có mạng lưới cấp Trung ương, tỉnh, thị trấn nhưng phường xã không có. Trong khi đó, mạng lưới tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm thương mại đi đến tận các phường xã. Ông Định dẫn chứng: "Toàn ngành bảo hiểm xã hội hiện có 21.000 người nhưng riêng một doanh nghiệp bảo hiểm thương mại hiện có 35.000 đại lý". Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, việc tăng biên chế trong bối cảnh hiện nay là không thể.

Ông Nuno Meira Simoes da Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đề xuất bốn phương án để cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam, trong đó ở giải pháp nào cũng cần tăng tuổi nghỉ hưu.

Thứ nhất, tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, với phương án này cần thực hiện từng bước, mỗi năm tăng một tuổi và bắt đầu từ năm 2018. Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ tích lũy hàng năm là 1,5% cho một năm đóng góp trong 40 năm chuyển đổi. Thứ ba, tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ mỗi năm đóng bảo hiểm được cộng thêm 1% lương bảo hiểm, cùng với đó là áp dụng hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu khu vực công cộng. Và phương án thứ tư là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng chế độ hưu trí có định mức đóng định danh (NDC) và hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu ở khu vực công.

Ông Nuno Meira Simoes da Cunha cũng đề xuất Chính phủ xây dựng một chương trình bảo hiểm tự nguyện dành cho những người muốn bảo vệ tốt hơn và có khả năng đóng góp ở mức cao.

Theo chuyên gia này, mỗi quốc gia có giải pháp riêng của mình, có thể tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế, giảm lợi ích hưởng, và tăng tuổi nghỉ hưu. Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp dễ thực hiện. Nhưng giải pháp này vẫn dễ tiến hành hơn việc giảm mức trợ cấp, tăng mức đóng BHXH. Việt Nam phải thực hiện việc này một cách từ từ. Hầu hết các quốc gia đều có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm.

Ông Nuno Meira Simoes da Cunha cũng cho rằng nếu người lao động được thông báo trước 10 năm, họ sẽ sẵn sàng cho việc làm lâu hơn.

Đồng tình với quan điểm nói trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh. Nếu có thêm nguồn lực lao động sẽ giải quyết được vấn đề đóng và hưởng BHXH của nhiều đối tượng. Ngoài ra cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa việc đóng BHXH, giảm thời gian đóng BHXH (hiện tại là 20 năm) để thu hút người tham gia. Ông cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Vị trí đặt bình chọn


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới