Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cải cách bị trì hoãn do thiếu TPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cải cách bị trì hoãn do thiếu TPP

Tư Hoàng

Cải cách bị trì hoãn do thiếu TPP
Nền nông nghiệp đang chịu thách thức lớn từ sự biến đổi khí hậu. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra rằng, nền kinh tế có thể tiếp tục gặp khó khăn và những cải cách thể chế có thể bị trì hoãn do thiếu áp lực từ TPP.

Nghiên cứu chung của GS. TS. Trần Thọ Đạt, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, PGS. TS. Tô Trung Thành trong báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2016, tái cơ cấu mô hình trăng trưởng” do trường đại học này phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra ba thách thức kinh tế cơ bản không những trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn.

Thứ nhất, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện, chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp; đi kèm với cơ cấu sản xuất và xuất khẩu dựa phần lớn vào các yếu tố đầu vào và công nghệ nhập khẩu.

Thứ hai,  khuôn khổ và điều hành một số chính sách vĩ mô (gồm chính sách tiền tệ và tỷ giá, chính sách tài khóa và quản lý nợ công) còn chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Thứ ba, vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đây cũng chính là những điểm then chốt cần được giải quyết trong giai đoạn năm 2017 và những năm tiếp theo vì mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Theo các học giả, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, CPI tăng khoảng 4% khó có thể đạt được nếu không có những quyết tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, và xây dựng được Nhà nước kiến tạo.

Lạm phát tăng

Các nhà nghiên cứu nhận xét, lạm phát có thể tiếp tục tăng trong năm 2017. Tăng trưởng phương tiện thanh toán và tín dụng trong năm 2016, đặc biệt là những tháng cuối năm có thể có tác động trễ đến lạm phát cơ bản trong năm 2017. Đầu tư và tiêu dùng (đặc biệt là tiêu dùng tư nhân) được dự báo vẫn tiếp tục được cải thiện sẽ khiến tổng cầu gia tăng, gây sức ép nhất định đến lạm phát. Về phía chi phí đẩy, giá dầu thế giới được dự báo tăng 0% sẽ khiến giá xăng, dầu trong nước phải điều chỉnh tăng giá.

Thêm nữa, chính sách thuế và phí cho mặt hàng xăng, dầu (như thuế bảo vệ môi trường) cũng sẽ khiến giá xăng trong nước có thể tăng hơn so với năm 2016. Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá của các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện cũng sẽ khiến chỉ số giá của các nhóm hàng tương ứng gia tăng. Nông nghiệp dự báo tiếp tục gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây ảnh hưởng lớn làm tăng giá lương thực. Tỷ giá được dự báo điều chỉnh mạnh hơn năm 2016 cũng sẽ có tác động đến giá các yếu tố đầu vào nhập khẩu, theo đó, tác động đến chi phí sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam.


Biến động tỷ giá quanh mức 5-6%

Tỷ giá năm 2017 cũng sẽ gặp nhiều sức ép mới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục gia tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2017 do: (i) Kinh tế Mỹ có thể phục hồi tốt, thất nghiệp giảm; (ii) Những cam kết chính sách của Tổng thống Donald Trump, như cắt giảm thuế, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng… có thể khiến thâm hụt ngân sách, lạm phát tăng và lãi suất cần tăng để chống lạm phát.

Lãi suất tăng sẽ khiến đô la Mỹ (USD) tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, gây áp lực đến tiền đồng (VND) vốn đã được định giá cao. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối mặc dù gia tăng mạnh trong năm 2016, nhưng vẫn còn tương đối mỏng và hiện đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Dư địa của tác động ổn định tỷ giá thông qua lãi suất không có nhiều do mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng. Vì vậy, khả năng giữ ổn định tỷ giá trong dài hạn gặp khó khăn.

Tuy vậy, tỷ giá sẽ không có những cú sốc lớn đột ngột do cơ chế điều hành đã linh hoạt hơn, và về ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng để can thiệp nếu vẫn muốn ổn định tỷ giá. Dự báo tổng mức biến động tỷ giá chính thức trong năm nay có thể ở quanh mức 5-6%.

Nỗ lực cải cách thể chế bị thách thức

Về dài hạn, báo cáo nhận xét, ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn những thách thức lớn từ mô hình tăng trưởng chưa có những cải thiện nhanh và triệt để. Mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào gia tăng tích lũy các yếu tố nên khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Những nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế có thể bị trì hoãn khi Hiệp định TPP không còn hiệu lực”, báo cáo nhận xét.

Vấn đề biến đổi khí hậu và thời tiết khó lường có thể ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và tác động chung đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, dư địa chính sách nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng không còn nhiều do lạm phát đang có xu hướng gia tăng.

Ngoài ra, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn trong quá trình tái cơ cấu, những vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để như nợ xấu hay mất cân đối kỳ hạn. Điểm nghẽn của hệ thống tài chính ngân hàng khiến nỗ lực hạ lãi suất đầu ra khó khăn hơn mặc dù thanh khoản hệ thống tốt. Dư địa chính sách cũng bị thu hẹp do cân đối ngân sách năm 2017 sẽ tiếp tục gặp những sức ép lớn.

Nguồn thu ngân sách vẫn thiếu bền vững trong khi chi ngân sách không có dấu hiệu giảm và kỷ luật tài khóa chưa được cải thiện. Thâm hụt ngân sách lớn nên quy mô vay nợ của Chính phủ gia tăng, đặc biệt là vay nợ trong nước bằng phát hành trái phiếu Chính phủ, tiếp tục gây sức ép đến lãi suất và giảm khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng có một số động lực tăng trưởng được duy trì. Trước hết là với tư duy Nhà nước kiến tạo, môi trường kinh doanh được dự báo sẽ dần được cải thiện tốt hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới