Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cải cách DNNN: cần làm vì mình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cải cách DNNN: cần làm vì mình

Đỗ Mạnh Hồng (Đại học Obirin – Nhật Bản)

Công nhân đóng tàu của tập đoàn Vinashin. Ảnh: Lê Toàn.

LTS: Tiếp nối bài “Công nghiệp hóa như thế nào?” của TS. Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG số ra ngày 27-5-2010), tuần này TBKTSG giới thiệu bài viết sau như một góc nhìn về công nghiệp hóa, bắt đầu từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước gần đây được hâm nóng lại bằng Nghị định 25/2010 NĐ-CP, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước (chưa tiến hành cổ phần hóa) chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005.

Nhiều phân tích đã chỉ ra việc chuyển đổi đúng thời hạn trước ngày 1-7 năm nay là thiếu tính khả thi. Song, giả sử như nó có khả thi đi chăng nữa thì việc chuyển đổi đó có ý nghĩa gì? Có phải để tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng? Hay để tăng năng lực cạnh tranh công nghiệp nội địa? Nếu cải cách đúng, tức là đưa doanh nghiệp về đúng với vị trí vai trò của nó trong nền kinh tế, thì câu trả lời sẽ phải là cả hai. Nhưng điều đáng bàn ở đây, hơn cả vấn đề có chuyển đổi kịp hay không, là những cải cách dựa trên tiền đề cố hữu coi doanh nghiệp nhà nước là bộ phận chủ đạo của nền kinh tế được thực hiện lâu nay có thể đạt được các mục đích nêu trên không?

Câu trả lời của người viết bài này là “không”. Suy nghĩ và những biện pháp cải cách nửa vời như hiện nay sẽ không thể tạo ra một “sân chơi” bình đẳng thực sự, và “năng lực công nghiệp nội địa” sẽ không thể được nâng cao do thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp tư nhân nội địa có sức mạnh, vốn là con đẻ của “sân chơi thị trường tự do, bình đẳng”.

Và nếu không kịp thời có những biện pháp mạnh, cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước, thì sản xuất công nghiệp nội địa sẽ đi tới chỗ phá sản, vì sức ép cạnh tranh từ bên ngoài (đặc biệt Trung Quốc) theo quá trình tự do hóa mậu dịch và đầu tư (đã cam kết quốc tế) đang tới rất gần. Khi đó mong muốn đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020 sẽ trở thành một giấc mơ xa.

“Thống nhất sân chơi” không hẳn đã “tạo sân chơi bình đẳng”

Câu chuyện Nghị định 25/2010-NĐ-CP là một phần trong kế hoạch đưa toàn bộ các đối tượng doanh nghiệp về một khung luật thống nhất (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư). Đây là một yêu cầu của WTO đòi hỏi Việt Nam cam kết từ trước, trong quá trình đàm phán gia nhập.

Về hình thức nếu kế hoạch đưa doanh nghiệp nhà nước về hoạt động dưới Luật Doanh nghiệp chung hoàn thành thì có thể xem như Việt Nam trả lời được đòi hỏi của WTO, hay nói một cách chính xác hơn là WTO không vặn vẹo được gì nữa về vấn đề này. Sân chơi như vậy đã bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. WTO chỉ đấu tranh cho quyền lợi của các doanh nghiệp nước ngoài. Họ không cần hơn.

Tuy nhiên, từ góc độ trong nước, việc “sáp nhập” doanh nghiệp nhà nước vào “sân chơi chung” này mới chỉ là một nửa quá trình “tạo sân chơi bình đẳng”. Dù có thay đổi ít nhiều về luật chơi, doanh nghiệp nhà nước vẫn là của Nhà nước. Theo nghị định trên, sau khi chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu của các công ty này là Thủ tướng, hay bộ, hay ủy ban nhân dân, và các công ty mẹ (trong mô hình công ty mẹ-công ty con, hay tập đoàn kinh tế nhà nước). Đội ngũ kinh doanh dĩ nhiên do các chủ sở hữu này chỉ định, và điều tất yếu là nhân sự vẫn sẽ chỉ loanh quanh “ông nọ bà kia”.

Mặt khác, không phải là tất cả, nhưng hầu hết với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt những công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn thì quyền được độc quyền trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, độc quyền trong sử dụng vốn nhà nước bất chấp hiệu quả, đã và sẽ vẫn được bảo toàn.

Xét trên cả hai khía cạnh, nhân sự quản lý và vốn, câu chuyện chuyển đổi này chỉ là “đổ rượu cũ vào bình mới” mà thôi.

Một điểm nữa là sau chuyển đổi, quyền chủ động của từng doanh nghiệp nhà nước cụ thể được tăng thêm, sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn. Song, nhìn từ góc độ của doanh nghiệp tư nhân điều này sẽ làm tăng thêm mức độ bất bình đẳng trên “sân chơi chung”. Doanh nghiệp nhà nước với thế mạnh được dùng vốn nhà nước (không kể các lợi thế khác như danh tiếng nhà nước, mối quan hệ với các cơ quan nhà nước từ trước) sẽ được tự cho phép tham gia cạnh tranh bất cứ lĩnh vực nào có lợi nhuận. Việc này gây hậu quả chèn ép, bất công bằng, đối với khối doanh nghiệp tư nhân.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước “tiến”, năng lực công nghiệp nội địa “lùi”?

Không chỉ không “tạo ra một sân chơi bình đẳng” thực chất, cải cách doanh nghiệp nhà nước cho tới nay cũng không có tác dụng nâng cao năng lực công nghiệp nội địa. Điều này có thể kiểm chứng qua những biện pháp cải cách đã thực hiện và hiệu quả của chúng.

Nhìn một cách tổng thể, hệ thống biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước cho đến nay có thể phân thành ba nhóm. Thời kỳ từ những năm đầu thập kỷ 1990, nhóm biện pháp chủ yếu là sắp xếp lại nhân sự, cắt giảm bớt nhân lực bằng cách động viên về hưu sớm, “nghỉ chế độ một cục”. Bằng cách này giá trị sản xuất của doanh nghiệp nhà nước trên đầu người có tăng lên, nhưng không phải do tiến bộ kỹ thuật hay đầu tư mới mà chủ yếu do số lao động giảm.

Thời kỳ tiếp theo là nhóm biện pháp giải thể (một phần nhỏ, chủ yếu doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương quản lý, quy mô nhỏ), và tư nhân hóa toàn bộ hoặc phần lớn vốn nhà nước. Những biện pháp này có góp phần làm tăng năng suất lao động (ở những doanh nghiệp tư nhân hóa phần lớn hoặc hoàn toàn), và đỡ tiếp tục lãng phí vốn nhà nước (từ giải thể doanh nghiệp). Tuy nhiên số này chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng (vốn, tài sản, và lao động) toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, bởi vậy hiệu quả cải thiện năng suất lao động đối với toàn hệ thống gần như không thể hiện.

Nhóm biện pháp thứ ba là cổ phần hóa nhưng kiên quyết không thả quyền chi phối, hoặc như Nghị định 25/2010 nói trên, là chỉ thay đổi lại hình thức tổ chức bằng cách đổi tên sở hữu (từ nhà nước thành nhà nước). Thực tế, khó ai có thể kiểm định năng suất và hiệu quả của nhóm này, ngay cả các bộ ngành hay thủ tướng quản lý trực tiếp các doanh nghiệp, ngoại trừ chính bản thân từng doanh nghiệp.

Song, nếu xem qua kết quả sản xuất, xuất khẩu hàng công nghiệp (đặc biệt trong cơ cấu mậu dịch với Trung Quốc thời gian gần đây) thì có thể đánh giá gián tiếp năng lực sản xuất công nghiệp nội địa của ta còn rất yếu. Sản phẩm công nghiệp chế tạo (trừ may mặc, giày dép) các ngành cơ khí điện (là lĩnh vực yêu cầu trình độ kỹ thuật sản xuất cao) hầu như con số không (có xuất khẩu thì chủ yếu của bộ phận doanh nghiệp FDI). Không thể có chuyện hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện mà sức cạnh tranh công nghiệp nội địa lại yếu kém.

Vả lại, dù hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước có được nâng lên thì điều đó cũng khó có ảnh hưởng tới năng lực công nghiệp nội địa nói chung. Là vì, nhìn vào kết quả thực tế, giai đoạn gần đây (từ sau những năm 2000, đặc biệt từ khi gia nhập WTO), mặc dù còn được bảo hộ thế độc quyền trên nhiều lĩnh vực hoạt động cũng như việc sử dụng vốn, vai trò nhân vật chính trong sản xuất công nghiệp nội địa của doanh nghiệp nhà nước đã chuyển sang tay khối doanh nghiệp tư nhân.

Song, dẫu cho phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, vì sao doanh nghiệp tư nhân cũng chưa đủ sức để nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp nội địa trên thị trường quốc tế? Điều này chỉ có thể giải thích bởi lý do bộ phận doanh nghiệp này mới chỉ tự bùng lên phát triển một cách tự phát, tìm lối thoát riêng bằng những mảnh thị trường mà doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài không đả động tới chứ không cạnh tranh với các doanh nghiệp này. Ở khía cạnh này, có thể đánh giá, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước như hiện tại gián tiếp làm tụt lùi năng lực cạnh tranh của công nghiệp nội địa, do chèn ép hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Lối thoát cho cải cách doanh nghiệp nhà nước

Vậy phải cải cách doanh nghiệp nhà nước như thế nào? Làm sao để quá trình cải cách thúc đẩy được năng lực sản xuất công nghiệp nội địa? Mấu chốt của vấn đề ở đây là cần xác định một cách khoa học, đúng vai trò của bộ phận doanh nghiệp này.

Về mặt lý luận có thể thấy, vốn nhà nước là một phần tài sản quốc gia, phải được sử dụng cho những mục đích chung của cộng đồng, hay nói một cách khác là để đầu tư vào những hoạt động cung cấp những hàng hóa dịch vụ mang tính công cộng. Đó là những lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng cứng (hệ thống giao thông vận tải, cấp thoát nước, cung cấp năng lượng, xử lý chất thải môi trường), dịch vụ bảo hiểm sức khỏe, y tế cộng đồng, và những dịch vụ an sinh khác.

Vốn nhà nước không phải để dùng cho những hoạt động kinh doanh cạnh tranh trong thị trường tự do để tìm kiếm lợi nhuận trực tiếp, dưới những dạng như tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ thông thường, hay đầu tư tín dụng, chứng khoán. Vì trong điều kiện tự do cạnh tranh, cơ chế quản lý công (tập trung) hoạt động tương đối kém hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý tư nhân.

Doanh nghiệp nhà nước, với tư cách là người sử dụng vốn nhà nước, do vậy cũng chỉ được phép tổ chức những hoạt động cung cấp hàng hóa dịch vụ mang tính công cộng như nêu trên.

Dựa trên cách lý giải về vai trò và chức năng của bộ phận doanh nghiệp nhà nước như trên, đối với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, để thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để cần tiến hành đồng thời thay đổi lại cách thức tổ chức và cơ cấu lại lĩnh vực hoạt động cho bộ phận doanh nghiệp này, tập trung vào hoạt động cung cấp hàng hóa dịch vụ công. Bán toàn bộ cổ phần nhà nước đang nắm giữ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa để thu hồi vốn nhà nước sở hữu về để tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cấp quốc gia cũng như hệ thống an sinh xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.

Việc cổ phần hóa triệt để hệ thống doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước (toàn bộ hoặc một phần), có ý nghĩa tạo ra một môi trường cạnh tranh tự do bình đẳng triệt để, bậc cao hơn trên mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ thông thường. Điều này có tác dụng khuyến khích nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa (cũng chính là doanh nghiệp tư nhân vốn trong nước).

Cải cách doanh nghiệp nhà nước theo phương hướng như trình bày trên có ý nghĩa nâng cao thực chất mức độ phát triển kinh tế thị trường. Nó sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh tự do bình đẳng thực sự, kích thích đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước, chủ thể cốt yếu của nền công nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ. Với ý nghĩa này, nó sẽ là một cuộc cải cách vì mình, tức là vì sự nghiệp phát triển kinh tế của quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới