Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cải cách, phải đi từ con người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cải cách, phải đi từ con người

Các doanh nghiệp bất động sản góp ý rằng cải cách thủ tục hành chính cần được các bộ, ngành thực hiện đồng loạt và quyết liệt – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Không còn phải bàn cãi gì nữa, thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư bất động sản nói riêng đã trở thành một vấn nạn.

Có lẽ vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã không lấy làm ngạc nhiên trước những con số bất thường: 33 thủ tục cho một dự án muốn triển khai, với thời gian hoàn tất bình quân lên tới ba năm, thậm chí có dự án phải mất đến sáu, bảy năm.

Đây là công bố của Bộ Xây dựng tại cuộc hội thảo do bộ này tổ chức tuần qua tại TPHCM. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên còn tiết lộ có những hồ sơ dự án phải đóng 50-60 con dấu của các cơ quan chức năng.

Quả thực, hàng loạt thủ tục, từ chuyện “xin” thông tin quy hoạch, lập quy hoạch, thẩm định phê duyệt dự án đến giao đất, cho thuê đất, đền bù giải tỏa, cấp phép xây dựng… đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng đề xuất một kế hoạch cải tiến lại quy trình thủ tục đầu tư cho dự án bất động sản, rút gọn xuống còn tám bước với thời gian chỉ còn 12 tháng. Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của bộ, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại về tính khả thi của kế hoạch, bởi vấn đề không chỉ nằm ở việc tinh giản quy trình.

Bức thiết hàng đầu hiện nay ai cũng biết chính là nằm ở bộ máy cán bộ công chức. Chuyện cán bộ gây khó dễ, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực có lẽ không còn đơn lẻ nữa mà gần như đã trở thành chuyện… thường ngày ở huyện. Thông tin quy hoạch lẽ ra phải được công khai thì cán bộ giấu đi, để dành… bán!

Chỉ vì một trưởng phòng của sở quy hoạch kiến trúc gây khó dễ mà riêng khâu duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 có doanh nghiệp đã mất đứt ba năm rưỡi đeo đuổi.

Cười ra nước mắt là câu chuyện ngoài lề của một doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nghe nói chương trình nhà ở xã hội triển khai chậm do thiếu quỹ đất, doanh nghiệp này đã sốt sắng gửi thư cho tất cả các quận xin được đầu tư bằng đất đã có của mình. Thật lạ thay, doanh nghiệp chờ mãi vẫn không có một quận nào trả lời. Sau này tìm hiểu, doanh nghiệp mới vỡ lẽ vì dự án nhà ở xã hội được ưu đãi nên muốn đầu tư thì phải biết chung chi, chứ không thể gửi thư khơi khơi như vậy được.

Không phải không có lý khi kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ví von về những cái “vô” trong lĩnh vực địa ốc hiện nay: thủ tục nhiêu khê là rào cản vô tận; cán bộ thụ lý vô cảm, luôn chọn các điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp mà không thấy được các bức xúc của họ và doanh nghiệp chán chường, bất lực đến vô vọng.

Hậu quả của vấn nạn về thủ tục hành chính và bộ máy cán bộ công chức, nếu tính bằng tiền, như lời của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Ree, đã làm lãng phí hàng tỉ đô la của nhà đầu tư cũng như xã hội.

Nhiều ý kiến thắc mắc rằng theo quy định, nếu sau 12 tháng kể từ khi có thỏa thuận địa điểm đầu tư mà chủ đầu tư không khởi công xây dựng dự án thì dự án sẽ bị thu hồi, trong khi đó, cán bộ gây chậm trễ quy trình thủ tục lại không bị một chế tài nào. Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Địa ốc Thanh Bình, bức xúc: “Tôi chưa thấy cán bộ nào làm sai bị chế tài cả”.

Giám đốc một doanh nghiệp đã không thật đồng tình khi nghe vị phó chủ tịch chính quyền thành phố phát biểu, yêu cầu doanh nghiệp “cung cấp sự vụ cụ thể, nêu đích danh những cán bộ “mè nheo” hoặc tắc trách làm chậm trễ hồ sơ, chính quyền thành phố sẽ xử lý nghiêm khắc, không bao che bất cứ một cá nhân nào”.

Trách nhiệm giám sát, xử lý đối với cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền trước hết thuộc về Nhà nước, là công việc thường xuyên, chứ sao cứ phải trông chờ vào tố cáo của doanh nghiệp? Bà Mai Thanh đề xuất trong trường hợp hồ sơ nộp đã đầy đủ, hợp lệ mà cán bộ thụ lý không giải quyết đúng thời hạn thì nên áp dụng cơ chế doanh nghiệp được quyền tự động thực hiện.

Ngoài ra, việc cải cách thủ tục hành chính cũng không thể do một mình Bộ Xây dựng thực hiện được, vì để thực hiện một dự án bất động sản, nhà đầu tư phải “gõ” rất nhiều cửa, thực hiện theo nhiều văn bản khác nhau.

Quả không sai khi một doanh nghiệp ví “con thuyền địa ốc” hiện giờ đang chao đảo, vô định do những người cầm lái, mỗi người theo một định hướng khác nhau như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính… Có trường hợp, với dự án nhà cao tầng trên 45 mét, nhà đầu tư còn phải khăn gói ra Hà Nội để xin phép cả Bộ Quốc phòng!

Có doanh nghiệp đặt vấn đề: hàng năm, mỗi bộ, ngành đều tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng góp để cải cách, cải tiến rồi sau đó mạnh ai nấy ra văn bản, chính sách và các quy định vẫn tiếp tục chồng chéo nhau. Vậy thì vì sao các bộ, ngành không ngồi lại với nhau để tổ chức các hội thảo “liên bộ”, cùng đối thoại với doanh nghiệp và ban hành những chính sách đồng bộ? Hoặc vì sao không đưa việc quản lý bất động sản vào một mối, ví dụ một ủy ban quản lý địa ốc chẳng hạn?

Có thể thấy rõ, chỉ lúc nào các bộ, ngành đặt quyền lợi chung của đất nước, của doanh nghiệp, của người dân lên trên hết, thay vì quyền lợi cục bộ của mình (như chuyện tranh nhau giấy “đỏ”, giấy “hồng” vừa qua) thì “con thuyền địa ốc” mới thuận buồm xuôi gió.

TẤN PHƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới