Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cái chính là thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cái chính là thực hiện

(TBKTSG) – Tuần trước, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 10/NQ-CP nhằm đề ra Chương trình hành động để thực hiện việc “nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.

Chương trình hành động với những mốc thời gian cụ thể đã phân công cho nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai các đầu việc quan trọng. Ví dụ, Bộ Tài chính được phân công chủ trì với sự phối hợp của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để soạn thảo nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, hoàn tất trong quí 2-2010. Hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm chủ đề tài nghiên cứu báo cáo “rà soát, phân tích, đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, làm xong trong tháng 9-2010.

Thế nhưng nếu đọc kỹ Chương trình hành động này, sẽ thấy nhiều phần việc đã được đề ra nhiều lần trước đó, thậm chí nhiều phần việc đã được đưa vào văn bản chính thức, được Chính phủ phân công thực hiện đã lâu.

Chẳng hạn, việc xây dựng một nghị định về tổ chức, hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, với mốc hoàn thành vào quí 2-2010 thật ra đã được giao cho Bộ Tài chính từ nhiều năm trước. Hay việc sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là một chủ trương đã có từ lâu và trên thực tế đã triển khai với những phần việc cụ thể. Cũng đã có nhiều hội thảo tầm cỡ quốc gia về đề tài này cũng như những nghiên cứu độc lập của các viện nghiên cứu. Vấn đề là vì sao những đầu việc cụ thể như thế không đem lại kết quả như đề ra để Chương trình hành động lần này lại phải đưa vào như những đầu việc mới.

Vì thế, thiết nghĩ để Chương trình hành động đạt được thành công theo đúng mốc thời gian đặt ra, quan trọng là cách tổ chức thực hiện. Nhiều phần việc trùng lắp liên quan đến mô hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nên được gom lại vào một đầu mối, dựa trên những kết quả đã có để nhanh chóng tìm ra lời giải cho việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Cột mốc tháng 7-2010 khi mọi doanh nghiệp nhà nước phải chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn chính là dịp để đốc thúc hoàn thành các nghiên cứu lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.

Giải quyết các đầu việc trong Chương trình hành động không những chỉ có tác động lâu dài đến tính cạnh tranh của nền kinh tế mà còn là cơ sở để giải quyết những vấn đề mang tính thời sự. Chẳng hạn hiện nay nhiều tập đoàn, tổng công ty lấy lý do hiệu quả tài chính để đòi tăng giá bán sản phẩm trong khi chưa chú ý đến vai trò xã hội của doanh nghiệp nhà nước. Hay người dân cũng đang đặt câu hỏi vai trò của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trong ngăn ngừa lạm phát là như thế nào để họ thật sự đóng đúng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Trả lời được các câu hỏi này thì chỉ thị của Thủ tướng về việc hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao trong năm 2010 mới phát huy tác dụng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới