Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cái ‘dạ dày’ của quốc gia vẫn đang bị bỏ rơi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cái ‘dạ dày’ của quốc gia vẫn đang bị bỏ rơi

Dương Văn Ni

(TBKTSG Xuân) – Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, từ chuyện sinh hoạt đi lại, vui chơi, giải trí, tín ngưỡng của mỗi cá nhân, đến các ngành nghề mũi nhọn của nhiều quốc gia… Nhưng có những chuyện xem ra đơn giản như ăn uống hàng ngày thì gần như không bị ảnh hưởng, vì nó là nhu cầu sống rất cơ bản của con người. Điều đáng buồn là chỉ tới lúc “lâm nguy” người ta mới nghĩ đến nông nghiệp – cái “dạ dày” của quốc gia.

Cái 'dạ dày' của quốc gia vẫn đang bị bỏ rơi
Một cánh đồng lúa nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ảnh: H.P

Trong suốt thời gian áp dụng giãn cách xã hội, mọi người hạn chế ra đường, thì người nông dân vẫn hàng ngày ra đồng chăm bón cho từng liếp rau ruộng lúa, từng đàn gà con heo, để cả xã hội có được nguồn lương thực thực phẩm cần thiết nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Và một lần nữa, người ta phải thừa nhận nông nghiệp là trụ đỡ chính của nền kinh tế nước nhà, đúng hơn, là cái “dạ dày” của mỗi quốc gia!

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhận thức này đã bị lệch lạc, theo hướng nông nghiệp không phải là ngành mũi nhọn. Trong gia đình, thể hiện bằng quyết định của các bậc cha mẹ, dù là nông dân, cũng mong con em họ không tiếp tục làm sản xuất nông nghiệp; tuổi trẻ thì xem học ngành nông nghiệp không có tương lai; các doanh nghiệp thì ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì thu hồi vốn chậm và gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Vì vậy, những người làm công tác quản lý, quy hoạch, lập chính sách phát triển đã không ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Hệ quả là lĩnh vực nông nghiệp mất dần diện tích đất sản xuất màu mỡ cho các khu công nghiệp và dịch vụ, mất dần nguồn lao động trẻ ở nông thôn và mất dần nguồn nhân lực chất xám. Trong đó, việc mất dần nguồn nhân lực chất xám có thể xem là nguyên nhân quan trọng nhất.

Hy vọng là qua dịch Covid-19, các nhà quy hoạch, xây dựng chính sách, chính quyền địa phương và người dân, hiểu rõ hơn từ “nông nghiệp”. Đó không phải chỉ đơn giản là đàn heo chuồng gà, hay tấn gạo tấn tôm, vườn cam vườn nhãn. Mà là để không băm nát sinh thái ĐBSCL thành vùng mặn vùng ngọt, đê cống tràn lan, làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước mặt nên buộc người dân phải tận thu nguồn nước ngầm.

Quá trình mất nguồn nhân lực chất xám này đã xảy ra từ lâu. Bắt đầu bằng việc các trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp trong cả nước chuyển sang các lĩnh vực kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, vì không có học sinh thi vào. Ngành nông nghiệp của các trường đại học hạ điểm đầu vào thấp nhất nhưng vẫn không tuyển đủ sinh viên và số sinh viên tốt nghiệp ít ỏi của ngành này cũng không tiếp tục công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, không trở lại nông thôn.

Hậu quả là hàng triệu nông dân bỏ ruộng vườn, di cư ra thành phố bán sức lao động chân tay, vì sản xuất nông nghiệp không đủ sống. Các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp còn do chồng chéo luật lệ và sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, trong đó nhập nhằng giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, kiểm soát giá lúa gạo và chỉ tiêu xuất khẩu gạo và việc thả nổi giá vật tư phân bón trong thời gian gần đây là những ví dụ.

Hậu quả là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một vùng đất vốn được thiên nhiên ưu đãi, đã phải nhờ đến sự giải cứu của toàn xã hội, từ lúa gạo đến trái cây, thủy sản, chăn nuôi; từ lít nước uống cho đến thùng mì tôm, hết mùa mưa bão lại đến mùa hạn mặn. Nếu cứ như thế này thì liệu “trụ đỡ chính của nền kinh tế” hay cái “dạ dày” của quốc gia còn cầm cự được trong bao lâu?

Rất may là Nghị quyết 120 đã ra đời, trong đó nổi bật nhất là việc coi nước mặn, nước lợ, nước lũ đều là tài nguyên và phát triển nông nghiệp phải ưu tiên chất lượng cao hơn số lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ tái cấu trúc nền nông nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến bản quy hoạch tích hợp cho toàn vùng, nhưng xem ra còn cần nhiều thời gian để “khớp” các mục tiêu cụ thể từ địa phương đến trung ương.

Có lẽ trong họa cũng có may, hy vọng là qua dịch Covid-19, các nhà quy hoạch, xây dựng chính sách, chính quyền địa phương và người dân, hiểu rõ hơn từ “nông nghiệp”. Đó không phải chỉ đơn giản là đàn heo chuồng gà, hay tấn gạo tấn tôm, vườn cam vườn nhãn. Mà là để không băm nát sinh thái ĐBSCL thành vùng mặn vùng ngọt, đê cống tràn lan, làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước mặt nên buộc người dân phải tận thu nguồn nước ngầm.

Và như vậy phải bắt đầu từ con người, phải có nguồn nhân lực tốt nhất, nắm bắt thông tin và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mau lẹ, để có thể đột phá vào những lĩnh vực mới mẻ từ con giống đến kỹ thuật canh tác, quản lý, sản xuất. Biết kết hợp những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại với tri thức bản địa và tài nguyên thiên nhiên đặc hữu, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng độc đáo mà không nơi nào có thể sao chép được, do tính đặc thù cao của môi trường nơi đó.

Không có nước mặn giàu hàm lượng canxi thì không có thương hiệu cua Năm Căn (Cà Mau); gạo Nàng Hương Chợ Đào (Long An) chỉ có mùi thơm đậm đà trên vùng đất mùa khô có nước mặn và mùa mưa có nước ngọt. Không có nước tràn bờ mang cát mịn trộn với thịt sét để tạo thành đất phù sa ven sông thì không thể có quýt tiều Lai Vung (Đồng Tháp) hay bưởi năm roi Bình Minh (Vĩnh Long). Thương hiệu Dừa Dứa (Bến Tre) chỉ có thể duy trì được khi trồng trên nền đất phù sa nhiễm mặn giàu hàm lượng dinh dưỡng và lưu huỳnh.

Phục hồi môi trường tự nhiên để có những sản phẩm độc đáo, không ai có thể cạnh tranh về chất lượng. Rà soát lại từ hạ tầng phục vụ sản xuất đến chính sách có liên quan, nhằm hỗ trợ cho sản phẩm đó phát triển được tại thị trường trong và ngoài nước.

Tóm lại, dù thế giới có thay đổi ra sao, thì nhu cầu ăn uống vẫn luôn là điều căn bản không thể thiếu. Sau dịch Covid-19, nhiều quốc gia sẽ chú trọng hơn vấn đề “an ninh lương thực” tức là nhu cầu “ăn để mà sống”. Vì vậy, nông sản không có chất lượng cao chỉ có thể vào được các thị trường mà người dân phải “bữa cơm, bữa cháo”! Ngược lại, các quốc gia giàu có thì người ta lại cần ăn ngon. Điều này thì ĐBSCL đang có cơ hội lớn lao nhờ sự kết tinh giữa thiên nhiên và con người đã trải qua hàng trăm năm sàng lọc. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới