Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cái giá phải trả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cái giá phải trả

Phan Trọng Hiền

Bão, lũ sẽ ngày càng khốc liệt hơn nếu rừng tiếp tục bị tàn phá.

(TBKTSG) – Mới vào đầu mùa mưa, cơn bão số 2 tạt qua một số địa phương miền Bắc đã để lại hậu quả khá nặng nề: ít nhất 17 người chết, 6 người mất tích, 64 người bị thương, hơn 2.700 ngôi nhà bị hư hại, 14.000 héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng. Riêng quốc lộ 7 – con đường huyết mạch từ quốc lộ 1A (Diễn Châu, Nghệ An) chạy sang nước bạn Lào – bị hư hỏng nặng.

Thiệt hại về vật chất lên đến hàng ngàn tỉ đồng (riêng tỉnh Nghệ An thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng). Chưa hết, vào rạng sáng 30-6 vừa qua, một trận mưa lũ lớn ở Lai Châu đã khiến cho ít nhất năm người ở huyện Mường Tè bị mất tích, chết…

Gần đây, hầu như năm nào báo chí cũng thường hay dùng từ “lịch sử” khi nói về trận bão, lũ vừa mới đi qua, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho địa phương. Thật ra, từ lâu nhiều chuyên gia, các phương tiện truyền thông cảnh báo bão lũ ở nước ta chắc chắn năm sau sẽ cao hơn năm trước, thiệt hại cũng ngày càng lớn hơn bởi nó diễn ra theo đúng quy luật tự nhiên: rừng bị tàn phá đến cạn kiệt, lấy gì để ngăn giữ nước không ào ạt tuôn xuống hạ nguồn!

Thành phần phá rừng gồm nhiều loại, từ “lâm tặc” cho đến những cá nhân, đơn vị bất chấp tất cả để xây dựng thủy điện tràn lan. Việc làm này là “phi kinh tế”, bởi lợi nhuận đem lại chẳng bao nhiêu nếu so với những thiệt hại mà các trận lũ có thể gây ra. Chẳng hạn, ngày 24-5-2011, thủy điện An Khê – Kanak (Gia Lai) tiến hành xả lũ, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân địa phương (Tuổi trẻ, 30-5-2011). Tiếp đó, ngày 14-6-2011, thủy điện Đạm Bol (Lâm Đồng) bị vỡ đường ống dẫn nước, gây ngập lụt, cuốn trôi một số nhà cửa, hoa màu, làm mất tích và bị thương 4 người…

Hậu quả nhãn tiền như vậy, nhưng chẳng hiểu sao mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép xây dựng hai nhà máy thủy điện nhỏ lấn đất Vườn quốc gia Cát Tiên (Người lao động, 1-7-2011). Con rắn một khi đã ăn cái đuôi của chính mình để tồn tại, thì số phận của nó có lẽ chẳng còn gì để nói! Do vậy, nếu tiếp tục lấn rừng xây dựng thủy điện thì chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục đón nhận những trận bão, lũ càng ngày càng lớn hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới