Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cái khó của khởi nghiệp ở miền Tây sông nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cái khó của khởi nghiệp ở miền Tây sông nước

Nguyễn Thị Thương Linh(*)

(TBKTSG Online) – Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) năm 2016 lần đầu tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL quy mô cấp vùng, thu hút được 53 hồ sơ dự thi, nhưng cuối cùng không tìm ra được một dự án khả thi nào để trao giải nhất.

Startup nông nghiệp "lên ngôi" trong thi khởi nghiệp ở ĐBSCL

Tháo gỡ rào cản cho khởi nghiệp

Cái khó của khởi nghiệp ở miền Tây sông nước
Buổi chung kết cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2017 do VCCI Cần Thơ tổ chức.

Năm ngoái khởi sắc hơn các hoạt động khởi nghiệp ở ĐBSCL với nhiều chương trình thúc đẩy khởi nghiệp qua các chương trình đào tạo, sự xuất hiện của các vườn ươm, mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL cũng được hình thành, mà nổi bật là hàng loạt các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh. Đặc biệt, Mekong Startup 2017 do VCCI Cần Thơ tổ chức quy mô vùng với 100 ý tưởng, dự án tham gia được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại thì số lượng dự án khởi nghiệp (startup) có thể thương mại hoá sản phẩm hay triển khai thành công trong thực tế vẫn còn ít ỏi và chưa có startup nào "nổi đình nổi đám" như các nơi khác, vậy nguyên nhân ở đâu?

Một trong những nguyên nhân chính vẫn là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp còn thiếu chất xám, tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong ý tưởng, đề án còn thấp, sản phẩm thiếu "thực chất", phần lớn các ý tưởng, dự án chỉ là những giải pháp kinh doanh đơn thuần, hay sao chép đâu đó mà bất kỳ ai cũng có thể làm được. Ngoài ra, tư duy vùng ĐBSCL được xem là có thế mạnh về nông nghiệp đã ăn sâu vào người dân nên phần lớn các ý tưởng, dự án chỉ xoay quanh việc nuôi trồng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp thủ công và thô sơ mà thiếu hàm lượng chất xám, thiếu sáng tạo hay ứng dụng công nghệ trong quá trình nuôi trồng và sản xuất. Điều này là lý do không thu hút được sự quan tâm của các quỹ hỗ trợ, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thời gian qua.

Nguyên nhân nữa là do tâm lý an nhàn của người dân ĐBSCL xuất phát từ việc được thiên nhiên ưu đãi từ xa xưa đã trở thành thói quen khiến cho người dân có tâm lý ngại khó, sợ thất bại và trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài – đây là một rào cản vô hình nhưng ảnh hưởng lớn đến quyết định khởi nghiệp của cộng đồng ở ĐBSCL.

Một khía cạnh khác mang tính chất "đã biết rồi, đang giải quyết, nói mãi" nhưng cần phải nhắc lại là sự chưa hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay, sự ràng buộc về chính sách, quy định pháp luật khiến cho các địa phương dù muốn cũng không dám "xé rào" để hỗ trợ cho các startup.

Điển hình cho việc này là một thí sinh tham gia cuộc thi Mekong Startup 2017 với sản phẩm "ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng trong nông nghiệp" đã không thể thương mại hoá sản phẩm do chưa xin được giấy phép lưu hành sản phẩm, vì sản phẩm mới nên cơ quan chức năng chưa biết xếp vào… danh mục nào.

Để hoạt động khởi nghiệp ở ĐBSCL tiếp tục phát triển có chiều sâu, thiết nghĩ các tổ chức được giao trách nhiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương cần liên kết nhau trong hoạt động nhằm giúp người dân, giới trẻ có tư duy tích cực và nhận thức đúng về khởi nghiệp nông nghiệp ở thời kỳ mới. Đó là sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới trong phương thức sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, cần có sự liên kết giữa các địa phương trong hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho startup ở quy mô lớn, sự kết nối giữa ý tưởng, dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sâu và cụ thể bằng các yêu cầu cải tiến, phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ, nhằm đặt ra nhu cầu khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ và cộng đồng như một cam kết đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp là vô cùng cấp thiết.

Cuối cùng, sự tham gia nghiêm túc của Chính phủ, chính quyền địa phương vào quá trình thúc đẩy khởi nghiệp sẽ là nền tảng quan trọng và cũng là sức ép để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn, từ đó thúc đẩy người dân mạnh dạn khởi nghiệp, và phát triển bền vững.

(*) Phó giám đốc VCCI Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới