Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cái mới của hai luật ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cái mới của hai luật ngân hàng

Hải Lý

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Từ bấy lâu nay công chúng vẫn hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước hết là cơ quan quản lý nhà nước ngành ngân hàng, ít ai biết rằng NHNN còn có những hoạt động phát sinh thu nhập.

Điều 38 (mục 6: Hoạt động thông tin báo cáo) của Luật NHNN vừa được Quốc hội thông qua chỉ ra một trong những nhiệm vụ của NHNN trong hoạt động thông tin là công bố “kết quả tài chính và hoạt động của NHNN theo quy định pháp luật”.

1. Vậy kết quả tài chính của NHNN là gì? Điều 45 luật trên định nghĩa: “Kết quả tài chính hàng năm của NHNN được xác định bằng nguồn thu về hoạt động nghiệp vụ ngân hàng và các nguồn thu khác, sau khi trừ chi phí hoạt động và các khoản dự phòng rủi ro”. Như vậy NHNN có báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo này được kiểm toán theo quy định pháp luật. Điều 48 nói rõ: “Báo cáo tài chính hàng năm của NHNN được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và xác nhận”.

Ngân sách nhà nước hiện đã công khai thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, thu chi từng khoản mục như thế nào để toàn dân biết. Nhưng cộng đồng chưa được biết NHNN thu chi ra sao và cũng chưa bao giờ thấy NHNN đăng công khai báo cáo tài chính năm có kiểm toán trên các phương tiện truyền thông như các ngân hàng thương mại thường làm.

Những hoạt động nào mang lại kết quả tài chính cho NHNN? Trước hết là tái cấp vốn (điều 12 Luật NHNN) dưới các hình thức cho vay có đảm bảo bằng cầm cố giấy tờ có giá; chiết khấu giấy tờ cho giá. Kế đó là nghiệp vụ thị trường mở thông qua mua bán giấy tờ có giá với các tổ chức tín dụng (điều 16); cho vay (điều 25); mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước và quốc tế (điều 34). Mức độ phát sinh lời lỗ của các nghiệp vụ này rất lớn. Chẳng hạn nghiệp vụ hoạt động thị trường mở, doanh số giao dịch lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng/tháng.

Có kết quả tài chính, nên NHNN cũng có các quỹ để trích lập. Theo Luật NHNN hiện hành ban hành năm 2003, NHNN chỉ được phép lập quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Nhưng theo luật mới vừa thông qua, thì ngoài Quỹ Chính sách tiền tệ quốc gia, NHNN còn được lập quỹ Dự phòng tài chính và các quỹ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi trích lập các quỹ rồi, phần còn lại NHNN mới nộp ngân sách.

Thành lập Quỹ Chính sách tiền tệ quốc gia là cần thiết vì NHNN khi cần phải can thiệp vào thị trường tiền tệ, thí dụ mua ngoại tệ giá cao, bán giá thấp để ổn định cung cầu. Tuy nhiên, mục tiêu của quỹ dự phòng tài chính và các quỹ khác không rõ ràng. Các quỹ khác đó có bao gồm quỹ phúc lợi khen thưởng, quỹ đầu tư phát triển như của doanh nghiệp không? Giả sử NHNN mua bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và có lời có lỗ, thì có được sử dụng quỹ dự phòng tài chính không?

2. Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ 1-1-2011, như vậy NHNN có hơn sáu tháng để chuẩn bị cho việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn. Đây là một công việc nặng nhọc. Luật các TCTD hiện hành được ban hành ngày 24-6-2004, Luật NHNN hiện hành ban hành ngày 26-6-2003. Từ đó đến nay 15 nghị định của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện hai luật trên được ban hành, còn thông tư, quyết định thì hàng trăm. Riêng với Luật NHNN, phải năm năm hai tháng sau, ngày 26-8-2008 Nghị định số 96/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của NHNN mới được ban hành.

Gần đây nhất, ngày 12-2-2010 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng mới được ban hành. Còn dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động của TCTD và thanh lý dưới sự giám sát của NHNN thì mới được đưa ra lấy ý kiến đóng góp từ ngày 19-4-2010. Luật mới đã được thông qua, nhưng hướng dẫn thực hiện luật hiện hành xem ra vẫn chưa hoàn tất.

Để Luật các TCTD có thể thực hiện, đếm sơ sơ cũng cần 50 văn bản hướng dẫn của NHNN và 5-10 nghị định của Chính phủ. Chẳng hạn “Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, tổng mức sở hữu tối đa, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD” (điều 16, khoản 2); “Chính phủ quy định thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của ngân hàng chính sách” (điều 17, khoản 2); “Chính phủ quy định mức vốn pháp định đối với từng loại hình TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” (điều 19, khoản 1); “Chính phủ quy định điều kiện cụ thể để công ty tài chính thực hiện các hoạt động kinh doanh” (điều 108, khoản 2); “Chính phủ quy định việc góp vốn mua cổ phần”(điều 149, khoản 4); “Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể hoạt động của các chương trình, dự án tài chính vi mô” (điều 161, khoản 6)…

Còn liệt kê các điều khoản chờ NHNN quy định thì phải vài trang giấy. Tính ra mỗi tháng bình quân phải có ít nhất 10 nghị định, thông tư hướng dẫn hai luật trên ra đời cho kịp thời hạn luật có hiệu lực. Tức là ba ngày phải có một văn bản hướng dẫn, kể cả ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ. Không biết bộ máy của NHNN phải “chạy” với tốc độ nào để ra cho đủ văn bản hướng dẫn. Còn nếu không kịp ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn trước khi năm 2011 bắt đầu, trong thời gian chờ đợi, các TCTD biết thực hiện theo luật nào, cũ hay mới? Hay tạm thời ngừng kinh doanh?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới